Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012


Tôi nghĩ chắc nhiều người nghe danh thành phố cảng mác-xây rồi (tiếng pháp viết là Marseilles). Bác Hồ nhà mình đã đặt chân đến đó đầu tiên sau khi đi tàu từ Việt Nam. Ở đây, tôi không nói đến lịch sử và cũng chẳng nói đến Marseilles nhiều. Nói thật nhé, tôi ở Pháp 8 năm rồi, thăm biết bao nhiêu thành phố nên thực sự vẻ đẹp của Marseilles không thể khiến tôi ở lại đó quá 2 ngày. Marseilles thực ra chỉ là một điểm dừng chân tạm thời để tôi khám phá địa danh thiên nhiên khác, rất nổi tiếng trong con mắt dân du lịch bụi Châu Âu nhưng lại vô danh ở Việt Nam : les calanques. Và tất nhiên, phương châm mà tôi đã đặt ra ngay từ đầu khi thành lập blog này là giới thiệu những vẻ đẹp tiềm ẩn không mấy người Việt Nam biết đến. Tôi không muốn những bài viết của mình lại lặp lại so với các bài viết của các phượt tử trên các diễn đàn (phuot.vn , phuot.net, hoi du lich…).

 Vậy calanques là gì ? Đây là một hiện tượng địa chất xảy ra cách đây hàng triệu năm và tạo ra các thung lũng nhỏ áp sát bờ biển, hai bên sườn thung lũng rất sâu,hẹp và dốc. Về mặt hình dạng bề ngoài thì các calanques này khá giống với fjord của Bắc Âu (xem bài khám phá quần đảo Lofoten).  Điểm đặc trưng của các calanque là bề mặt đá vôi hóa thạch của vách núi, có thâm niên hàng chục triệu năm. 


Các calanques này thực ra không chỉ có ở miền nam nước Pháp mà còn ở rất nhiều quốc gia nằm ven rìa Địa Trung Hải (Ý, Croatia, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, …) nhưng các calanques của Pháp và đặc biệt là gần Marseilles thì được quy hoạch tốt hơn cả và được tạo thành rừng quốc gia với các đường đi trekking được chỉ dẫn hiệu quả. Bản thân tôi cũng đã đi qua nhiều danh lam thiên nhiên quanh địa Trung Hải có vẻ đẹp tương tự như calanque nhưng chỉ có của Pháp là được Unesco công nhận là di sản thế giới, có lẽ vì quy mô chiều dài của nó (hơn 30km)

Dọc theo bờ biển gần Marseilles là hơn 30km calanques nhưng không thể nào đi một mạch trong một ngày được vì có những đoạn rất khó leo trèo và đòi hỏi du khách phải là dạng cứng cựa trong lĩnh vực du lịch mạo hiểm và tất nhiên là phải trâu bò một chút. Thêm nữa, đi trekking một mình ở những vùng như thế này thì đòi hỏi phải biết cách đọc bản đồ trekking và xác định phương hướng tốt. Nếu không có 2 khả năng này thì chắc là ngồi khóc. 

bản đồ trekking khác hẳn bản đồ thành phố với nhiều ký tự chuyên ngành. Nếu bạn không biết đọc bản đồ kiểu này thì đừng nghĩ đến chuyện đi trekking một mình
ngoài ra, bạn cần phải con mắt nhạy bén, phát hiện ra các dấu chỉ dẫn đường đi, thường được đánh dấu bằng sơn trên vách đá hoặc thân cây
 Một điểm khó khăn mà tôi gặp phải, đó là cần phải có ôtô  cá nhân thì mới chủ động trong việc đi lại (tôi không có bằng lái). Phương tiện duy nhất có thể dùng được là xe bus nhưng mà tuyến xe bus đến được calanques thì không nhiều. Chính vì thế, tôi phải phân chia cuộc khám phá calanques ra làm 2 ngày. Mỗi ngày tôi dùng xe bus đến một điểm xuất phát và thăm một khúc đoạn rồi đến chiều quay lại Marseilles để hôm sau lại dùng xe bus đến một điểm khác . Vì calanques rất nổi danh trong con mắt dân Pháp nên họ hay đến đây trekking vào mùa hè và đặc biệt là vào cuối tuần. Chính vì lý do đó, tôi phải chọn đến Marseilles vào cuối tháng 4 và vào trong tuần. Tha hồ mà một mình khám phá calanques ! 

Điểm xuất phát đầu tiên của tôi là thị trấn Cassis cách Marseilles 30km về phía đông và hoàn toàn có thể bắt xe bus để đến đó. Từ thị trấn này, tôi đi dọc theo bờ biển và đến calanques đầu tiên có tên là Port Miou. Đây là điểm calanque duy nhất là người ta có thể dùng xe ô tô đến. Sau điểm này là địa phận của công viên quốc gia và du khách chỉ được phép đi bộ. Oái oăm hơn nữa là ở đây cấm không cho cắm lều ngủ qua đêm trong công viên, thế nên buộc phải thăm calanque trong 1 ngày rồi nhanh chóng quay về đại bản doanh ở Marseilles vào buổi chiều. 


 À quên, cũng phải nói thêm là khu vực công viên quốc gia này hay gặp hỏa hoạn vào mùa hè nên không phải calanque nào cũng được cho phép đặt chân đến. Trước hôm tôi đi lại phải hỏi hội tourist office để xem calanque nào được phép thăm. Mà hỏi hội này là phải bằng tiếng Pháp, đồng chí nào mà một chữ bẻ đôi không biết thì miễn đến đây. 


Sau calanque Port Miou là calanque Port Pin, nơi có một bãi biển nhỏ rất đẹp. Màu nước turquoise trong vắt khiến tôi cảm thấy cần phải cởi bỏ hết đồ nghề trekking và ngâm mình cho mát. Tại sao gọi là Pin ? Bởi vì ở đây lốm đốm các cây thông mọc trên bề mặt đá vôi của calanque.  


Điểm tiếp theo, calanque En Vau, theo tôi, là calanque đẹp nhất trong tất cả nhờ vào vực thẳm rất cao và đây cũng là điểm calanque đòi hỏi thể lực cao nhất. Nếu như có một thiên đường hạ giới thì có lẽ En Vau là một trong số đó. 


Những vực thẳm sâu hoắm như những bức tường vôi trắng khổng lồ ngụp lặn thẳng vào làn nước turquoise trong suốt. Và rồi sau đó, một bãi biển nhỏ trốn sâu trong hẻm vực, đánh dấu điểm dừng chân cuối cùng của tôi trong ngày đầu tiên. 

chiều ngược lại, tôi không đi dọc theo bờ biển nữa mà lại đi sâu hơn vào đất liền, lần theo những nẻo đường núi treo leo
 Sau đó, tôi buộc phải dành thời gian quay lại thị trấn Cassis để còn kịp bắt chuyến xe bus cuối cùng quay trở lại Marseilles. Nhưng thay vì lại phải sử dụng con đường cũ để quay lại, tôi sử dụng những con đường núi đi sâu hơn vào đất liền. 


Chỉ dài có 5km nhưng tôi cũng phải mất hơn 2 tiếng mới quay lại được Cassis, một phần là do đường núi mấp mô phần khác là do trời nóng quá.   

Ngày thứ 2 , tôi lại tiếp tục bắt xe bus để khám phá một khúc khác, lần này thì gần Marseilles hơn. Với tổng chiều dài là 15km đi bộ, tôi phải mất gần 7 tiếng hùng hục thì mới hoàn thành xong nghĩa vụ. 


 Ngày thứ 2 này thực sự tốn nhiều năng lượng hơn hôm đầu vì một số đoạn lên xuống gập ghềnh khá là nguy hiểm và đôi khi phải đòi hỏi dụng cụ leo núi.  Leo lên đỉnh đồi Sugiton là chướng ngại vật đầu tiên, rất vất vả. 

đường lên đỉnh Sugiton có nhiều đoạn quanh co và rất hẹp, chỉ rộng khoảng nửa mét và các bước chân rất trơn đòi hỏi phải rất cẩn thận
Tại những nơi như thế này, thường chỉ có dân yêu du lịch mạo hiểm hoặc là người địa phương. Hôm tôi đi thì có gặp 2 nhóm người Pháp, cũng từ các tỉnh lân cận đến

 Có những chỗ rất hẹp và được trang bị sẵn thang leo và dây xích sắt. Tuy nhiên cũng phải sử dụng găng tay và giầy  đặc biệt cho leo núi. Có lẽ vì nguy hiểm như vậy nên ít người ló mặt ở khu này hơn. 

Chỉ có những ai đủ dũng cảm thì mới thử sức với calanque Sugiton, trong đó có một đồng chí bốn mắt Việt Nam. Nhưng khi lên được đỉnh rồi thì miễn chê. Tại đây, có thể có được cái nhìn toàn cảnh dải calanque quanh co dọc theo bờ biển. 

 Thất tuyệt vời ! Những tảng đá vôi trắng muốt pha lẫn với màu cây thông và màu xanh turquoise của biển. 
Sau calanque Sugiton là calanque Morgiou, có lẽ là lớn nhất trong khu vực. Sườn thung lũng khá là sâu. Thi trấn Morgiou nằm tận dưới đáy thung lũng rất đặc trưng kiểu cách Địa Trung Hải bởi đây đã từng là làng chài cá. 



0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến