Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2011

Người ta nói đi du lịch là đi thăm thú những nơi lạ sau tháng  ngày làm việc căng thẳng. Một chuyến du lịch cũng là một lần hưởng thụ và phó thác số phận của mình cho những người tổ chức các tour.

Du lịch còn mang nhiều ý nghĩa khác nữa ngoài chuyện vãng cảnh, thưởng ngoạn, nhấm nháp đặc sản hay tìm tòi nền văn hóa khác lạ nơi đến. Vậy nên người ta phân chia ngọn ngành và so sánh rằng:
.
- Đi tham quan là đi xem tận mắt để học hỏi. Hồi còn bé và hồi không bé nhưng còn nghèo, chúng ta chỉ có thể được đi lại trong những đợt nhà trường, cơ quan tổ chức cho đi tham quan. Địa điểm và giới hạn thời gian luôn được xác định trước. Kiểu như là: tham quan lăng Bác, thành Cổ loa từ sáng đến chiều, hay chùa Hương hai ngày...

Thậm chí, đối với một số người còn được đi tham quan học tập mô hình XYZ ở nước ngoài một vài tháng, nhưng bản chất không khác gì các cháu đi tham quan chùa Một cột. Đặc trưng tiêu biểu nhất là có tổ chức, chi phí thấp, xem tận mắt, sờ tận tay với mục đích để biết, để học hỏi.

- Đi du lịch là đi đến vùng đất khác xem có gì khác lạ nơi mình ở. Thời bao cấp còn khắc khổ: người ta hiếm khi dùng từ du lịch cho bản thân (mặc dù trong từ điển tiếng Việt có hiện hữu từ này) vì nó quá xa xỉ với cuộc sống thời ấy.

Khái niệm du lịch rộng hơn khái niệm tham quan hay có thể hiểu một cách nôm na: du lịch là đi chơi xa kết hợp tham quan ở chỗ mình đến. Đi du lịch có thể theo nhóm, có thể một mình, nhưng khác cơ bản với tham quan là chủ động thời gian, không gian và chi phí, mục đích chỉ để thỏa mãn nhu cầu cá nhân.

- Đi nghỉ là kiếm một chỗ sang trọng và tiện nghi hơn bình thường để chơi bời đàn đúm hay nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Đi nghỉ là bậc cao nhất của du lịch và chỉ phụ thuộc vào túi tiền lẫn nhu cầu bản thân.

Nếu như đi du lịch nước ngoài vẫn phải tuân theo những lịch trình nhất địch của nhà tổ chức thì đi nghỉ có thể ngủ vùi 10 ngày không ra khỏi giường với một cô gái chân dài mét mốt trong một khu nghỉ biển xanh rì với bãi cát trắng phau mà không bị ai làm phiền. Vài năm trở lại đây một số tầng lớp trên của chúng ta đã rời xa khái niệm du lịch và dịch gần về khái niệm đi nghỉ. Điểm dễ nhận thấy của đi nghỉ là tự tổ chức và chi phí rất cao so với đi du lịch đơn thuần.

- Còn  về chuyện Phượt: đây có lẽ đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của lĩnh vực du lịch.

Khi ta đã chán mọi thứ kia, chán sự tiện nghi chăn ấm nệm êm, chán cuộc sống buồn tẻ ra đụng vào chạm, chán cái ngột ngạt của cuộc sống đô thị thì chuyển sang Phượt. Phượt là những chuyến đi hành xác đến những nơi thâm sơn cùng cốc, không định hướng, không xác định thời gian, mục đích lớn nhất mà Phượt đem lại là giải thoát tinh thần bằng cách hoạt động thể xác trong những chuyến đi xa.

Phượt có tác dụng làm mới lại mình, thay đổi không khí và nạp thêm năng lượng để sống. Phượt dành cho tất cả mọi người từ trẻ đến già, từ nam tới nữ... nhưng đặc biệt rất thích hợp với những người sống ở thành phố, nơi áp lực công việc, áp lực cuộc sống cao. Vì vậy về mặt bản chất, nó rất khác với du lịch đơn thuần.

Tản mạn về phượt

Có rất nhiều người hỏi tôi: "Đi Phượt là đi đâu mà mày đam mê thế?" hay một câu hỏi đơn giản hơn "Phượt là gì"? Và sau những câu hỏi đó là những chia sẻ về những chuyến đi của Phượt, những trải nghiệm và những đam mê.

Nhưng dù có kể biết bao nhiêu chuyến đi chăng nữa, tôi vẫn chưa định nghĩa được cái danh từ mơ hồ đó. Phượt.
Vậy thực chất phượt là gì? Và tại sao lại có tên như thế?

Từ “phượt” trước kia không hề có trong bất kỳ từ điển tiếng Việt nào, nhưng đã trở nên phổ biến đến mức tất cả những người ham thích khám phá đều hiểu là “du lịch bụi”. Chữ “phượt” được khai sinh cách đây vài năm, trong tập truyện ngắn Me Tây của nhà văn Doãn Dũng - cũng là một “lão làng” trong giới “phượt”. Sau đó, từ “phượt” trở thành một từ lóng quen thuộc đến nỗi trong các quán cà phê, các giảng đường ĐH, trên đường phố hay các diễn đàn... đều có thể dễ dàng nghe thấy người ta trò chuyện với nhau: “Dạo này rỗi chứ, đi ‘phượt’ không?”.

Theo tôi, phượt chính là những chuyến đi, những chuyến đi bụi và ngẫu hứng, đôi khi không có sẵn lịch trình, đôi khi chẳng biết mình sẽ đi đâu và về đâu, không người dẫn đường, không dịch vụ rườm rà, chỉ đi bằng lòng đam mê và khám phá.

Phượt để giảm stress 

Nếu lấy con số những người trẻ tìm đến cái chết hàng năm để giải thoát bế tắc mà "kể tội" sức ép của cuộc sống hiện đại thì dường như sự tồn tại đang ngày càng khó khăn hơn. Các lớp yoga, các khoa tâm thần ở bệnh viện, các khóa học thiền ... dường như không đủ để kéo người ta ra khỏi vũng lầy của sự chán chường không lý do.

Sự loanh quanh chật hẹp "tới hay lui cũng chừng ấy mặt người" khiến công chức và đám thanh niên mười tám đôi mươi chán ngấy. Họ có nhu cầu tìm đến những vùng đất mới, những nơi thậm chí chưa từng có dấu chân người thành thị. Để thay đổi, để tìm ra những lý do sống, và để thả lỏng con người mình.

Có nhiều tranh cãi xung quanh khái niệm "phượt", một từ ngữ dùng để chỉ các chuyến đi không phải để tham quan, du lịch hay nghỉ dưỡng. "Phượt" là khi người ta chán sự tiện nghi, chán cuộc sống buồn tẻ, chán cái ngột ngạt của cuộc sống đô thị. "Phượt" là những chuyến đi hành xác, không định hướng, mục đích lớn nhất mà "phượt" đem lại là giải thoát tinh thần, làm mới lại mình, thay đổi không khí và nạp thêm năng lượng".

Nếu chiểu theo tiêu chí ấy thì ai cũng có thể tham gia phượt. Nhưng, có điều này không đơn giản : để phượt được các bạn phải có sức khỏe, đam mê khám phá và một phẩm chất dân phượt hay gọi là " lỳ đòn " để có thể dầm mưa dãi nắng trong những địa điểm ít khi có dấu chân người.

Chỉ hình dung sơ sơ, mỗi chuyến phượt một người phải mang tối thiểu một ba lô 6 - 7 kg, bao gồm túi ngủ, ca nhôm, thức ăn , nước uống, dao , thuốc men,... Không phải ai cũng đủ " kiên trì " để đi hết con đường. Thế mà, số nữ giới tham gia " phượt" hiện nay cũng hùng hậu chả kém mày râu. Lạ chưa!

Phượt là những chuyến du lịch bụi bặm

Có nhiều  người ví đi phượt cũng giống như đi bụi vậy, không cầu kì về trang phục, không kén chọn phương tiện, chỉ có bộ đồ phượt cũ mèm, chiếc xe máy cà tàng, một ba lô với vài thứ cần thiết và máy ảnh, chỉ vậy thôi cũng có thể làm chuyến phượt để đời. Đi phượt giống đi bụi, bụi từ phương tiện đến cả ăn uống, ngủ nghỉ. Đối với người đi phượt, không bao giờ có khái niệm sơn hào hải vị hay chăn ấm nệm êm, những giấc ngủ của dân phượt rất đơn giản, đôi khi là cắm trại, đôi khi là phươi sương giữa trời bên đống lửa bập bùng.

Phượt là khám phá và chinh phục

Đi phượt để khám phá. Phượt chạm được đến những cảnh đẹp mà du lịch không đến được, phượt không chừa một cảnh đẹp nào, cho dù đó là những cảnh đẹp hoang sơ và cheo leo. Thường thì người đi phượt là những người có sức khỏe tốt và ý chí vượt qua tất cả. Vì thực sự có những chuyến đi rất khó khăn và nguy hiểm. Dầm mưa, dãi nắng, lội bùn, chạy xe thâu đêm... những điều đó là những trải nghiệm khá thường xuyên của dân phượt.

Phượt là hành xác

Phượt có nghĩa là hành xác. Nếu nói hành xác thì không thể không nhắc đến phượt. Bởi vì đi phượt có phải đi du lịch hay nghỉ dưỡng đâu, để chạm được những cảnh đẹp nơi rừng sâu núi thẳm thì phải chịu cực, chịu gian nan, băng rừng vượt thác là chuyện thường. Nhưng sau những chuyến đi, chẳng ai than một câu, vì hành xác nhưng hành xác cho niềm đam mê và tận hưởng cái đẹp. Nếu có ai đó hỏi tôi: "Đi phượt có khổ không"? Tôi sẽ trả lời "rất, rất khổ, nhưng tôi vẫn cứ đi" bởi vì tôi đi bằng chính nhiệt huyết và đam mê. Những hành động xuất phát từ con tim mình sẽ chẳng bao giờ thấy chán nản.

Đi phượt để tìm lại chính mình

Phượt để khám phá bản thân. Đi phượt, đặc biệt là những chuyến đi mạo hiểm giúp con người phải bộc lộ hết những khả năng tiềm ấn, người đi phượt phải chịu trách nhiệm về sự sinh tồn của mình.

Đó là những lúc khó khăn nhất, buộc bạn phải thực sự dũng cảm và gan góc. Nhiều điều sẽ giúp bạn khám phá ra khả năng của mình mà đôi khi bình thường bạn không biết.

Vậy thì Phượt là gì?

Với những chia sẻ trên có lẽ phần nào giúp bạn hiểu được cái chất của phượt, vậy tại sao lại có tên như thế? Phượt, theo nhiều  người được lấy từ "lượt phượt" ý chỉ sự phong trần nhếch nhác của những tay đi phượt.

Cũng có ý kiến cho rằng, phượt được đọc lái từ "bượt" trong "bượt lượt thượt". Tất cả cũng chỉ để nhấn mạnh cái chất bụi trong những chuyến đi.


Tất nhiên, mỗi người đã đi phượt, họ sẽ có một định nghĩa cho riêng mình, đôi khi một chuyến đi nho nhỏ cũng gọi là phượt, đi lang thang cà phê cũng là phượt.

Tất nhiên tất cả đều đúng, vì phượt không có giới hạn cho riêng mình, phượt là cả một thế giới bao la vô tận và để hiểu hết về nó thực sự là quá khó. Và tất nhiên, tất cả định nghĩa về phượt đều hướng đến cái chất chung và không thể lẫn vào thứ gì khác, phượt là đam mê, khám phá và chinh phục.

Riêng với mình: phượt là một chuyến đi chơi xa được xác định lộ trình trước trên bản đồ - Được điều nghiên trước thời tiết nơi đi, nơi đến và nơi về - Được tham khảo và dự định trước những địa điểm chính chắc chắn sẽ ghé đến và ngắm nghía - được khám phá thêm những nơi không tên, đẹp bất ngờ mà chả mấy ai biết tới...

Một chuyến phượt hoàn hảo nếu mình cảm thấy thỏa lòng, ít tốn kém nhưng thu hoạch cảnh đẹp cùng văn hóa nơi mình đến với số lượng và chất lượng nhiều nhất.

Những ai có thể "phượt"?

Mình nghĩ là tất cả. nếu có ham thích khung cảnh thiên nhiên, muốn tìm hiểu văn hóa các địa phương - biết kiên trì và chịu cực - Lái xe ổn thỏa trên đường dài - có sức khỏe tương đối, có thời gian rỗi rảnh, có tý tiền còm...
Vậy là có thể "phượt" được rồi.
Còn bạn, bạn nghĩ về Phượt ra sao? hãy cùng chia sẻ với tôi và mọi người, bạn nhé.

Định nghĩa từ phượt

Du lịch, GO! Biên tập tổng hợp từ Tiểu Quỷ, TTO và nhiều nguồn khác.

Link to full article

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến