Sau khi đã tìm hiểu no nê Krakow, tôi tiếp tục hành trình “nam tiến” về dãy núi Carpate hay chính xác hơn là nhánh núi Tatras với Zakopane là thủ phủ. Tôi biết đến dãy núi này từ hồi còn học lớp 6, thơì kỳ mà tôi thực sự bị cuốn hút bới môn địa lý, bộ môn mà đa phần các bạn cùng lớp rè bỉu vì không phải là bộ môn thể hiện được trí thông minh giống như toán hay văn. Dãy núi Carpate nổi tiếng thứ hai Châu Âu sau dãy núi Alps và trải dài qua một số quốc gia Trung Âu trong đó có Romania, Ba Lan và Slovakia. Tôi đều đã từng thăm cả 3 quốc gia này nhưng duy chỉ có phần Carpate bên Slovakia là tôi chưa thăm. Về phần Romania, tôi thăm được một ít nhờ vào chuyến khám phá vùng Transylvania. Vậy, phần dãy núi Carpate bên Ba Lan có điểm gì thu hút tôi? Nếu nhìn lại ở thời điểm 2013 về năm 2005, Ba Lan không còn gây cho tôi cảm giác woah!! nữa nhưng ở thời điểm 19 tuổi 8 năm về trước thì có đấy.
Cách Krakow 100km về phía nam và sau 2 tiếng xe buýt, tôi đặt chân đến thị trấn Zakopane, ví dụ điển hình của lối sống người dân miền núi của Ba Lan. Zakopane bắt nguồn từ zakopac, trong tiếng Ba Lan có nghĩa là “bao phủ bằng đất”, hàm ý rằng đường đi đến thị trấn Zakpoane vốn dĩ rất khó khăn trong quá khứ. Ngày nay, tuy cơ sở hạ tầng có nhiều cải thiện nhưng có vẻ như con đường nối giữa Krakow và Zakopane có kích cỡ khá nhỏ và nếu chỉ cần có một sự cố tai nạn trên đường là sẽ bị tắc nghẽn trong vòng vài giờ đồng hồ. May mắn là chuyến xe buýt của tôi chạy trơn tru trên đường.
Khu vực xung quanh Zakopane đối với người Ba Lan cũng giống như Sapa của Việt Nam, là nơi nghỉ dưỡng mùa hè và trượt tuyết mùa đông. Đã từ nhiều thập kỷ, dãy núi Tatras là một trong những khu vực tuyệt vời nhất dành cho dân mê trekking nhưng thật đáng tiếc là tôi đã không thể tận dụng thời gian của mình để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó. Mới chỉ 19 tuổi, tôi vẫn còn trong đầu tư tưởng thăm cái gì dễ dàng một chút và còn ngại vất vả đặc biệt là trong lĩnh vực trekking. Có thể thấy có sự tiến hóa rất lớn của Thái balô năm 2005 và 2011. Năm 2005 là một người chỉ biết đi thăm thành phố, còn năm 2011 là một người không ngại nguy hiểm để đến những ngõ ngánh thiên nhiên và sẵn sàn cuốc bộ 20km một ngày. Quay trở lại với chuyến viếng thăm dãy núi Tatras, phần lớn thời gian tôi chỉ loanh quanh ở thị trấn Zakopane và mua một số tour du lịch trong ngày với Zakopane là đại bản doanh.
Thị trấn Zakopane khá nhỏ nên nếu tản bộ thì chỉ mất một ngày là thăm được phần lớn những điểm cần xem nhất. Tôi bắt đầu tản bộ trong thị trấn Zakopane, bắt đầu bằng con phố Koscieliska hay còn gọi là khu phố cổ. Tại đây tôi như có cảm giác lạc vào một ngôi làng cuối thế kỷ 19 với những ngôi nhà tuyệt đẹp bằng gỗ thông.
Về mặt kiến trúc, các ngôi nhà ở đây có nhiểu điểm chung với đất nước Romania láng giếng, có lẽ là do cùng nguồn gốc sống trên vùng núi Carpate. Một điểm khá thú vị về Zakopane, đó là các ngôi nhà ở đây tuy tuân thủ theo lối kiến trúc truyền thống nhưng chỉ hơn 100 năm tuổi về mặt thâm niên. Cho đến thế kỷ 19, đây chỉ là một thôn xóm vô danh lèo tèo vào ngôi nhà lụp sụp của mấy chú tiều phu. Tất cả bắt đầu khi một kiến trúc sư người Ba La tên Stanislaw Witkiewitz thiết kế ra một dòng kiến trúc mới kết hợp giữa trường phái truyền thống của vùng núi Carpate và kiểu bài trí hiện đại đang thịnh hành vào thời điểm đó. Và kết quả là một trường phái kiến trúc mới sình ra với cái tên trường phái Zakopane, với gỗ là vật liệu xây dựng chung, nhưng được tỉa cắt và trang trí rất công phu. Đối với người dân bản xứ, sự xuất hiện của dòng kiến trúc mới có ý nghĩa quan trọng bởi nó là biểu tượng cho phong trào bài trừ sự ảnh hưởng văn hóa của thế lực ngoại xâm . Nên nhớ rằng đất nước Ba Lan bị xóa sổ trên bản đồ thế giới trong vòng hơn 100 năm và bị chia cắt thành lãnh thổ trực thuộc các thế lực láng giềng như Nga, Đức, Áo. Đến tận thế kỷ 19, khu vực dãy núi Tatras phía nam ba Lan từng là lãnh thổ của Áo và chịu nhiều ảnh hưởng kiến trúc của nước này.
Đối với tôi, lối kiến trúc Zakopane là một sự thay đổi lớn về mặt kiến trúc sau khi thăm một loạt các thành phố lớn như Krakow hay Warsaw. Thật vậy, Zakopane với vẻ đẹp thô sơ của miền núi, còn Warsaw thì chịu nhiều cảnh hưởng của dòng kiến trúc gôtích gạch đỏ kiểu Đức + kiểu mái nhà vòm hình bóng đèn kiểu Nga. Krakow thì lại nổi bật với dòng kiến trúc barốc của Áo và một chút gì đó của Đức. Các bạn có thể cảm thấy hơn nhàm chán khi tôi cứ lải nhải mãi về kiến trúc nhưng sorry nhé, tôi xuất thân từ khoa học xã hội nhân văn thiên về nghệ thuật nên chủ đề này khó có thể tránh khỏi trong các bài viết của tôi. Nhưng đừng nghĩ tôi đề cập đến kiến trúc chỉ để nói về kiến trúc. Trường phái Zakopane còn có ý nghĩa lịch sử và chính trị rất quan trọng đối với người Ba Lan. Như đã nói ở trên, vào giữa thế kỷ 19 nổi lên phong trào tự tôn dân tộc. Rất nhiều quốc gia Châu Âu lúc bấy giờ không có độc lập và chịu đô hộ của một số cường cuốc khác. Vì thế, tầng lớp tri thức Ba La luôn tìm những ý tưởng để đánh thức tinh thần dân tộc của người Ba Lan. Rất nhiều trong số họ cho rằng nơi có thể tìm được những ý tưởng như vậy phải nằm ở đâu đó tại các vùng núi xa xôi bởi chỉ có những cộng đồng ở đó thì mới thoát khỏi tầm ảnh hưởng văn hóa của các nước đô hộ. Vùng núi Tatras và thị trấn Zakopane chính là câu trả lời. Rất nhiều nhân vật nổi tiếng của Ba Lan, từ nhà thơ đến kiến trúc sư đổ xô đến Zakopane vào cuối thế kỷ 19 để tìm nguồn cảm hứng cho lĩnh vực của họ và nhờ vậy, thị trấn này là khai mào cho phong trào đấu tranh dành độc lập sau này của dân tộc Ba Lan.
Kiến trúc Zakopane không chỉ thể hiện qua nhà cửa dân thường mà còn qua khía cạnh thiên chúa giáo. Nhà thờ ở đây không có kiểu xây bằng gạch đỏ như ở Warsaw hay Krakow, nó cũng không dùng nhiều đá như các nhà thờ ở Pháp. Ở đây, người ta dùng gỗ là chính. Điển hình nhất của ví dụ này là nhà thờ Jaszczurowka, lấy theo tên của một loài thằn lằn xưa kia sống rất nhiều trong khu vực. Phải mất khoảng 30mn đi bộ từ trung tâm thị trấn Zakopane thì mới đến được nhà thờ này nhưng với một người mê kiến trúc như tôi thì cũng không xa lắm.
Sau một thuyết trình dài dằng dặc về kiến trúc, chúng ta quay trở lại với một Zakopane thuần chất “du lịch” hơn với con phố Krupowki, có thể coi là trục chính của thị trấn, nơi tập trung phần lớn cửa hàng lưu niệm, nhà hàng, khách sạn và tất nhiên là khách du lịch. Giàu truyền thống là thế nhưng tôi có cảm giác như Zakopane đang là nạn nhân của chính thành công của nó. Phần lớn du khách đến đây là để trải nghiệm nét văn hóa Goral nhưng với việc đón nhận hơn 2 triệu lượt khách một năm, Zakopane đang đối mặt với nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa địa phương.
Ví dụ cụ thể nhất là hàng loạt cửa hàng lưu niệm dọc theo con phố Krupowki với những món đồ lưu niệm rẻ tiền Made In China nhưng lại treo khẩu hiệu “đồ thủ công gia truyền 100% goral”. Đối với tôi, đây thực sự là một sự sỉ nhục đối với nền văn hóa địa phương và thật không may là nó đang là căn bệnh tràn làn ở hầu hết các quốc gia tôi đặt chân đên và điều đó càng làm tôi có ác cảm với hàng hóa đến từ Trung Quốc. Tình trạng của Zakopane giống hệt Sapa, những khách sạn mới và nhà hàng mới mọc lên và có khuynh hướng đàn áp vẻ đẹp đồng quê xưa kia của thị trấn. Ngày càng có nhiều du khách quốc tế cảm thấy thất vọng về nó và quyết định đến thăm các vùng núi khác như ở Áo, Slovakia hay Romania. Sapa cũng vậy và tôi tự hỏi người dân địa phương sẽ làm gì khi du khách chuyển hướng đi Mai Châu, Hà Giang hay một số vùng núi khác ở Đông Nam Á.
Đồng hành cùng dòng kiến trúc miền núi, không thể không đề cập đến một dân tộc sống ở đây từ nhiều đời : người Goral (có nghĩa là “người miền núi” trong tiếng Ba Lan). Phong tục tập quán của họ là một sự kết hợp của nhiều nguồn gốc, Ba Lan, Slovakia, Hungary và thậm chí là một chút từ bán đảo Balkan . Phức tạp thật và bây giờ mà bảo tôi miêu tả sự khác biệt về quần áo hay lối sống so với các vùng núi lân cận thì chịu. Dù sao thì ký ức còn đọng lại trong tôi về dân tộc này là thời điểm tham gia xem các tiết mục biểu diễn văn nghệ dân gian của họ. Người Goral có một điệu nhảy rất đặc trưng có tên là Zbojnicki. Ngay tại trung tâm Zakopane vào ban ngày có biểu diễn kiểu nhảy này để thu hút khách du lịch, cũng giống như mấy cậu dân tộc Hmong ở Sapa biểu diễn múa khèn cho du khách xem vậy.
Nếu chỉ xem đoạn clip trên đây không thì chắc điệu nhảy này chẳng có gì đặc sắc nhưng điều thú vị nằm ở lịch sử phát triển và những truyền thuyết xoay quanh nó. Các bạn biết vì sao tự nhiên mấy ông trong clip cứ nhảy chồm chồm giống như điệu Gangnam style? Cái tên zbojnicki bắt nguồn từ zbojnik, một nhóm cướp khét tiếng sống ở miền núi Carpate trong suốt thời trung cổ đến tận thế kỷ 18. Sự tồn tại của họ chấm dứt khi quân đội Áo (lúc đó là chủ sở hữu lãnh thổ miền nam Ba Lan) tiến hành truy quét tận gốc. Đối với người dân Ba Lan, đặc biệt là với giới nhà văn, toán cướp zbojnik là biểu tượng của sự quả cảm và điệu nhảy zbojnicki được tạo ra như để tôn vinh sự quả cảm đó. Điều này giải thích vì sao trong lúc nhảy, các vũ công nhảy chồm chồm lên một cách đầy nhiệt huyết để biểu cảm trạng thái dũng mãnh của toán cướp khi họ đang hành nghề. Trước kia, điệu nhảy này hay được thực hiện bởi đàn ông là chính nhưng ngày nay, để thu hút khách du lịch thì người ta “bổ sung” thêm vài cô gái Ba Lan mặc đồ dân tộc thật sặc sỡ và bắt mắt.
Đến phần ăn tối, với cái dạ dày phàm ăn của tôi, không có gì ngạc nhiên khi sự lựa chọn ưu tiên của tôi phải là địa phương. Tôi không phải là fan của phô-mai nhưng phải công nhận rằng loại phômai oscypki có một hương vị rất tuyệt. Có nguồn gốc từ sữa dê nhưng công thức làm phômai này không giống như bât cứ loại nào tôi đã từng nếm trước đó ở các quốc gia Châu Âu khác. Nó được nướng giống như bánh nường Việt Nam và nhờ đó có hương vị hun khói hòa quyện với hương vị sữa lên men. Miam miam!
Còn về phần đồ uống? Tôi thử nhâm nhi một ly Zubrowka, một dòng vodka Ba Lan có pha trộn với cỏ dại bò mộng. Cỏ dại bò mộng à? Đúng đấy, ở ngay giữa lòng Ba Lan, ở vùng phía đông (tôi không có dịp thăm) là một vùng thảo nguyên bát ngát và là nơi duy nhất của Châu Âu còn sót lại những con bò mộng cuối cùng. Cỏ dại mà nó thường ăn được sử dụng để sản xuất rượu vodka với nồng độ 40. Đó là lý do vì sao trên nhãn chai rượu có logo hình con bò mộng. Về mặt mùi vị, loại vodka này cũng rất khác so với vodka của Nga hay Phần Lan. Nó có thoang thoảng vị hạt dẻ và vani.
Thăm được thị trấn Zakopane cho phép tôi có được mường tượng đầu tiên thế nào là không khí cuộc sống vùng núi, chí ít thì qua phương diện kiến trúc và ẩm thực. Nhưng như thế là chưa đủ để nói rằng mình đã đặt chân đến vùng núi Tatras, vẫn còn đó thiên nhiên hùng vì đang đón chờ. Tôi nhân dịp ngày đầu tiên ghé qua tourist office của thị trấn và tìm hiểu sơ qua những địa danh tiêu biểu đáng thăm xung quanh. Có nghe nói rằng dãy núi Tatras ở đây được quy hoạch thành khu công viên quốc gia với khá nhiều đường đi trekking. Một vấn đề nổi cộm xảy ra : muốn tự thăm những điểm đẹp nhất thì phải tự bắt ôtô buýt, rồi tự mua bản đồ trekking. Vào năm 2005 thì tôi không hề có chút kỹ năng nào về lĩnh vực này, thậm chí còn không biết đọc bản đồ trekking. Và phương án tôi lựa chọn là mua tour tại một văn phòng du lịch nằm ngay tại trung tâm Zakopane. Sau khi đi một vòng khảo giá, tôi chọn ra được 2 tour tiêu biểu nhất với mức tiền tầm 30-40 euros. Mỗi tour đều kéo dài 7-8h nên về mặt sơ bộ, tôi sẽ phải để dành ra hẳn một này cho mỗi tour. Tour đầu tiên tôi đặt là để đi thăm hồ Morskie Oko. Quãng đường đi trekking khoảng 9km, đối với tôi bây giờ thì chẳng nhằm nhò gì nhưng vào thời điểm năm 2005 thì đó thì hơi mệt một chút . Và đó là lý do vì sao tôi mua tour để có được sự phục vụ của hướng dẫn viên địa phương.
Chỉ khoảng sau 30mn đi xe buýt chuyên dụng từ thị trấn Zakopane, tôi đã đến trước cổng vào là một bãi đỗ xe. Từ đây, con đường đến hồ Morskie Oko được chia làm hai công đoạn : đoạn đầu tiên rất dễ dàng do đường được rải nhựa và đoạn sau thì chuyển thành đường đồi núi và phải lên dốc.
Đoạn đường đầu tiên uốn khúc quanh co trong một rừng thông khá là đẹp và tôi bắt gặp khá nhiều xe ngựa đi doc đường với một đống ông bà già trên 50 tuổi ngồi trên đó. Thực ra, hoàn toàn có thể dùng phương tiện này để tiết kiệm thời gian nhưng tôi đã không chọn nó lúc mua tour vì thấy rằng nó quá đắt, phải bo thêm gần 7usd nữa. Vậy là đành chấp nhận cuốc bộ khoảng hơn 2 tiếng
Ở độ cao 1900m so với mực nước biển, hồ Morskie Oko là hồ có nguồn gốc kỷ băng hà và là loại hồ đầu tiên kiểu này mà tôi được thăm ở Châu Âu. Sau này, tôi còn có dịp thăm thêm một vài địa danh thiên nhiên khác giúp tôi hiểu rõ hơn về biến đối địa chất. Vậy cụ thể, hồ có nguồn gốc kỷ băng hà là gì? Cách đây hàng trăm triệu năm, toàn bộ trái đất hầu như bị nhấn chìm trong đại dương. Vào thời kỳ băng hà, một số nơi như cực bắc và cực nam lạnh lên khiến nước đóng băng và hội tụ ở đó. Điều này làm cho nước trên lục địa Châu Âu rút dần xuống và một số đỉnh núi dần dần nhô khỏi lên mặt biển và đạt đến độ cao vài nghìn mét như ngày nay. Cùng thời kỳ này, một số lượng nước bị đọng lại trên miệng núi và không thoát ra được, tạo thành hồ. Và Morskie Oko là một trong những số đó.
Trông nước hồ trong như vậy nhưng có chỗ sâu đến 50m. Theo tiếng Ba Lan, Morskie Oko có nghĩa là “biển hồ” hoặc “con mắt của biển”. Truyền thuyết cho rằng xưa kia vào thời kỳ băng hà, hồ này nối liền với biển Adriatic (biển trải dọc bờ đông của Italia) và do đó mới có cái tên con mắt của biển. Với độ cao trên 1500m, tuyết ở đây tan chậm hơn và thậm chí không tan bao giờ, ngay cả trong mùa hè trời nóng trên 30 độ ở đồng bằng.
Với khoảng thời gian khá thoải mái tại hồ, tôi tận dụng đi tản bộ tầm 40m một vòng quanh hồ, men theo một con đường mòn được quy hoạch sẵn cho khách du lịch. Đến một điểm nào đó, tôi đi bám càng theo một số du khách tản bộ lên đỉnh núi Rysy nằm ở phía nam của hồ và tại đây tôi có một cái nhìn toàn cảnh của hồ.
Thời điểm quay xuống núi có thay đổi một chút. Do vẫn phải sử dụng con đường cũ, tôi quyết định trả tiền để đi xe ngựa. Lần này thì buộc phải dùng phương pháp đó. Tôi không muốn lại cuốc bộ thêm 3h, dùng xe ngựa thì chỉ mất tầm hơn 1h thôi.
Tour thứ hai của tôi dành cho một trải nghiệm khác cũng thú vị không kém giữa cùng thiên nhiên tuyệt đẹp này. Đó là chuyên du ngoạn bằng bè gỗ dọc theo con sông Dunajec chạy dọc biên giới Ba Lan và Slovakia. Tour này cũng giống như tour hôm trước, luôn có tối thiểu 7-8 thành viên khác cũng đăng ký tour như tôi. Điểm thú vị là tour này có thâm niên ngay từ thế kỷ 19 chứ không phải từ mấy chục năm như tôi nghĩ.
Ngày xưa người ta sử dụng dịch vụ bè gỗ như một phương tiện đi lại hoặc chở hàng hóa trên sông Dunajec, đặc biệt là gỗ. Có người cho rằng người dân ở đây vận chuyển gỗ bán đến tận bờ biển Baltic. Điều đó có thể giải thích biểu tượng hình con sò trên mũ của các tay chèo bè
Cảm giác luồn lách giữa những vách đá cao chót vót và giữa thiên nhiên hoang dại thật là tuyệt. Nó cứ như là cái cảm giác nằm trên bè giữa dòng sông Mississipi trong tác phẩm Adventures of Huckleberry Finns của nhà văn Mark Twain. Chặng đường bằng bè dài tầm 15km nhưng phải mất khoảng 2 tiếng thì mới đi hết.
Cảm giác “hoang dã” sẽ hoàn thiện hơn nếu tôi không ngoảnh lại nhìn phía sau vì còn có một đống bè du lịch khác. Tôi hơi ngạc nhiên khi nhận thấy một số lượng lớn du khách chọn tour này bởi con sông Dunajec không có tên trong bản đồ du lịch quốc gia. Nhìn kiểu này thì không khác gì một cuộc đua thuyền Olympic trên sông, và bè của tôi đang nằm ở tốp đầu. Yeah!
Trên đường về Zakopane, tôi được thăm thêm pháo đài Niedzica với kiểu kiến trúc làm tôi nhớ lại những ngôi làng Saxon vùng Transylvania của Romania. Cũng cái kiểu dùng đất nung và rơm để làm tường thành sau đó quét vôi trắng. Mái ngói thì sử dụng gỗ thông là chính vì ở đây không có kỹ thuật tiên tiến để khai thác mấy khối đá to đùng xung quanh. Và rồi lại thêm một câu truyện nữa về nó (người Ba Lan đúng là giàu trí tưởng tượng!). Truyền thuyết kể rằng ngày xửa ngày xưa có một nàng công chúa do không lấy được chàng hoàng tử mình yêu, ức quá nên nhảy lầu tự tử. Hằng đêm người ta vẫn nghe thấy tiếng nàng khóc ở chòi canh. Thỉnh thoảng thì cũng phải bịa ra như thế thì mới thu hút được khách du lịch chứ.
Sau pháo đài Niedzica, lại thêm một địa danh nữa. Lần này là nhà thờ Debno xây vào thế kỷ 15. Điều làm tôi ngạc nhiên là tuy chỉ là một nhà thờ với kiến trúc bằng gỗ đơn giản nhưng đây lại được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới. Khác với pháo đài Niedzica (giờ chỉ còn chức năng du lịch), nhà thờ Debno vẫn hoạt động như bình thường, vẫn tổ chức các buổi cầu nguyện vào chủ nhật hàng tuần. Kiểu mái nhà cao chót vót bằng gỗ và đặc biệt là kiểu lát ngói bằng gỗ này làm tôi liên tưởng đến những nhà thờ Stavkirk ở Nauy. Các bạn sẽ biết thêm về kiểu nhà thờ này khi tôi viết bài về hành trình khám phá các fjord ở Nauy.
Về đến Zakopane, tôi quay trở lại hostel và trải qua đêm cuối cùng tại dãy núi Tatras trước khi tiếp tục hành trình sang phía Tây của Ba Lan. Ngày hôm sau, tôi bắt xe buýt từ Zakopane tiến về phía tây và dừng chân tại một địa danh khét tiếng Châu Âu : Auschwitz. Auschwitz là điểm đến của hầu hết tất cả những ai đã từng đi qua Krakow. Vậy điều gì khiến họ đổ xô đên đây? Một và chỉ một lý do duy nhất : Auschwitz là trại tập trung người do thái lớn nhất thế giới, được tạo ra bởi Đức quốc xã. Phim ảnh Hollywood với những bộ phim lịch sử liên quan đến người do thái đã làm cho địa danh này càng trở nên nổi tiếng và thu hút sự hiếu kỳ của bất kỳ du khách nào đặt chân đến Ba Lan, trong đó có tôi. Điều đáng thú vị là một trại tập trung, nơi chẳng phải đẹp đẽ gì về mặt kiến trúc, thiên nhiên cũng không, nhưng nó đang ngày càng hút khách, thậm chí còn sánh ngang Krakow. Miếng mồi ngon này khiến các công ty lữ hành ở Krakow không thể không giới thiệu mời chào bán sản phẩm này. Auschwitz chỉ cách Krakow 60km về phía tây, giao thông thuận tiện mà giá tour thì rẻ nên hầu như ai cũng mua. Từ sân bay đến trung tâm Krakow, đâu đâu cũng thấy tờ rơi bán tour này, đi lại mất 3h, 2h thăm tại chỗ và tất cả chỉ mất 20 euro.
So với Warsaw, Czestochowa hay Krakow, chuyến viếng thăm Auschwitz đòi hỏi một sự chuẩn bị tinh thần cũng như kiến thức rất kỹ lưỡng. Thật vậy, bạn đang đến thăm một nơi được coi như hố chôn của hơn 1 triệu người do thái chứ không phải là một viện bảo tàng nghệ thuật. Nếu không nắm rõ những gì liên quan đến thê chiến thứ hai thì tôi e rằng bạn sẽ gặp nhiều khó khăn trong viêc hiểu được những gì đã xay rả ở đây, một địa ngục trần gian. Tất cả bắt đầu vào thời điểm đầu thế chiến khi quân Đức xâm chiếm Ba Lan đầu tiên và cho mở rộng một nhà tù trước đó đã từng thuộc về đế chế Áo-Hung đầu thế kỷ 20. Sau đó, chúng cho mở rộng dần dần để đáp ứng lượng tù nhân do thái ngày càng tăng. Auschwitz ở thời điểm đỉnh cao là một quần thể 3 trại tập trung nằm gần nhau với đủ các thể loại tòa nhà để hành quyết tập thể, từ phòng hơi ga đến lò thiêu, từ hố chôn tập thể đến trường bắn.
Nói đến người do thái, không thể không nói đến bộ phim bất hủ của Ý “la vita è bella”
Auschwitz được xây là để “đón chào” tù nhân do thái đến từ khắp Châu Âu, đặc biệt là ở những quốc gia có quân Đức đóng, trong đó có cả Pháp. Vào năm 1942, thời điểm mà Đức bành chướng lãnh thổ rộng nhất, chúng bổ sung thêm hệ thống đường sắt đến thẳng Auschwitz và hầu như ngày nào cũng có chuyến tàu áp tải tù nhân đến từ khắp Châu Âu.
Auschwitz nhiễm nhiên trở thành “trường quốc tế” lớn nhất Châu Âu : 426000 từ Hungary, 300000 từ Ba Lan, 69000 từ Pháp, 60000 từ Hà Lan, 55000 từ Hy Lạp, 46000 từ Tiệp, 25000 từ Bỉ, 10000 từ Nam Tư cũ, 8000 từ Ý, 700 từ Na Uy và 30000 từ những nước lẻ tẻ khác.
Bộ phim Pháp “la Rafle” đề cập đến chuyện một loạt người do thái ở Paris bị bắt và chuyển đến Ba Lan vào năm 1941.
Quân Đức không ngu gì giết hại ngay người do thải ở đây. Họ chọn lọc ra những ai khỏe mạnh để bắt họ lao động khổ sai tại những khu công nghiệp quanh đó. Nước Đức rất cần nguồn nhân lực miễn phí để tiếp sức cho một nền kinh tế đang cần tiền để trang trải cho những chiến dịch quân sự đẫm máu. Khá nhiều doanh nghiệp hoạt động trong công nghiệp nặng như khai thác than và chế biến hóa học được chuyển đến gần Auschwitz để tận dụng nguồn nhân lực dồi dào ở đây. Đối với những tù nhân ốm đau hoặc không còn đủ sức lao động thì quân Đức cho vào nhà hơi ga cho chết ngạt rồi đưa vào lò thiêu.
Ngay từ cổng vào, có một biển đề to tướng với biểu ngữ arbeit macht frei (lao động để tiến đến tự do). Một lời hứa của người Đức dành cho những tù nhân do thái lao động tốt. Thế nhưng lời hứa đó dường như đồng nghĩa với lời mời chào danh dự vào thế giới của tử thần.
Tôi nghĩ đặt cho cái tên hỏa lò ở đây thì đúng nghĩa hơn là cái nhà tù bé tí ở Hà Nội. Cái hỏa lò này hoạt động hiệu quả nhất là vào năm 1944 khi quân Đức áp tải 426000 tù nhân từ Hungary sang. 320000 người bị dồn vào nhà hơi ga cho chết ngạt trong đó. Bạn có thể tưởng tượng cảm giác đứng trước một núi xác chết ngổn ngang 30mn sau đó, máu me bê bết, miệng sủi bọt và phân phòi ra. Nếu bạn đang đọc bài này và đang ăn bánh mì kẹp thịt thì chúc bạn ngon miệng.
hệ thống hàng rào chằng chịt nhằm ngăn chặn tù nhân trốn chạy. Một con ruồi cũng khó lòng qua lọt |
Mặc dù chỉ là một trại tập trung nhưng nhìn vào sự tổ chức cực kỳ chặt chẽ của hệ thổng là đủ thấy Auschwitz thực sự là một khu “công nghiệp” quản lý xác người với một loạt hệ thống đón nhận tù nhân, áp tải, tuyển chọn, đưa vào nhà hơi ga rồi công đoạn cuối cùng là lò thiêu. Nhiều nhà sử học có một sự so sánh rất chính xác giữa Auschwitz và một khu công nghiệp… chế biến gà. Thật vậy, hãy tưởng tượng mà xem. Gà được cho vào nồi nước sôi để cho chết dần chết mòn trước (giống như tù nhân do thái bị cho vào nhà hơi ga).
hàng trăm ngàn giày dép của người do thái bị Đức lột hết trước khi áp tải vào nhà hơi ga |
Trước khi vào nồi thì gà được cho vặt lông trụi, giống như người do thái bị cho thoát y trần truồng như nhộng trước khi vào nhà hơi ga. Tất cả lòng mề , chân và các bộ phận khác của gà được chia cắt ra để dùng cho các mục đích khác nhau. Tù nhân do thái cũng vậy. Người Đức tịch thu những vật dụng cá nhân có giá trị sót lại (đồng hồ, lắc vòng, nhẫn…) khi tù nhân cởi bỏ quần áo, phụ nữ bị cạo trọc đầu và tóc của họ được sử dụng để làm đệm, xương cốt sau lò thiêu được trộn đều với muối để làm tan tuyết đóng băng trên đường xá, mỡ người được dùng để chế biến bánh xà phòng…Tóm lại, xác chết ở đây là một nguồn thu làm giàu cho nước Đức.
tất cả các khu nhà ở dành cho tù nhân do thái nhỏ như thế này. Một ô dành cho 4 người, lót dưới là cỏ khô hoặc rơm |
Ngoài người chết, người sống cũng phục vụ cho mục đích nghiên cứu sinh học của Đức quốc xã. Một số chuyên gia của Đức được phái đến đây để thí nghiệm trực tiếp lên tù nhân. Đây có thể là một nguồn cảm hứng cho một số bộ phim kinh dị Mỹ liên quan đến người chết sống lại.
Cho đến hết thế chiến, đã có tổng cộng 1,3 triệu tù nhân ở đây và 1,1 triệu bị giết tại chỗ. Có nhiều nguồn giả thuyết cho rằng con số này đã có thể ít hơn nếu như quân đồng minh đặc biệt la Anh, Mỹ, Nga can thiệp một cách kịp thời. Quân đồng minh dường như cố tình làm ngơ mặc dù dịch vụ tình báo hoàn toàn biết đến sự tồn tại của trại tập trung và hoàn toàn có khả năng đánh bom phá hủy toàn bộ. Giả thuyết cho rằng bản thân họ, tuy rằng là đối nghịch với phát xít Đức về mặt quân sự nhưng có vẻ như cũng cùng phe với Đức trên lĩnh vực chính trị bài trừ do thái. Chuyến viếng thăm Auschwitz giúp tôi tìm hiểu rõ hơn về bộ mặt thật đáng ghê tởm của hồng quân Liên Xô. Trái với những lời tung hô việc Nga giải phóng Ba Lan, không ai trong số người dân nước này tin vào sự tốt bụng của người láng giềng. Nga chỉ muốn tận dụng mượn đường Ba Lan để tiến sang Đức và chiếm Berlin càng nhanh càng tốt nhằm chiếm thế thượng phong trước quân Mỹ-Anh-Pháp đang tiến từ phía tây (nên nhớ rằng tuy cùng chiến tuyến chống phát xít Đức, vẫn có sự đối nghịch giữa tư bản chủ nghĩa và chế độ cộng sản). Việc giải phóng Auschwitz chỉ là tình cờ khi hồng quân đang tiến quân sang biên giới Đức.
Đức cho nổ mìn phá hủy phần lớn khu nhà ở và lò thiêu khi hồng quân liên xô đang trên đà tiến đến Berlin. |
Bản thân nước Nga ban đầu ngại không dám cung cấp thông tin về việc họ tìm ra Auschwitz. Tại sao vậy? Bởi vì ngay chính giữa lòng nước Nga, tại đâu đó sâu thẳm trong khu vực Siberia lạnh giá là một trại tập trung mà chính Nga cũng xây lên để thủ tiêu những ai chống lại họ (thậm chí có cả Ba Lan trong đó). Tung nhiều thông tin về Auschwitz có thể khiến Nga vạch áo cho người xem lưng. Nhưng vài năm sau đó, khi thấy bên khối tư bản đang khuếch trương thanh thế về chiến công đánh bại phát xít, người Nga buộc phải thay đổi chiến lược, khoe chiến công giải phóng Auschwitz của mình để cho thấy khối cộng sản cũng không kém cạnh. Bí mật về trại tập trung ở Siberia được bộ quốc phòng Nga giấu kín mãi cho đến những năm 1990. Và đến lúc đó, bộ mặt thật của chế độ cộng sản Nga mới được phơi bày. Stalin có thể là người anh hùng trong con mắt dân tộc Nga nhưng là một kẻ sát nhân rẻ mạt trong con mắt của rất nhiều quốc gia Đông Âu trong đó có Ba Lan. Liệu các giáo viên sử của Việt Nam dám dũng cảm đề cập đến vấn đề này? Tôi không nghĩ vậy.
Cảm giác của tôi ở trại tập trung Auschwitz rất khó tả, nó là một sự hòa trộn giữa việc dâng tràn cảm xúc trước các bức ảnh ghê rợn người và sự ngán ngẩm trước những nhóm khách du lịch vô ý thức. Nói thật là chuyến viếng thăm của tôi không được như ý vì sự quản lý quá khắt khe về mặt thời gian (cũng phải thôi vì quá nhiều nhóm khách mà). Cụ thể : 90mn ở trại khổ sai Auschwitz và 30mn ở lò hành quyết Birkenau. Thực ra tôi nghĩ thời gian không phải là vấn đề chính, điểm muốn nói là cái cảm giác luôn phải dè chừng để ý và bị đẩy đi như những kẻ tù nhân. Tiếp đến là cảm giác khó chịu trước thái độ của du khách, có quá nhiều người tìm đến đây như một trò giải trí chứ không phải để tìm hiểu lịch sử một cách nghiêm túc. Điều này làm tôi nhớ lại một bài viết về việc một số thanh niên Việt Nam tạo dáng chụp ảnh và đứng lên đầu bia rùa đá ở Văn Miếu hoặc hồn nhiên ngồi lên mộ liệt sĩ (xem bài ở đây). Còn đối với Auschwitz, những du khách thiếu văn hóa đã làm gì? Tôi thấy nhiều người ăn vặt rồi vứt thẳng rác vào nơi mà trước kia các nạn nhân nằm ngủ. Chưa hết đâu, sau này khi đọc thêm các bài báo liên quan đến Auschwitz, còn có thêm những “chiến tích” khác hiển hách hơn nhiều : một người phụ nữ thoát y trong phòng hơi ga để thử trải nghiệm cảm giác mà tù nhân do thái trước đây phải gánh chịu, một clip Youtube ghi lại cảnh một du khách Úc nhảy bài I will survive tại vị trí mà xưa kia hàng loạt người do thái bị chôn tập thể. Những du khách như vậy đang biến Auschwitz thành một Disneyland và tôi dám cam đoan rằng khi ra về thì họ cũng sẽ chẳng học được gì từ chuyến viếng thăm đó. Họ vào với cái đầu rỗng tuếch và ra với cái đầu tương tự cộng thêm vài bức ảnh “hay hay” đem về khoe bạn bè.
Một điều khác mà sau nay tôi ngẫm lại thấy đúng. Với những điều tệ hại mà đất nước Israel đang làm đã khiến cho dư luận thế giới phản đối gay gắt và có những thành kiến cực xấu về người do thái nói chung. Điều đó có tác động nhất định đến thái độ thù nghịch của người Châu Âu đối với bất cứ ai theo đạo do thái và với nhiều du khách, chuyện bọn do thái bị tàn sát ở Auschwitz cũng xứng đáng thôi. Từ muôn đời, dân do thái luôn xấu tính, keo kiệt, nhỏ nhen và luôn tìm cách nên giết vài triệu trong số bọn nó thì nhằm nhò gì. Đây là một ý nghĩ không ai nói ra nhưng tôi tin rằng nó ẩn nấp đâu đó trong đầu khá nhiều du khách Châu Âu mà tôi gặp hôm đó.
Tôi ra khỏi Auschwitz trong tâm trạng nặng trĩu. Trong chuyến xe buýt đi về tấy Ba Lan, tôi không ngừng nghĩ đến cảm giác buồn nôn khi đứng trước các lò thiêu và nhà hơi ga hoang tàn. Sự ám ảnh ấy theo đuổi tôi đến tận buổi tối, khi tôi đặt chân đến thành phố Wroclaw. Tối hôm ấy tôi không ăn gi cả và chằn trọc không ngủ được. Cho đến ngày hôm nay, tôi nghĩ Auschwitz là nơi để lại cho tôi nhiều nỗi ám ảnh nhất trong tất cả các địa danh liên quan đến chiến tranh mà tôi đã từng qua. Nói đúng hơn là sự pha trộn giữa ám ảnh và thương cảm. Nó không giống như cảm giác hưng phấn khi thăm bãi biển đổ bộ ở Normandie, không giống cảm giác hồi tưởng khi thăm chiến hào Verdun. Và hiển nhiên không thể so sánh với cảm giác..nhàm chán thất vọng khi thăm Điện Biên Phủ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét