Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2012



Đến được Brasov, tôi gần như oải sau khi đã thăm mấy cái làng văn hóa saxon. Vì thế, mặc dù còn có thêm một vài ngôi làng nhỏ nữa rất đẹp xung quanh Brasov, tôi cũng không còn nhiều nhuệ khí để hùng hục đi nữa. Tôi quyết định dành thời gian nghỉ ngơi tại Brasov, chân kiềng cuối cùng của vùng Transylvania sau Sibiu và Sighisoara. Trong quá trình chuẩn bị chuyến đi này, tôi đã tham khảo một số diễn đàn du lịch và được biết khá nhiều phượt tử phân vân giữa việc lựa chọn thăm Sibiu hay Brasov vì có vẻ như hai thị trấn này có vẻ kiến trúc tương đồng nhau. Quả đúng là khi tôi đặt chân đến Brasov thì tôi cũng không tìm được nhiều điều khiến tôi ngạc nhiên mặc dù không thể phủ nhận vẻ đẹp của thị trấn này. 

Điểm đặc biệt của Brasov là vị trí địa lý nằm rất gần chân dãy núi Carpate và các trung tâm trượt tuyết lớn nhất Đông Âu. Cũng như các làng văn hóa Saxon khác, Brasov được thành lập vào thế kỷ 12 và nằm trong số 7 mắt xích chính của vùng Transylvania thời bấy giờ. Trong tiếng Đức cổ (hồi ấy, ngôn ngữ chính của vùng là tiếng Đức chứ không phải Romania), hệ thống này được gọi là Siebenbürgen. 6 mắt xích khác bao gồm : Bistrita, Cluj, Medias, Sebes, Sibiu và Sighisoara. 

Trái ngược với các làng mạc khác, khi vùng Transylvania rơi vào tay người Ottoman, Brasov vẫn phát triển kinh tế. Nằm ở nút giao giữa đế chế Ottoman và Tây Âu, các thương gia của Brasov được đặc ân miễn thuế và nhờ đó nắm giữ quyền lực chính trị và kinh tế trong khu vực. Quá khứ hào hùng này được thể hiện rõ qua phù hiệu của thị trấn với biểu tượng một vương miện và rễ cây sồi. Đáng tiếc là những di tích trung cổ của Brasov không còn lại nhiều bởi vì vào thể ký 17, một cơn đại hỏa hoạn đã thiêu rụi 95% các công trình kiến trúc cổ. 

Người dân trị trấn đã cố gắng xây dựng lại nhưng lại theo dòng kiến trúc barốc rất thịnh hành vào thời điểm đó. Điều này giải thích vì sao tôi chỉ toàn nhìn thấy những ngôi nhà xây theo nét kiến trúc từ thế kỷ 17 trở đi. Thêm nữa, vào thế kỷ 19, khi mà cách mạng công nghiệp lan tràn khắp Châu Âu, hệ thống tường thành theo kiểu trung cổ cũng bị phá hủy và thay vào đó là những nhà máy xí nghiệp sản xuất. Nhờ đó, Brasov trở thành trung tâm kinh tế lớn thứ 2 Romania, chỉ đứng sau thủ đô Bucarest. 

Đến được Brasov, tôi coi như đã hoàn thành việc khám phá các làng văn hóa Saxon. Tuy nhiên, chỉ biết đến truyền thống văn hóa Saxon vùng Transylvania thì mới chỉ biết đến 70% thôi. 30% còn lại nằm ở vẻ đẹp khác của vùng này : dãy núi Carpate. Ngay trước khi đi Romania thì tôi đã biết đến vẻ đẹp của dãy núi Carpate, rất gần Brasov. Tôi đã từng thăm một phần của dãy núi này bên Ba Lan và có rất nhiều kỷ niệm đẹp bên đó. Điều đó khiến tôi giữ ý định khám phá phần bên Romania. Con đường đi từ Brasov về phía tây để quay trở lại Sibiu đi dọc theo dãy núi Carpate nên việc khám phá dãy núi này hoàn toàn phù hợp với lịch trình mà tôi đã tính toán từ trước. Duy chỉ có điều đường đi nước bước chính xác như thế nào thì tôi không có nhiều thông tin. Nhưng điều đó cũng không làm tôi lo lắng cho lắm. Với kinh nghiệm đi du lịch bụi nhiều nơi, tôi biết chắc rằng khi mà một địa danh du lịch đã đạt đến độ nổi tiếng nào đó thì kiểu gì cũng phải có dịch vụ giao thông công cộng hay các tổ chức du lịch khai thác nó. 

 Tôi là một fan hâm mộ của kiểu đi du lịch bụi ở lều, ở nhà dân hoặc Hostel. Và với tất cả các hostel mà tôi đã từng ngủ đêm, tôi nhận thấy một điều là thông thường các hostel liên kết với các tổ chức dịch vụ du lịch trong vùng để tổ chức các chuyến đi đến những địa danh du lịch nổi tiếng. Trường hợp của hostel tại thị trấn Brasov không nằm ngoại lệ. Cô chủ nhà trẻ tuổi rất friendly và ngay từ lúc làm thủ tục check in đã nói chuyện trên trời dưới bể với tôi. Từ chuyện cầu thủ bóng đá Hajii, cô ta chuyển đến vấn đề dân Zigan và cuối cùng chuyển đến đề tài du lịch tại vùng này. Sau khi thu thập được tất cả những thông tin bổ ích, tôi nghe theo lời khuyên của cô ta, lấy Brasov làm đại bản doanh và đi day trip ở những vùng lân cận. Chồng cô này sở hữu một chiếc xe du lịch nên tận dụng tổ chức các cuộc khám phá trong khoảng cách 100km đổ lại. Tôi quyết định đăng ký tour của cô chủ nhà để đến thăm một con đường Transfagarasan, được cho là con đường leo núi cao nhất Romania với độ cao khoảng 2500m. 

Công trình cầu đường Transfagarasan được coi là niềm tự hào về công nghệ xây dựng của người Romania. Đối với họ, xây được con đường này thực sự là một kỳ tích phi thường, sánh ngang với kênh đào Suez hay Panama. Xưa kia, vùng Transylvania bị cách ly với thủ đô Bucarest bằng dãy núi Carpate. Giao thông đi lại giữa hai vùng vô cùng khó khăn bởi dãy núi Carpate cực kỳ hiểm trở. Vào thập nhiên 70 của thế kỷ trước, cựu tống thống Nicolae Ceausescu (nổi tiếng với sự tàn bạo tương đương với ông Lê Duẩn nhà mình) quyết định tiến hành xây con đường Transfagarasan khai thông dãy núi Carpate. Nguyên nhân xây con đường này ? Ông ta sợ rằng người láng giềng Xô Viết có thể sẽ một ngày nào đó tấn công vào Romania như những gì họ đã từng làm với nước Tiệp Khắc năm 1968. Vì thế, việc xây dựng một con đường nối giữa thủ đô Bucarest và vùng Transylvania sẽ giúp việc tiếp tế quân sự dễ dàng hơn. Ngay trong những năm đầu tiên sau khi khánh thành con đường này, giao thông đi lại chủ yếu là các tuyến xe vận chuyển vũ khí quân sự, bộ đội và lương thực. Những nguồn thông tin khác nhau cho rằng công trình này đã cướp đi mạng sống của nhiều công nhân cho dù chính phủ Romania che giấu. Cô chủ nhà hostel ở Brasov nói với tôi rằng có khoảng hơn 200 người thiệt mạng. Với đặc thù tuyết rơi nhiều vào mùa đông, con đường này chỉ được sủ dụng vào mùa hè thừ tháng 7 đến tháng 10. Tôi thì không biết thông tin này nên việc có thể thăm được nó được cho là một điều may mắn. Transfagarasan có chiều dài tổng cộng là 100km nhưng tôi chỉ thăm một khúc ngắn và cũng là đoạn đường đáng xem nhất với những khúc uốn đến chóng mặt. 

 Điểm cao nhất mà con đường Transfagarasan đạt tới là hồ Balea ở độ cao tầm 2000m và đây cũng là điểm dừng chân cuối cùng của tôi trước khi quay trở lại xuống chân núi. Chỉ đi quá thêm một chút thì con đường này sẽ dẫn đến bên kia sườn dãy núi Carpate và đưa đên thủ đô Bucarest. Nhìn từ trên cao xuống, hồ Balea rất đẹp nhưng tôi cũng đã từng đi trekking ở dãy núi Alps bên Pháp và cũng đã từng đi đến một nơi có kiểu hồ trong vắt nằm trên đỉnh núi như thế này. 


Sau khi trở về Brasov, tôi tiếp tục hành trình khám phá dãy núi Carpate nhưng lần này thì không theo kiểu mua tour như hôm trước nữa. Với một số thông tin thu thập được từ Tourist Office của Brasov cộng thêm từ cô chủ nhà hostel, tôi đã có được sự chuẩn bị tốt nhất để có thể tự khám phá một mình, theo kiểu hiking. Nói là dãy núi Carpate nhưng trên thực tế, đây là quần thể những ngọn núi với những độ cao khác nhau và một trong những số đó là dãy núi Bucegi. Với sự phát triển du lịch trượt tuyết mùa đông, có rất nhiều trung tâm du lịch mọc lên ở sườn dãy núi này với nhiều đường vào khác nhau. 

Có nhiều cách tiếp cận khu công viên quốc gia Bucegi nhưng tôi chọn thị trấn Busteni làm nơi đổ bộ vì có chuyến ôtô từ Brasov và chỉ mất khoảng 40 phút. Từ Busteni, có nhiều cách để đi lên đỉnh dãy núi Bucegi, có thể bằng cáp treo hoặc đi hiking trực tiếp lên luôn. Do đã lên kế hoạch dành hẳn 3-4 ngày lang thang trong khu vực này nên tôi có rất nhiều thời gian và chọn phương án cuốc bộ 6 tiếng lên trên đỉnh. 

Không giống như những khu vực khác, dãy núi Bucegi được quy hoạch rất khoa học và các con đường hiking được đánh dấu rất cẩn thận, chỉ vài mét là lại có biển báo đánh dấu giúp cho du khách không bị lạc. Và cũng như thói quen thường lệ khi tôi đi hiking ở bất cứ đâu, tôi hỏi thăm một information center ở thị trấn Busteni và mua một chiếc bản đồ hiking với giá phải chăng (cũng chỉ tầm 5usd). 


Sau tầm 6-7 tiếng hì hục leo trèo thì tôi lên được độ cao tầm 2000m và bắt đầu thấy dấu hiệu lên được đỉnh. Dãy núi Bucegi thực ra có rất nhiều đỉnh núi khác nhau và cách nhau vài cây số. Không thể cùng một lúc thăm tất cả các đỉnh này được vì giữa chúng là cả một hệ thống chướng ngại vật , không phải suối sâu thì cũng là vực thẳm hoặc cây thông um tùm. Vì thế, các đường đi hiking được quy hoạch thành từng chặng. Mỗi đỉnh núi được coi như là phần cuối của một chặng và muốn đi hết chặng đó thì cũng phải hết cả ngày. Chặng đầu tiên của tôi đi từ thị trấn Busteni dưới chân núi lên một điểm có tên là Babele. Tại điểm này, có hai địa danh du lịch rất nổi tiếng của vùng, đó là hai khối đá có tên là BabeleSphinx

 Babele, trong tiếng Romania có nghĩa là « những bà lão » bởi hình dáng các khối đá khổng lồ trông giống các bà già đang còng lưng hoặc những cây nấm. Đây là kết quả của tạo hóa sau hàng trăm thế kỷ điêu khắc của gió và mưa. 

 Khối đá Sphinx được đặt tên gọi như vậy vì có hình thù giống mặt người và người ta liên tưởng đến bức tượng nhân sư án ngữ trước kim tự tháp Ai Cập. Người ta nói rằng khối đá này là biểu tượng của một vị thần rất được tôn sùng bởi một bộ tộc cổ sống ở Romania cách đây hơn 5000 năm. Một số giả thuyết cho rằng bộ tộc này xuất xứ từ vùng Trung Đông xa xôi rồi dần dần di cư đến đây. Và có giả thuyết còn cho rằng tượng nhân sư ở Ai Cập chỉ là bản copy của khối đá này. Chẳng biết thực hư thế nào

Khám phá dãy núi Bucegi đòi hỏi phải ngủ lại tối thiểu là một ngày. Sự quy hoạc có quy củ của dãy núi này cho phép du khách có thể ngủ lại tại một số nhà lều được xây dựng sẵn (cũng rưa rứa hostel) hoặc cắm lều ngủ ở những trại nằm khá gần nhà lều.  Do đã quen đi du lịch leo núi ở Pháp, tôi đã quen với việc vác trên mình một chiếc balô 10-15kg và đi tầm 20km/ngày. Do đó, việc vác theo cả lều rồi một ít lương thực cũng không phiền hà cho lắm với lại điều đó cũng sẽ giúp tôi tiết kiệm được chi phí nhà ở.  Chẳng phải đi đâu xa, ngay tại điểm Babele đã có nơi được quy hoạch cho phép du khách dựng lều và tôi qua đêm ở đây sau một ngày leo trèo mệt mỏi. 

Ngày hôm sau thì con đường đi không khó như ngày đầu vì chặng này đi xuống dốc từ trên đỉnh xuống sườn núi ở độ cao 1000m. Chặng này khác hơn so với ban đầu vì tôi bắt gặp một số làng mạc cũng như trang trại rải rác trên sườn núi. Nói là làng nhưng chắc chắn là không còn giống những ngôi làng văn hóa Saxon mà tôi thăm ở gần Brasov nữa vì chúng ta đang xâm nhập vào dãy núi Carpate chứ không phải là đồng bằng vùng Transylvania. 


Ngôi làng đầu tiên tôi bắt gặp là làng Fundata. Sẽ không có gì quá ngạc nhiên nếu như các ngôi nhà ở đây chỉ ở điều kiện thô sơ nhất. Tại cái vùng hẻo lánh này, TV chắc chắn không thể bắt được sóng tốt khi mà luồng gió luôn thổi khá mạnh và vào mùa đông lúc tuyết rơi thì thôi rồi, khỏi phải nói đến số lần mất điện. Ở trong khu rừng quốc gia Bucegi, rất nhiều hộ gia đình địa phương phát triển loại hình du lịch agritourism, cũng gần giống với mô hình của các hộ gia đình ở các làng văn hóa Saxon vùng đồng bằng. Ở Việt Nam hiện nay chưa có loại hình du lịch này mà mới chỉ dừng ở mức du lịch cộng đồng, có nghĩa là cả một làng mạc được quy hoạch để phục vụ phát triển dịch vụ du lịch (ăn, ngủ, giao lưu văn hóa, hoạt động ngoài trời). 


Ở Romania hay ở rất nhiều quốc gia Châu Âu phát triển loại agritourism thì hơi khác một chút. Chỉ có một vài hộ gia đình đơn lẻ trong một làng mạc quyết định sửa sang một chút ngôi nhà của họ để biến nó thành một liên hợp dich vụ du lịch (ăn, ngủ, hoạt động khác). Thêm nữa, những chi phí sửa sang này hầu như 100% do tự họ trang trải chứ không được hưởng chính sách phụ cấp của chính phủ như ở các làng vùng sâu vùng xa Việt Nam (Mai Châu, Mộc Châu, Sapa, Thác Bà, Hà Giang, etc) . 


Làng Magura về mặt cơ bản không khác gì mấy so với làng Fundata, chỉ lèo tèo tầm 300 ngôi nhà rải rác trên một diện tích rộng lớn tầm 13.000 hecta. Cái khác một chút là phong tục tập quán của làng này rất khác so với Fundata cũng như bất cứ làng mạc nào khác tôi gặp khi đặt chân đến Romania. Chỉ với hơn 200 sinh mạng nhưng du khách có cảm tưởng như đang lạc vào một vương quốc bị cách ly với thế giới bên ngoài. 

 Người dân ở đây chỉ quan tâm đến cuộc sống đơn giản hàng ngày của họ dựa vào đàn cừu hay vườn rau và hầu như không có bất cứ giao lưu thương mại gì với bên ngoài hết. Khi tôi đi ngang qua đây, một số hiếm dân làng tôi gặp được cũng gần như lạnh nhạt đi qua tôi như thể vị du khách đến từ Châu Á này làm phiền họ. Tóm lại là một ánh mắt không được thân thiện như những nơi khác. 

Nhưng dù sao đó cũng là một phong cách riêng của làng Maguri hay làng Fundata. Cả hai đều nằm trong số ít làng mạc ẩn sâu trong khu rừng núi hoang vu và vẻ đẹp của chúng chỉ bộc lộ cho những ai dành thời gian và sức lực leo lên độ cao 1000m để chiêm ngưỡng. Ngôi làng cuối cùng mà tôi dừng chân là làng Moeciu De Sus, tôi lại dựng lều trên một khoảng cỏ mịn và tận hưởng sự tĩnh lặng của thiên nhiên nơi đây. 

Ngày hôm sau là chặng đường cuối cùng của tôi trong khu rừng quốc gia Bucegi bắt đầu từ sườn núi ở độ cao hơn 1000m lên đỉnh núi Piatra Craiului rồi lại xuống núi rồi quay trở lại thị trấn Brasov. Với chặng đường này, khung cảnh của dãy núi Bucegi có sự thay đổi rất lớn bởi màu xanh rờn của cây cối bắt đầu nhường chỗ cho những mỏm núi đá granit xơ xác không cây cối. Khung cảnh tại đây khiến tôi có cảm giác đối mặt với một sự hiềm khích của thiên nhiên. Bản thân từ Piatra Craiului cũng nói lên một phần điều đó, trong tiếng Romania, nó có nghĩa là « mỏm đá của vua » với chiều cao khoảng hơn 2000m. Các con đường đi ở đây do chủ yếu là đá nên đi lại khó khăn hơn so với các chặng đường khác. 

suốt chặng đường là sự đan xen của những hẻm như thê này
hoặc như thế này

nhìn từ trên máy bay xuống, dãy núi Piatra Craiului trông giống như sống lưng một con khủng long và con đường mòn nay đi dọc theo sống lưng đó, ở độ cao hơn 2000m

Sau gần 7 tiếng loay hoay trên đỉnh núi, tôi từ từ đi xuống chân núi và lại gặp lại khung cảnh quen thuộc của vùng Transylvania với những thảo nguyên xanh rờn
từ chân núi, tôi lần theo một con đường và đến làng Zarnesti nơi có tàu quay trở lại thị trấn Brasov


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến