Sau chuyến viếng thăm để đời ở Auschwitz, tôi đặt chân đến thành phố Wroclaw, trung tâm đô thị quan trọng nhất của vùng Slask, nằm giáp biên giới với Đức. Truyền thống là một vùng toàn các khu công nghiệp nặng khai thác khoáng sản, Slask có lẽ là chặng đường ít để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất. Tôi chỉ chọn Wroclaw như là một nơi tạm trú trước khi tiếp tục hành trình lên phía bắc. Có lẽ vì đã khá no nê với các tòa nhà kiểu Ba Lan nên khi đến đây, tôi không còn nhiều ấn tượng mạnh về kiến trúc ở đây nữa. Cũng như phần lớn các thành phố khác của Ba Lan, Wroclaw là nạn nhân của thế chiến thứ hai và bị phả hủy gần như hoàn toàn bởi bom đạn. Khi mà sự ám ảnh của tôi về trại tập trung Auschwitz chưa nguôi thì tôi lại khám phá thêm những điều bỉ ổi và giả tạo của Liên Xô khi đặt chân đến Wroclaw. Thành phố này bị Đức chiếm đóng trong một thời gian dài và đã từng là nơi có rất đông dân số nguồn gốc Đức. Wroclaw đã phải chứng kiến cảnh những người con gốc Đức của họ bị di cư bắt buộc và rất nhiều trong số họ bị giết hại không thương tiếc khi hồng quân Liên Xô thẳng tiến đến thành phố vào năm 1945 khi mà đế chế Đức quốc xã đang ở giai đoạn hấp hối. Vậy Liên Xô đã làm điều gì bỉ ổi? Sự thật là đây : hàng chục ngàn phụ nữ Đức sống tại đây bị lính Liên Xô hiếp dâm rồi làm nhục như một sự trả thù ngọt ngào cho những gì lính Đức làm tương tự với phụ nữ Nga. Câu thành ngữ chó chê mèo lắm lông rất thích hợp cho trường hợp này. Sorry nếu như có ai đó thần tượng Liên Xô đọc phải bài viết này nhưng tôi nghĩ hình ảnh người lính hồng quân Xô Viết không hoàn toàn trong sáng như những gì được phản ảnh qua phim hay văn học. Sự thật là đó, người lính Xô Viết trưởng thành trong một nước Nga không ổ điếm, không tạp chí khiêu dâm, bỗng nhiên đứng trước hàng chục ngàn phụ nữ trẻ Đức ngực to chân dài tóc vàng hây hây. Vậy khác gì con chim sổ lồng? Cộng thêm sự hận thù đối với Đức quốc xã nữa. Đó là nguyên nhân khiến cho lính Nga nổi lòng dâm đãng và làm nhục thỏa thích tất cả những phụ nữ họ bắt gặp trong suốt hành trình tiến quân đến Berlin. Họ hiếp dâm gái Đức, rồi tiến xa hơn, hiếp dâm cả gái Hungary, Ba Lan, Séc…già trẻ chiến hết. Sex miễn phí mà, tội gì không hưởng thụ. Nói lịch sử như vậy chắc là đủ rồi, ta chuyển về hiện tại. Bỏ qua hình ảnh một thành phố tàn lụi khi Hồng quân Liên Xô tiến vào, Wroclaw hồi sinh với sự trùng tu phần lớn các công trình kiến trúc cổ và trở thành trung tâm kinh tế văn hóa xếp thứ 4 Ba Lan.
Có một thông tin mà mãi sau này tôi mới khám phá ra, đó là việc thành phố này sinh ra với mục đích làm một mắt xích cho một hệ thống thương mại với cái tên “ con đường amber”. Nghe đến đây, chắc mọi người không tránh khỏi việc liên tưởng đến con đường tơ lụa huyền thoại nối giữa Châu Á và Châu Âu.Về mặt lịch sử, con đường amber không thể nổi tiếng như con đường tơ lụa nhưng cũng có một thời kỳ hoàng kim trong khu vực biển Baltic vào thời trung cổ. Để hiểu sơ lược về loại đá amber này, bạn có thể đọc các bài biết của tôi về viện bảo tàng đá amber của Vilnius. Quay lại với Wroclaw, hồi ấy đá amber là một mặt hàng xa xỉ có nguồn gốc từ ven biển Baltic. Nhưng muốn vận chuyển bằng đường bộ đến vùng biển Địa Trung Hải thì phải đi băng qua nước Ba Lan và Hungari ngày nay. Con đường ngắn nhất để băng qua Ba Lan chính là đi qua vị trí mà sau đó trở thành Wroclaw.
Người ta thường vì Wroclaw biệt danh “Venice của vùng Slask”. Tôi có cảm giác như người ta quá lạm dụng Venice để so sánh với các thành phố của Châu Âu, nào thì Bruges “Venice của phương bắc”, Stochkolm “Venice của Bắc Âu”, Saint Petersburg “Venice của biển Baltic”, Hàng Châu “Venice của viễn đông”. Đối với Wroclaw, tôi không thấy thành phố này xứng danh với sự so sánh đó. Chẳng qua là do trước kia thành phố này có nhiều cầu nên mới có sự so sánh đó. Trước thế chiến thứ hai, có đến hơn 300 cầu bắc qua con sông Odra. Còn ngày nay chỉ còn hơn 200 cái và nổi tiếng nhất là cây cầu treo Grunwaldzki, xây vào đầu thế kỷ 20 và có kiến trúc khá giống cầu treo ở London hay ở Budapest.
Cầu Tumski với kiểu dáng sắt thép màu xanh gợi nhớ lại nhiều cây cầu cuối thế kỷ 19 ở Paris |
Trong số rất nhiều cây cầu, tôi cũng ấn tượng với cây cầu Tumski, không phải vì nó có cái gì đó đặc sắc về kiểu dáng nhưng vì nó gợi nhớ về cây cầu Pont des Arts ở Paris, nơi tôi từng có 3 năm sinh sống. Tại cây cầu này, các đôi tình nhân trao tặng nhau những giây phúc lãng mạn bằng cách treo một chiếc khóa xinh xinh có khắc tên của họ.
ổ khóa đến từ khắp nới chứ không chỉ riêng Ba Lan. Đây là biểu tượng đặc trưng của Canada |
Nghe nói ở cầu Long Biên cũng có kiểu bắt chiếc tương tự nhưng hình như bị bọn nghiện hút chôm chỉa không còn một cái nào. Cũng phải thôi, lấy một đống sắt ấy đi bán đồng nát thì chắc cũng được vài bi.
Thành phố Wroclaw sở hữu tổng cộng 12 đảo khác nhau và chắc chắn phải xây một hệ thống cầu để nối các đảo đó với nhau. Cầu Tumski nối đên Ostrow Tumski,có tên như vậy vì ngày xưa khu phố này nằm trọn trên một hòn đảo cùng tên và bị vây quanh bởi dòng sông Odra. Trong tiếng Ba Lan, Ostro có nghĩa là đảo, còn Tumski có nghĩa là nhà thờ.
Hòn đảo này xưa kia là đại bản doanh của hội đồng tăng lữ Wroclaw và cho đến nay vẫn còn rất nhiều tòa với các chức năng liên quan đến hội đồng này. Khu vực đảo Ostrow Tumski không phải là khu vực du lịch mà chỉ dành riêng cho khía cạnh tín ngưỡng nên không có bất cứ quán xá hay quầy lưu niệm nào.
Mon men theo bờ sông Odra, tôi xâm nhập dần vào trái tim của Wroclaw : quảng trường Rynek. Cũng như Krakow, đây xưa kia là khu chợ giời trung tâm thương mại của thành phồ và là sự pha trộn hài hòa của nhiều dòng kiến trúc Ba Lan, Phổ, Áo. Có được sự đa dạng như vậy là vì xưa kia Wroclaw thay đổi nhiều chủ, lúc thì Ba Lan, lúc thì Đức, lúc thì Áo.
Để nhấn mạnh thêm đặc thù này, một số nhà hàng chơi kiểu bài trí cổ cổ giống như Bierhalle. Tại nhà hàng này, chủ quản tự sản xuất bia lấy và các cô nàng phục vụ thì cố tình mặc trang phục váy truyền thống kiểu Ba Lan-Phổ để thu hút du khách. Tôi dễ dàng bị Bierhalle bắt mắt vì nó nằm ngay ở quảng trường Rynek với bàn ghế bày ngay ngoài hành lang.
Du khách tứ xứ tập trung chủ yếu tại khu vực này. Wroclaw không phải là địa danh du lịch nổi tiếng của Ba Lan nên không thu hút nhiều du khách quốc tế. Chủ yếu là khách Ba Lan và du khách từ nước Đức láng giềng tràn sang (Wroclaw chỉ cách biên giới Đức chừng 160km). Có thể vì nguyên nhân này mà tôi ít nhiều cảm nhận được cái gì đó thuần chất Ba Lan hơn. Phải công nhận rằng kể từ thời điểm đặt chân đến Wroclaw rồi đi dọc sườn tây Ba Lan lên phía bắc, số lượng người tiếng Anh và Pháp có vẻ ít hẳn. Mấy ông bà già ở đây toàn nói tiếng Đức như ngoại ngữ chủ đạo (mà tôi thì mù tịt tiếng Đức). May mà có trong tay một quyển giao tiếp tiếng Ba Lan nên nó giúp đỡ tôi rất nhiều trong việc hỏi đường.
Để ngắm được toàn cảnh thành phố, chỉ cần chịu khó leo khoảng hơn 300 bậc thang và lên đỉnh tháp chuông của nhà thờ thánh Elisabeth. |
Ngay ở một góc của quảng trường Rynek là nhà thờ thánh Elisabeth. Bên trong là một loạt các nấm mồ của những gia đình giàu có nhất của thành phố. Theo truyền thống của những người theo đạo thiên chúa giáo, chỉ những ai được chôn trong khuôn viên nhà thờ thì mới có cơ hội được lên thiên đường gặp chúa. Vì lẽ đó, những gia đình nào có tiền đều cố gắng mua cho mình một suất quan tài để được yên nghỉ tại đó. Hội tăng lữ của thiên chúa giáo thu được một khoản tiền rất lớn từ việc này. Đây là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự tham nhũng của một số tầng lớp tu hành của đạo thiên chúa giáo thời trung cổ, dẫn đến sự giảm sút niềm tin của rất nhiều dân chúng. Mặt trái này theo tôi tồn tại ở bất cứ tôn giáo nào, trong đó có đạo phật.
Tọa lạc ở giữa là tòa thị chính nổi bật với dòng kiến trúc gô-tích. Mặt tiền của nó khá giống với tòa thị chính ở thủ đô Riga của Latvia. Kiệt tác kiến trúc này minh chứng cho một quá khứ khá hào hùng của Wroclaw. Tất nhiên rồi, phải có tiền thì mới có thể chi trả cho việc vận chuyển vật liệu xây dựng xa xỉ.
bên sườn tòa thị chính là một hầm ủ bia có từ thế kỷ 14 |
nằm sát biên giới với Đức và CH Séc, khó có thể nói bia ở đây là đặc sản của Ba Lan. Vị bia đen mà tôi nếm thử có rất nhiều điểm chung với các loại bia tôi thưởng thức ở Prague và Munich |
Không quá xa quảng trường tòa thị chính là một quảng trường khác mang tên Solny, trong tiếng Ba Lan có nghĩa là “quảng trường muối”. Nguyên nhân là do vào thời trung cổ, đây là nơi dành cho lĩnh vực kinh doanh buôn bán muối. Ngày nay, không còn muối nữa nhưng quảng trường lại hồi sinh với lĩnh vực bán hoa.
Từ quảng trường Rynek, tôi men theo một con đường nhỏ và đến trường đại học Plac Uniwersytecki, được thành lập vào thế kỷ 18 và là một trong số ít trường đại học lâu đời nhất Ba Lan. Tất nhiên, so mới tất cả các trường đại học lâu đời nhất Châu Âu mà tôi đã từng thăm thì trường ở Wroclaw chẳng thấm thía gì. Tuy nhiên, khu giảng đường Aula Leopoldina thực sự là một kiệt tác nghệ thuật barốc và gây ấn tượng với một người yêu nghệ thuật như tôi.
Thành phố Wroclaw tuy nhỏ nhưng cũng là một trong những thành phố có đông dân sinh viên nhất. 1/7 người dân ở đây là sinh viên và điều đó được thể hiện qua không gian nhộn nhịp của thành phố vào buổi tối, khi mà hàng loạt các nhóm bạn trẻ rủ nhau vào quán bar.
Trong khu vực hành lang hướng đến cổng trước của trường đại học, có một pho tượng khỏa thân đang cầm kiếm. Theo truyền thuyết kể lại, sau một đêm ăn chơi thác loạn, một sinh viên sau khi đã say xỉn thì làm mất hết cả quần áo lẫn tiền và chỉ còn lại mỗi cây kiếm. Sau đó, để cảnh báo những sinh viên khác không nên noi gương xấu của anh chàng sinh viên kể trên, nhà trường cho dựng pho tượng để răn đe. Trường đại học trước kia sở hữu một thư viện rất đồ sộ nhưng thật không may là phát xít Đức đã sử dụng phần lớn đầu sách để làm bia đỡ đạn trong những ngày phòng thủ chống bước tiến của hồng quân Xô Viết
Đi qua tất cả các địa danh trên, tôi tình cờ bắt gặp rất nhiều pho tượng nhỏ bằng đồng hoặc đá nằm rải rác tại rất nhiều nơi. Chúng có tên là Krasnolyudki, cao chỉ chừng 15cm và có khoảng 50. Hồi tôi còn làm thực tập cho một công ty lữ hành Pháp, tôi được biết có nhiều doanh nghiệp muốn tổ chức các chương trình team-building và Wroclaw thỉnh thoảng được chọn như một điểm đến phù hợp bởi với số lượng các chú tượng tí hon thì hoàn toàn có thể tổ chức trò chơi tìm kiếm kho báu.
Đằng sau những pho tượng với đủ các tư thế và kiểu cách khác nhau là những bí mật liên quan đến cuộc sống của người dân Wroclaw những năm 1980, thời kỳ mà Ba Lan vẫn chịu sự thống trị của chế độ cộng sản. Thời ấy, có rất nhiều tổ chức được tạo ra để đấu tranh chống lại liên minh Xô Viết trong đó có Orange Alternative. Do các cuộc biểu tình luôn bị đàn áp tận gốc, tổ chức này phải sử dụng một phương pháp khác để truyền tải thông điệp bí mật của mình và việc tạo ra các bức tượng nhỏ phục vụ cho mục đích đó.
Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt, ta ngồi vêu trông ngày tháng dần qua |
ta là quan chức cấp cao của chỉnh quyền cộng sản. Ta ăn tham nhũng nhiều đến mức no nê |
Chuyến khám phá thành phố kết thúc tại Raclawicka. Bên ngoài thì chẳng có gì đặc biệt thậm chí là cực xấu. Nhưng bên trong là một tác phẩm nghệ thuật tranh dầu khổng lồ có một không hai của Châu Âu. Tôi chưa bao giờ được chiêm ngưỡng một bức tranh nào bự như thế : cao 15m, dài 114m, tổng cộng là 1700m2. Tác phẩm có tên Raclawice bởi nó mang tên trận chiến cùng tên năm 1794, khi ấy quân đội Ba Lan dành chiến thắng vang dội trước người láng giềng đáng ghét Nga. Cấu trúc của tác phẩm tranh này khá đặc biệt bởi nó như thể bị cuộn lại thành hình trụ với tâm điểm ở giữa là vị trí người xem. Nhờ vậy, khi bạn quay đầu 360 độ thì bạn mới xem được tất cả trận chiến.
Tác phẩm được hoàn thành vào năm 1894, tức là đúng 100 năm kỷ niệm chiến thắng trước người Nga. Hồi ấy, bức tranh có tác động tinh thần rất lớn đối với người Ba Lan. Nó thổi vào họ một luồng gió tự tôn dân tộc khi mà cả lãnh thổ Ba Lan vẫn đang chịu sự đô hộ của Phổ, Áo, Nga, Sau khi thế chiến thứ 2 kết thúc, vì lý do quan hệ ngoại giao với Nga mà chính phủ cộng sản đương quyền không dám trưng bày nó ra. Phải mất rất nhiều năm đấu tranh và đặc biệt là sau khi liên bang Xô Viết tan rã thì bức tranh này mới được trưng bày rộng rãi cho công chúng
Từ Wroclaw, tôi bắt tàu hỏa hướng lên phía bắc Ba Lan và đến thành phố Torun. Nếu như bạn hỏi đâu là thánh phố yêu thích nhất của tôi khi đến Ba Lan thì Torun chắc chắn là câu trả lời. Khác với tất cả các thành phố mà tôi đã thăm đến giờ (Warsaw, Krakow, Wroclaw, Czestochowa), Torun là thành phố duy nhất sinh ra từ thời trung cổ (thế kỷ 13) và các công trình kiến trúc cổ hầu như không phải chịu tổn thất từ thế chiến thứ hai. Khi thăm các trung tâm phố cổ của Warsaw, Krakow và Wroclaw, tôi luôn có cảm giác được sống trong không khí trung cổ nhưng cái cảm giác đó có vẻ nổi bật hơn khi tôi đặt chân đến Torun với dòng kiến trúc trung cổ gạch nung đỏ đặc trưng đến từ người láng giềng Đức. Có thể nói Torun hội tụ hầu hết những gì tôi mong đợi từ một thành phố trung cổ, những gì tôi luôn mường tượng qua các bộ phim dã sử Holywood.
Chắc bạn còn nhớ đến cái tên Nicolaus Copernicus? Chắc là hơi khó. Để bạn tiện theo dõi, trong bài viết trước, tôi có đề cập đến cái tên này khi thăm thành phố Krakow. Nicolaus Copernicus trở thành một nhà thiên văn học huyền thoại khi ông khám phá ra việc trái đất xoay quanh mặt trời. Vị thiên văn học tài ba này đã từng là sinh viên tại trường đại học ở Krakow và Torun là nơi ông sinh ra. Nhiều người đến thành phố này để xem nơi sinh của Nicolaus ra sao. Nhưng cá nhân tôi không có nhiều ấn tượng thực sự về dấu ấn của ông tại đây. Tôi không hề dành một chút thời gian nào để thăm những di sản hay vết tích ông để lại, do đã bị thu hút bởi những cái khác của Torun.
Điều đặc biệt ở thành phố này, ngoài một quần thể kiến trúc cổ được giữ nguyên vẹn, thì còn nằm ở việc cái “hồn trung cổ” vẫn còn lắng đọng đâu đó đằng sau những bức tường gạch rêu phong. Thật vậy, hiếm có khi nào tôi vừa được chiêm ngưỡng tòa nhà cổ kính, vừa được tìm hiểu rõ hơn cuộc sống người dân thời trung cổ. Yếu tố đầu tiên đặc trưng trung cổ chính là cấu trúc quân sự của Torun. Tại Châu Âu vào những thế kỷ 11-15 là một giai đoạn xảy ra nhiều chiến tranh và tranh chấp lãnh thổ. Những thành phố có tiềm năng kinh tế mạnh như Torun luôn là miếng mồi hấp dẫn cho các cuộc cướp bóc quy mô lớn. Chính vì thế, chính quyền địa phương phải cho xây một hệ thống phòng thủ rất kiên cố. Về mặt này, Torun không có nhiều điểm khác so với Krakow, Warsaw hay Wroclaw, nhưng hệ thống tường thành và chòi canh của Torun thì được giữ nguyên vẹn hơn.
Có thể nói Torun là một ví dụ điển hình minh chứng cho quan hệ phức tạp cũng như lâu đời giữa Ba Lan và Đức. Sự khục khặc giữa hai nước láng giềng không chỉ xảy ra ở thế chiến thứ hai mà còn sớm hơn trước đó khoảng 700-800 năm. Chúng ta hay quay trở lại thời trung cổ vào những thế kỷ 14-15. Khi ấy, Torun là một mắt xích thương mại tối quan trọng trong hệ thống các thành phố kinh tế Hanse. Hệ thống này tồn tại dưới dạng câu lạc bộ các thành phố nằm rải rác từ bờ biển Baltic đến tận biển Bắc. Nói chung, tất cả các thành phố này ít hay nhiều chịu ảnh hưởng văn hóa và chính trị từ các vùng phía bắc nước Đức. Vì thế, không quá ngạc nhiên khi Torun cũng chia sẻ điểm chung này. Điều đó được thể hiện qua phong cách kiến trúc gô-tích gạch nung đỏ rất phổ biến ở các thành phố Đức thời trung cổ (Lubeck, Hamburg). Nhưng Torun khi đã đạt đến đỉnh cao thì lại có khuynh hướng muốn thoát khỏi sự kìm kẹp của hiệp hội Hanse và tìm kiếm cách “làm bạn” với vương quốc Ba Lan. Bực mình về sự phản bội này, hiệp hội Hanse quyết định gây chiến tranh với triều đình Ba Lan. Sau những quộc chiến liên miên, hai bên quyết định giảng hòa với một số hiệp ước thương mại và chính trị. 800 năm sau đó, với những biến động của lịch sử, những người dân Torun gốc Đức láng giềng dần chuyển đi nơi khác, đặc biệt là những năm cuối của thế chiến thứ 2 (lo sợ bị hồng quân liên xô và Ba Lan trả thù). Torun ngày nay hầu như không còn mấy người nói được tiếng Đức. Về mặt này, Torun giống như Wroclaw.
Không khó để phát hiện ra lớp tường thành đồ sộ bằng gach đỏ. Từ bên kia sông, tại một dải đất phủ rừng thông có tên Kępa Bazarowa, bạn có thể có một góc nhìn toàn cảnh trung tâm Torun thơ mộng. Tại vị trí này, nó làm tôi nhớ lại khoảnh khắc thăm các lâu đài dọc theo lưu vực sông Loire của Pháp. Vẫn với những lớp tường thành kiên cố và những tòa tháp phòng thủ đồ sộ, rất đặc trưng trung cổ và đúng với mường tượng của tôi
Hệ thống tường thành và các chòi canh của Torun thuộc dạng khủng nhất Châu Âu thời trung cổ. Các chòi canh cao chừng 30-50m và có bán kính chừng 10m. Độ dày của tường thì tầm 5m. Độ dày ấy giúp cho hệ thống tường thành có thể chống lại sự công phá của những máy bắn đá tầm xa. Và để kiên cố thêm, Torun sở hữu đến hai lớp tường thành. Để xây được chúng, không khó để tưởng tượng số tiền kếch xù để chi trả cho các công trình và số lượng công nhân được huy động.
Càng đi sâu vào trung tâm Torun thì các công trình kiến trúc trung cổ càng hiện ra rõ nét hơn. Thành phố này là một phiên bản toàn diện cho dòng kiến trúc gôtích gạch đỏ rất phổ biến ở Bắc Âu và ở các thành phố từng chịu sự cai trị của các vương quốc xuất xứ Đức. Bạn có thể tìm thấy những điểm tương đồng về cách sử dụng gạch đỏ để xây nhà ở các thành phố Châu Âu khác cùng thời như Bruges (Bỉ), Lubeck (Đức), Gdansk (Ba Lan), Riga (Latvia) hay lâu đài Trakai (Litva). Trong suốt giai đoạn từ thế kỷ 13, trong vòng 200 năm, Torun là một trong những trung tâm văn hóa nghệ thuật phồn vinh nhất khu vực, trước khi bước vào giai đoạn suy yếu từ thế kỷ 15 và chuyển giao vài trò cầm trịch cho Gdansk.
Yếu tố đặc trưng thứ hai của một thành phố trung cổ, đó là vai trò của tòa thị chính, nằm ở chính giữa thành phố. Tòa nhà này đóng hai vai trò quan trọng : thứ nhất đây là nơi xảy ra tất cả các cuộc giao dịch thương mại quan trọng nhất mang tính quốc tế. Thứ hai, bên trong được phân ra các phòng ốc nhỏ phục vụ cho bộ máy quản lý thành phố như : pháp luật, phân bổ chính quyền…
Tòa thị chính của Torun có một điểm khác so với các thành phố cùng thời ở Ba Lan, đó là sự hiện diện của một tòa tháp đồ sộ nằm ngay sát tòa thị chính. Đây là một nét kiến trúc cho thấy Torun chịu nhiều ảnh hưởng của các thành phố của Bỉ (Bruges hoặc Gent). Cũng lô gích thôi vì Torun hoạt động trao đổi thương mại chủ yếu với hai thành phố này nên chắc chắn sẽ có những trao đổi giao lưu về mặt nghệ thuật nên đã hấp thụ các ý tưởng kiến trúc từ Bỉ. Tòa tháp của Torun ngoài việc phô trương uy lực kinh tế thì còn đóng vai trò như một nhà giam.
Yếu tố thứ ba của một thành phố trung cổ, đó là hoạt động thương mại. Tại Torun, để có trọng lượng lời nói lớn hơn, các nhà thương nhân nhỏ của cùng một ngành nghề liên kết với nhau để tạo thành một hiệp hội mà người Châu Âu gọi là guild. Ở Việt Nam chúng ta, 36 phố phường cổ của Hà Nội có vẻ cũng được tổ chức theo kiểu mỗi một phố thì chuyên một loại ngành nghề.
Vì thế mà nhiều quyển cẩm nang du lịch nước ngoài dịch sang tiếng của họ là 36 guilds. Torun vào những thế kỷ 13-14 có khoảng hơn 10 hiệp hội ngành nghề nhưng ngày nay thì chỉ còn sót lại một, đó là Saint Geroge Brotherhood House.
Nếu xét về lĩnh vực tổ chức kinh tế, tôi thấy Torun có điểm gì đó rất giống phố cổ Hội An. Trong số các hiệp hội ngành nghề thương mại ở Torun, một số gia đình thương nhân rất giàu có và sở hữu nhưng ngôi nhà hoành tráng. Tùy theo dòng thời gian mà kiểu dáng kiến trúc của các ngôi nhà này thay đổi, gô-tích, phục hưng…nhưng chúng đều có một cấu trúc giống nhau. Các ngôi nhà này thường có 2 đến 4 tầng. Tầng trệt bao giờ cũng được sử dụng cho mục đích thương mại. Còn các tầng trên thì phục vụ để làm nhà ở hoặc khi chứa hàng hóa. Mặt tiền của các ngôi nhà này được trang trí rất bắt mắt với những nét điêu khắc
Yếu tố cuối cùng rất đặc trưng của cuộc sống thời trung cổ chính là những ngôi nhà trọ, tiếng Anh là Inn. Thực chất, ngoài chức năng là điểm dừng chân nghỉ đêm cho những thương gia sau một chặng đường dài, đây còn là một quầy bar, nơi các đấng mày râu tụ tập uống bia và hưởng thụ những giây phút thư giãn với các ả đào. Không có sử sách nào ghi rõ số lượng Inn tồn tại ở Torun vào thế kỷ 13-14 những chắc chắn là có rất nhiều vì đó là thời kỳ hưng thịnh nhất của thành phố khi mà hoạt động trao đổi thương mại đang đạt đỉnh cao.
Đối với thành phố Torun, Inn đồng nghĩa với nhà trọ, quầy bar nơi những vại bia hảo hạng được phục vụ và còn là điểm hẹn đàm phán hợp đồng quan trọng của các thương gia. Có thể nói Torun là nơi đầu tiên tôi biết đến lịch sử lâu dài của công nghiệp sản xuất bia. Tôi cứ tưởng rằng bia sinh ra từ thế kỷ 19. Nhưng không, thức uống này sinh ra sớm hơn đó đến vài trăm năm. Ngay từ thời trung cổ thì đây đã là một món khoái khẩu ở Châu Âu. Tóm lại, các nhà trọ Inn đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của người dân Torun.
Đi dọc theo các con đường lát gạch, không khó để phát hiện ra các cửa hàng chuyên bán một loại đặc sản độc nhất vô nhị của Torun : bánh bích quy với các vị hương đặc biệt. Ngay từ thế kỷ 17, người dân Ba Lan đã có câu ví : rượu vodka Gdansk, bánh vị hương Torun, gái Krakow và ủng Warsaw. Nghe như kiểu đông tà tây độc bắc cái nam đế trong tiểu thuyết Thiên Long Bát Bộ.
Hiệu bánh Torun là một trong những cửa hàng danh tiếng nhất chuyên sản xuất bánh vị hương |
Trong tiếng Anh, người ta gọi là gingerbread nhưng không biết dịch sang tiếng Việt thì thế nào. Trong tiếng Ba Lan, loại bánh này có tên là piernik, có nguồn gốc từ pierna, một loại vị hương được trộn vào với bột mì và mật ong để tạo ra loại bánh này. Theo nghiên cứu của các nhà sử học, loại bánh này chắc chắn xuất hiện vào thế kỷ 13 bởi chỉ từ giai đoạn này thì các vị hương lạ mới được nhập khẩu vào Châu Âu từ vùng Trung Đông xa xôi, thông qua các cuộc thập tự chinh.
Vào những thế kỷ 14-15, loại bánh này thuộc dạng hàng xa xỉ ở Châu Âu vì để làm được nó, người ta sử dụng những ngũ vị hương nhập từ Ấn Độ xa xôi. Người ta nói rằng chỉ có một số gia đình làm bánh ở Torun thì mới có công thức gia truyền tuyệt mật để tạo ra các loại bánh có hương bị hảo hạng này. Ngành công nghiệp làm bánh vị hương của Torun đạt đến đỉnh cao vào thế kỷ 18-19. Nhờ tính bảo quản cao, có thể giữ được trong nhiều ngày, loại bánh này được rất nhiều người mua phục vụ cho những chuyến đi dài ngày hoặc thậm chí là trong những chiến dịch quân sự kéo dài nhiều tuần. Các miếng bánh vị hương ngày nay không chỉ nổi tiếng nhờ mùi vị đặc biệt mà còn nhờ sự tinh xảo trên những nét điêu khắc bề mặt bánh, hay chính xác hơn là những bộ khuôn đúc bánh bằng gỗ với những nét điêu khắc rất công phu.
Sự tinh xảo và đa dạng về hình dáng các bộ khuôn đã giúp cho Torun giữ vị trí độc tôn về loại bánh vị hương, cho dù có một số thành phố Châu Âu khác cũng nhăm nhe bắt chiếc công thức làm bánh. Nói về hình thù các miếng bánh ở đây thì đa dạng lắm : từ hình mặt vua chúa đến hình cỗ xe ngựa, từ hình người lính đang bồng súng đến hình chúa Jesus. Với lợi thế độc quyền về bí quyết làm bánh, các gia đình sản xuất bánh này nhận được nhiều ưu đãi của chính quyền địa phương, từ việc miễn thuế nhập khẩu vị hương Trung Đông đến việc giảm thuế xuất khẩu bánh vị hương. Sản phẩm này cũng được sử dụng rất rộng rãi như một món quà cống nộp xa xỉ dành cho các thế lực lân cận như Nga, Thụy Điển và Phổ. Ngày nay thì bánh vị hương đã có mặt ở rất nhiều quốc gia Châu Âu như Pháp, Anh, Thụy Điển, Đức nhưng ít ai biết rằng nguồn gốc của nó đến từ Ba Lan.
Để có được một cái nhìn sống động và cụ thể về truyền thống làm bánh vị hương, tôi thăm Gingerbread Museum, tọa lạc trong một ngôi nhà cổ trước kia đã từng là một xưởng sản xuất bánh vào thế kỷ 16. Cái hay của viện bảo tàng này chính là phương pháp người ta quảng bá truyền thống làm bánh để làm sao du khách dễ hấp thụ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét