Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012



Nhóm thung lũng đầu tiên tôi khám phá chỉ cách Goreme tầm  5-8km đổ lại nhưng chính cái kiểu đường loằng ngoằng nối giữa các thung lũng cộng thêm sự gập ghềnh nên khiến tôi phải mất nhiều giờ đồng hồ mới đi hết được. Chỉ ra khỏi Goreme tầm 4-5km, tôi bắt gặp làng Ushisar, rất dễ nhận ra từ xa với khối đá khổng lồ trông như một pháo đài ở độ cao 1300m. Cũng chính vì thế mà người dân địa phương luôn gọi nó là Ushisar Castle, Ushisar trong tiếng Thổ có nghĩa là « 3 pháo đài ». 

 Nếu nhìn kỹ thì chúng ca có thể mường tượng ra nhiều từ khác để mô tả nó. Có thể là một tổ kiến khổng lồ với muôn vàn các lỗ, hoặc giống như tháp Babel trong truyền thuyết kinh thánh của người do thái. Cấu trúc làng Ushisar, các nhà ở xây xoay quanh pháo đài. Cũng như Goreme, việc tận dụng các khối đá để đục khoét và xây nhà ở không có gì đột phá nhưng tôi thấy khung cảnh ở đây có chút ít gì đó thuần « nông thôn » hơn là Goreme, có lẽ là do không được đầu tư phát triển nhiều như Goreme. 

đi cổng hậu thì phải luồn lách qua những khối đá như thế này và leo lên dốc với độ cao hơn 200m
 Tuy nhiên, do chỉ cách Goreme tầm 4-5km và lại nằm ngay bên cạnh một con đường trải đường nhựa nên các ôtô du lịch rất dễ dàng đến được đây. Vì không muốn chạm trán với họ, tôi quyết định không đi men theo đường rải nhựa mà lại đi đường đồng quê, khó khăn hơn nhưng lại có nhiều cơ hội gặp gỡ người dân địa phương hơn. Trước kia, Ushisar là một đồn canh gác của người La Mã và bây giờ, pháo đài bằng đá được dùng làm nơi du khách trèo lên đỉnh để nắm toàn cảnh thung lũng Cappadocia. 

rời xa Ushisar cũng là lúc rời xa trục đường có nhiều khách du lịch và xâm nhập vào các thung lũng ít người lui tới
 Ra khỏi làng Ushisar chỉ khoảng hơn 1km thì tôi rơi vào một thế giới khác yên tĩnh hơn nhiều. Bắt đầu từ đây, không còn đường rải nhựa nữa vì thế sẽ không còn cơ hội đẻ những đoàn du lịch lười biếng bén mảng đến đây. Chỉ còn lại thiên nhiên hùng vĩ và những du hành gia chịu cam khổ cuốc bộ đến đây. Sau Ushisar là hệ thống các con đường đi hiking. Tuy không được quy hoạch với các biển chỉ dẫn như tại khác khu rừng quốc gia Châu Âu mà tôi đã từng đi, nhưng việc xác định phương hướng cũng không khó khăn lắm. Tôi vốn dĩ đã có sãn một chiếc bản đồ hiking được cung cấp bởi cô chủ nhà hostel ở Goreme, cũng khá là chi tiết. Đi xa hơn Ushisar một chút, tôi rơi vào thung lũng White Valley. 

 Tại sao lại có tên này thì cũng không khó đoán, toàn bộ thung lũng là một màu trắng muốt bao phủ. Nhìn từ xa, các khối đá trông giống như những ụ kem ốc quế đang chảy xuống. Một số người địa phương kể cho tôi rằng thung lũng này đã từng là trường quay cho bộ phim chiến tranh giữa các vì sao. 

 Tôi không có dịp kiểm tra sự xác thực của thông tin này nhưng tôi nghĩ việc chọn nơi này để làm các bộ phim viễn tưởng cũng rất là thích hợp. Cứ nhìn vào các dải đá trắng muốt như thế này thì người ta sẽ cảm giác như được đặt chân đến mặt trăng hay ở hành tinh khác. 

Ngay sát White Valley là một thung lũng nhỏ khác có tên là Love Valley. Không quá khó để đoán được tại sao thung lũng này lại liên quan đến tình yêu vì hình dáng của các cột đá giống như dương vật khổng lồ đang cương lên. Chào mừng bạn đến vùng đất của những dương vật khổng lồ ! Cứ lần theo con đường mòn thì tôi đến được thung lũng Pigeon Valley, thung lũng chim bồ câu. 

người ta khoét hẳn một lỗ to đùng bên trong và để nhiều hạt kê cho chim ăn và chúng tiện thể ỉa luôn trong đó. Người dân thu hồi lại phân chim để sử dụng cho phân bón
 Có tên như vậy vì nơi đây tập trung rất nhiều hẻm đá được khoét lỗ để chim bồ câu ở. Tôi nghĩ chim bồ câu ở vùng Cappadocia là những chú chim hạnh phúc nhất trái đất này vì chúng được nuôi cho ăn và chẳng bào giờ bị làm thịt. Có hai lý do tại sao người dân nơi đây không ăn thịt chim bồ câu. Thứ nhất, người Thổ theo đạo Hồi và trong đạo này thì chim bồ câu là một loài vật linh thiêng. Thứ hai, phân chim bồ câu cực kỳ tốt cho phân bón và nó thực sự là một nguyên liệu hiếm quý ở Cappadocia, một vùng nổi tiếng cằn cỗi. Nhờ phân chim mà người dân địa phương có thể chăm bón nuôi vườn tược. Tôi được biết tại đây, người ta chủ yếu trồng cây dưa hấu, bí ngô, mơ, cà chua và nho 

Hành trình ngày tiếp theo của tôi là xâm nhập vào bộ đôi thung lũng Rose Valley và Red Valley. Người ta đặt cái tên này cũng có lý của nó vì Red Valley có đặc thù là một dải núi đá có bề mặt màu đỏ và đặc biệt là vào thời điểm hoàng hôn dưới ánh nắng mặt trời thì Red Valley lại càng đỏ thắm tuyệt đẹp. Còn Rose Valley có tên như vậy vì sườn dải núi này bị gió và nước biển cách đây hàng triệu năm làm sói mòn dần và tạo ra những hẻm đá có hình thù giống như nụ hoa hồng, nên có tên là rose. 

những cánh hoa hồng bằng đá...
Hai thung thũng này thì cũng chỉ cách Goreme tầm 5km và nhìn thấy rất rõ từ xa. Tuy nhiên, để đến được đó thì lại là vấn đề khác. Không có đường nào dẫn thẳng đến mà tôi phải đi lách qua một thung lũng trung gian có tên là Meskendir. 

thung lũng Red Valley phía xa nhìn từ Meskendir Valley
 Thung lũng này là một quần thể các hẻm núi mà người dân địa phương khoét các lỗ hổng ở độ cao vài chục mét làm nhà ở cách đây vài trăm năm. Ngoài ra, để đi qua được thung lũng này, tôi cũng phải đi qua một số đường hầm tự nhiên. 

 Và khi đi ra khỏi thung lũng Meskendir, tôi dễ dàng tìm thấy một biển chỉ dẫn đường đến thung lũng Rose Valley, sản phẩm của tạo hóa sau 8 triệu năm điêu khắc của gió và nước. Dọc theo  thung lũng này là một loạt các mỏm đá với những hình thù kỳ quặc. Chúng làm tôi liên tưởng đến các hòn đảo hình thù kỳ quái ở vịnh Hạ Long. 

lúc thì trông giống kem ốc quế chảy
lúc thì giống chó sủa
hay là "ngón tay của chúa"
đi qua hẻm đá này là tôi chính thức ra khỏi Rose Valley và đi sang Red Valley, dãy núi gần như chạy song song với Rose Valley
màu ửng hồng của dãy đá chính là nguồn gốc cái tên của Red Valley
Lúc tôi quay trở lại Goreme  thì cũng đã xế chiều. Tôi không quên đi lên một ngọn đồi cạnh đó để ngắm cảnh hoàng hôn và toàn cảnh thung lũng Rose Valley và Red Valley  thật là huyền ảo. Chúng khiến tôi liên tưởng đến quang cảnh miền Tây nước Mỹ với những đại vực Canyon. Tuy nhiên, tại đây không có cao bồi, thổ dân da đỏ mà thay vào đó là nhà thờ hồi giáo và lạc đà .


Red Valley và Rose Valley nhìn từ Goreme lúc 12h
và lúc hoàng hôn 18h30

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến