Xem bản đồ hành trình tại đây : Itinerary Map
Cuối cùng thì điều gì đến cũng phải đến, sớm hay muộn thì tôi vẫn sẽ phải viết lại hồi ký về hành trình khám phá vùng Cappadocia, được cho như ngôi sao sáng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Vì sao tôi lại ngại viết về vùng này đến vậy ? Bởi vì vùng này có quá nhiều điều để viết và tôi luôn sợ rằng trình độ viết văn của mình quá kém cỏi và không đủ khả năng tìm được hết những từ mỹ miều để tôn vinh vẻ đẹp của Cappadocia. Thế rồi tôi nín thở và quyết định dấn thân vào viết một tập truyện có thể sẽ là dài nhất trong tất cả các bài viết kể từ khi blog này được thành lập (tôi cảm thấy như thế). Nhưng không sao, tôi tin rằng một bài viết càng tâm huyết thì nó càng giúp tôi giữ được ký ức lâu hơn và tất nhiên cũng sẽ giúp người đọc nhập tâm tốt hơn. Thà mất cả tháng để hoàn thành bài viết này còn hơn là chỉ làm hời hợt một vài ngày để rồi lại rơi vào kiểu « 10 điểm bạn đáng thăm nhất ».
Trước khi đặt chân đến vùng Cappadocia năm 2011, tôi đã đến Thổ Nhĩ Kỳ được hai lần. Có nhiều người hỏi tại sao tôi lại không đến vùng này ngay từ lần đầu tiên mà lại phải đợi đến lần thứ 3. Tôi luôn quan niệm rằng cái hay nhất thì phải để sau cùng nếu như có điều kiện. Do đó, khi quyết định về hẳn Việt Nam năm 2011, tôi đã nung nấu kế hoạch kết hợp thăm Cappadocia và xẻ dọc Trung Đông ngay từ cuối năm 2010. Vậy điều gì khiến Cappadocia mê hoặc tôi cũng như vô số phượt tử khác ? Có 3 thứ : một thiên nhiên độc nhất vô nhị, một bề dày lịch sử kinh điển và một văn hóa sống cực kỳ độc đáo. Có thể nói Cappadocia là một vùng đất mà tạo hóa thiên nhiên và con người liên quan mật thiết đến nhau. Ngay từ những thập kỷ 1980 thì vùng Cappadocia đã trở thành một vùng du lịch nổi tiếng trong con mắt người Châu Âu, một nơi đi tiên phong trong phòng trào du lịch mạo hiểm. Người ta không đến đây để đi du lịch hưởng thụ hay nghỉ dưỡng. Cappadocia chỉ dành cho những du khách yêu mến thiên nhiên, thích tìm hiểu lịch sử và khám phá văn hóa.
Hàng triệu năm về trước, một trận núi lửa khủng khiếp đã xảy ra khiến cho vô số khối nham thạch khổng lồ phun ra khỏi mặt đất tạo lên những cột đá lớn. Thời gian trôi đi và những con sông lớn gần đó chảy qua tạo ra những nét điêu khắc tự nhiên trên bề mặt các khối đá nguồn gốc nham thạch này. Và để kết thúc các tác phẩm nghệ thuật tự nhiên, những ngọn gió như những lớp xi đánh giày làm bóng bề mặt các khối đá. Vì thế, đặc thù về mặt khung cảnh của Cappadocia ngày nay là quần thể các cao nguyên, vực thẳm hay cột đá khổng lồ có nguồn gốc nham thạch núi lửa. Hình thù của chúng rất đa dạng và sau đây là một số khung cảnh tiêu biểu
Còn về mặt con người thì sao ? Nằm ở vị trí chiến lược trên con đường tơ lụa, Cappadoce trở thành điểm giao giữa những nền văn hóa khác nhau. Không quá ngoa khi nói rằng đây là vùng đất của những để chế bởi Cappadoce luôn là tâm điểm xâm chiếm và sở hữu của nhiều thế lực lớn nhất trong khu vực, từ đế chế Ba Tư đến La Mã, rồi Byzantine và cuối cùng là Ottoman. Tất cả đều để lại dấu chân vó ngựa chinh chiến tại đây.
Trên bản đồ hành chính Thổ Nhĩ Kỳ không có tên Cappadocia vì cái tên này chỉ có giá trị lịch sử văn hóa. Tên gọi Cappadocia xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử khi mà người Ba Tư xâm chiếm toàn bộ Thổ Nhĩ Kỳ vào thế kỷ 6 trước công nguyên. Trong tiếng Ba Tư cổ, Cappadocia có nghĩa là « vùng đất của những chú ngựa đẹp ». Không phải ngẫu nhiên mà cái tên này được đặt ra bởi thời ấy, giống ngựa vùng này nổi tiếng có sức dẻo dai và rất được giá. Sử sách ghi lại rằng cả vùng Cappadocia chỉ đóng rất ít thuế về tiền mặt nhưng phải nộp đến 1500 con ngựa, một con số rất đáng nể vì hồi đó dân số còn thưa thớt. Ngày nay, vùng Cappadocia thu hút gần như một nửa lượng khách du lịch đến Thổ Nhĩ Kỳ nhưng phần lớn họ đều chỉ dừng lại ở đây tối đa là 5 ngày và chỉ thăm khoảng độ 60% những thứ đáng xem nhất ở đây. Bản thân tôi thì dành hơn 1 tuần và tất nhiên là tốn không ít tiền bạc ở đây nhưng đến giờ thì tôi không hề hối hận về số tiền mình đã bỏ ra bởi tôi không biết đến bao giờ mới có cơ hội quay lại lần nữa. Việc chuẩn bị của tôi cũng mất khá nhiều thời gian vì vùng Cappadocia là một mê cung của một loạt các thung lũng. Tôi còn nhớ những ngày thu thập đến gần chục quyển cẩm nang du lịch ở nhiều thư viện thành phố Paris, kết hợp tất cả những thông tin để có thể lên được một lịch trình sơ bộ cho riêng mình. Để khám phá vùng Cappadoce một cách triệt để nhất, không gì bằng đi hiking vào những vùng hẻo lánh nhất. Bởi chính những con đường đó mới là nơi cất dấu những bí mật cần được khám phá.
Vùng Cappadocia ngày nay do là một vùng du lịch rất phát triển nên tôi không gặp nhiều khó khăn để đến được đây. Từ thành phố Istanbul, có một chuyến bay nội địa đến Kayseri và thành phố này được coi như là thủ phủ của vùng Cappadocia. Tuy nhiên, thành phố này lại nằm hơi chệch so với quần thế những thứ cần thăm của vùng. Vì thế, từ Kayseri, tôi phải đi thêm một chặng ôtô dolmus (một dạng xe khách 16 chỗ rất phổ biến ở Thổ Nhĩ Kỳ) đến làng Goreme. Và đây là đại bản doanh của tôi trong phần lớn thời gian khám phá Cappadocia. Như thường lệ, tôi chọn nghỉ đêm ở hostel. Hostel ở đây có lẽ là một trong những nơi gây ấn tượng nhất với tôi bởi cấu trúc rất độc đáo của nó.
Ở làng Goreme hay tại bất cứ ngôi làng nào vùng Cappadocia, người dân địa phương tận dụng tối đa lợi ích từ việc khoét các lỗ hổng ở các cột đá để chế tạo thành nhà ở. Có rất nhiều ngôi nhà như vậy được tu sửa để trở thành khách sạn, guesthouse hoặc hostel. Mỗi một phòng tương đương với một « lỗ » giống như ổ chuột. Và tôi cũng có « ổ chuột » của riêng mình.
Do đào sâu vào trong đá nên phòng bên trong cách nhiệt rất tốt. Nếu như bên ngoài trời nóng tầm 38°C thì bên trong vào ban đêm chỉ tầm 18-20°C nên đôi khi phải đắp chăn giữa mùa hè.
Goreme là làng mạc sầm uất nhất của Cappadocia và cũng chỉ có ở đây tôi mới tìm thấy nhiều ôtô như vậy.
Toàn bộ quần thể này tạo nên một khu được gọi là Open Air Museum nằm ngay cạnh Goreme. Không quá khó để hiểu tại sao nơi đây lại có nhiều tu viện hay nhà thờ nằm trong các hẻm đá hoặc hang. Hồi trước, tôi cứ nghĩ rằng thiên chúa giáo chỉ tồn tại ở phương Tây, Jerusalem, và các nước thuộc địa cũ. Nhưng kể từ khi tìm hiểu về vùng Trung Đông thì tôi mới hiểu ra rằng lịch sử phát triển thiên chúa giáo phức tạp hơn tôi nghĩ rất nhiều. Chính Trung Đông mới là cái nôi của thiên chúa giáo và châu âu chỉ là cái ngọn mà thôi.
Thổ Nhĩ Kỳ do nằm cùng khu vực với Jerusalem nên ngay từ đầu đã được các đệ tử của chúa Jesus chọn làm nơi tuyên truyền đạo. Ngay từ thế kỷ thứ 4 sau công nguyên và đặc biệt là với sự phồn thịnh của đế chế Byzantine từ thế kỷ thứ 5 đến 10 sau công nguyên, cộng đồng thiên chúa giáo ở Cappadocia phát triển rất mạnh mẽ . Đế chế Byzantine thừa hưởng trực tiếp từ nền văn minh Hy Lạp. Vì vậy, hầu hết người dân của đế chế đều theo đạo thiên chúa giáo chính thống (Orthodoxe).
Nhưng tại sao tất cả các tu viện ở đây lại được xây trong hẻm đá ? Có 2 lý do. Thứ nhất, nằm trong hẻm đá thì sẽ tránh thời tiết xấu và không phải mất quá nhiều vật liệu xây dựng. Thứ hai, với mục đích trốn tránh khỏi sự tấn công của người Ảrập, các tu sĩ cho xây ẩn dật trong các núi đá dễ phòng thủ hơn. Việc đào khoét các lỗ hổng trong các khối đá không phải là việc quá khó khăn bởi bề mặt đá có nguồn gốc nham thạch nên khá mềm.
Mặc dù sống trong những điều kiện khó khăn, họ vẫn làm nên những kiệt tác về nghệ thuật vẽ trên tường với những tác phẩm bằng màu nước rất đẹp trên bờ mặt đá. Một điều thú vị ở đây đó là sự tương phản giữa những di tích 100% Châu Âu (văn hóa Hy Lạp và Thiên Chúa giáo) và dân số 100% Thổ Nhĩ Kỳ (văn hóa Trung Đông). Nguồn gốc sâu xa có lẽ bắt nguồn từ vài trăm năm thống trị của đế chế Ottoman theo đạo Hồi. Cộng đồng thiên chúa giáo nói tiếng hy Lạp ở đây lúc đầu là đa số nhưng rồi trở thành thiểu số. Và sau thế chiến thứ nhất, khi mà đất nước Hy Lạp có hiềm khích lớn với Thổ Nhĩ Kỳ thì 100% dân số theo nền văn hóa Hy Lạp ở đây bị đuổi khỏi nước Thổ Nhĩ Kỳ, chấm dứt luốn lịch sử ngàn năm tồn tại của thiên chúa giáo tại Cappadocia.
Tôi là một trong số những du khách may mắn có cơ hội thăm những tu viện này trước khi chúng bị đóng cửa vô thời hạn vào năm 2016. Với lượng du khách du lịch vào thăm quá lớn, các tu viện này có nguy cơ bị xuống cấp và chính phủ Thổ đã quyết định cho đóng cửa khoảng 80-90% địa danh để trùng tu. Ở vùng Cappadocia ngày nay thì có khoảng xấp xỉ 100 tu viện nằm rải rác khắp nơi nhưng Goreme là nơi tập trung nhiều nhất với khoảng chục cái, phần lớn được xây dựng vào thế kỷ 11-12.
Và vì Goreme là nơi dễ đến nên chắc hẳn khách du lịch sẽ ầm ầm đổ bộ đến. Biêt trước được điều đó, tôi đến thăm Goreme Open Air Museum từ rất sớm và nhờ đó, được ưu tiên nán lại thăm mỗi một tu viện nhiều thời gian hơn. Thật vây, vào giờ cao điểm, để hạn chế lượng du khách quá lớn vào thăm, người ta giới hạn chỉ được nán lại trong hang khoảng 3 phút và phải ra ngoài ngay.
ra một phát là gặp ngay một đống khách đang chờ để vào. May mà mình vào sớm nhất |
Cái này thì tôi cũng được biết sơ qua, nghiệp vụ bảo tồn gi sản thôi mà. Nếu như người thăm vào nhiều quá thì lượng hơi thở CO2 sẽ rất lớn và sẽ bám vào gờ đá và đặc biệt là các tác phẩm tranh nước trên tường và sẽ làm giảm tuổi thọ của chúng. Các viện bảo tàng tranh nổi tiếng của Châu Âu cũng đều áp dụng chính sách hạn chế thời gian thăm của du khách theo kiểu này.
Sau một ngày thăm Goreme kiểu cưỡi ngựa xem hoa, những ngày sau đó là những cuộc hành trình hiking vào từng thung lũng xung quanh. Nhưng trước tất cả mọi thứ, tôi đón chào một ngày mới bằng một buổi sáng tuyệt vời. Ngay từ lúc 6-7h sáng, tôi lại leo lên một ngọn đồi cạnh Goreme và ngắm cảnh mặt trời mọc với hàng chục kinh khí cầu bay lên. Một số du khách cũng chịu chơi trả phí rất cao để được đứng trên kinh khí cầu đó ngắm toàn cảnh vùng Cappadocia và tôi có thể mường tượng râ cảm giác sung sướng của họ ở trên đó.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét