" Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt
WASHINGTON DC (NV) - Bản đồ trên mạng cũng như bản in của National Geographic Society (NGS) sẽ ghi chú quần đảo Hoàng Sa rõ ràng hơn và sẽ dùng cả tên tiếng Việt, theo thông cáo báo chí của hội này mới đưa ra hôm 25 tháng 3.
Ðối với bản đồ có tỷ lệ xích đủ lớn, National Geographic (Hội Ðịa Lý Quốc Gia - NGS) sẽ chú thích quần đảo Hoàng Sa như sau: “Paracel Islands” với phần ghi thêm: “Occupied by China in 1974, which calls them Xisha Qundao; claimed by Vietnam, which calls them Hoàng Sa” - nghĩa là: Trung Quốc chiếm năm 1974, gọi tên Xisha Qundao; Việt Nam khẳng định chủ quyền, gọi tên Hoàng Sa.
Bản thông cáo do Cindy Beidel, tùy viên phân bộ bản đồ của hội NGS gởi cho báo Người Việt có đoạn viết:
“Ủy Ban Chính Sách Bản Ðồ của hội National Geographic Society mới đây họp để thảo luận vụ này chi tiết hơn. Dùng tất cả những thông tin và nghiên cứu tốt nhất có được, Ủy Ban Chính Sách Bản Ðồ muốn có quyết định độc lập về những thay đổi hoặc giải thích trên bản đồ của hội, cũng như để chỉnh sửa lỗi.”
Ngoài việc thay đổi chú thích cho bản đồ có tỷ lệ xích lớn, bản thông cáo cho biết NGS cũng sẽ đổi chú thích cho bản đồ có tỷ lệ xích nhỏ, thay vì ghi “China” (Trung Quốc) như hiện nay thì sẽ không ghi gì cả.
Theo thông cáo của hội NGS, cách chú thích mới sẽ được áp dụng cho những bản in trong tương lai, còn bản trên mạng sẽ được sửa đổi trong thời gian ngắn nhất.
Hội National Geographic hiện có ít nhất là hai bản đồ khác nhau có lời ghi chú khác nhau cho quần đảo Hoàng Sa.
Một là bản đồ thế giới có tỷ lệ xích nhỏ, trong đó quần đảo Hoàng Sa được ghi là “Xisha Qundao (Paracel Is.)” - tức Tây Sa Quần Ðảo theo tiếng Hoa - với hàng chữ đỏ “China” - tức Trung Quốc. Ở những điểm khác trên bản đồ, hàng chữ đỏ đi kèm hải đảo đều ghi nhận chủ quyền của nước có đảo đó.
Một bản đồ khác là bản đồ Châu Á, có tỷ lệ xích lớn hơn, trong đó quần đảo Hoàng Sa cũng được ghi là “Xisha Qundao (Paracel Is.)” và hàng chữ đỏ ghi: “Administered by China (claimed by Vietnam)” - nghĩa là “Do Trung Quốc quản lý (Việt Nam khẳng định chủ quyền).”
Cả việc dùng tên gọi “Xisha Qunda” lẫn việc gán chủ quyền cho Trung Quốc đã khiến người Việt Nam khắp nơi lên tiếng phản đối.
Một bản thỉnh nguyện thư do sáng hội Nguyễn Thái Học Foundation phổ biến trên Internet đã thu thập được hơn 10,100 chữ ký của người Việt Nam khắp thế giới trong và ngoài nước, tính tới ngày 25 tháng 3.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam sau đó cũng lên tiếng “yêu cầu National Geographic sửa lỗi này.”
Bà Beidel cho báo Người Việt biết hội NGS đã đối thoại với nhiều phía, kể cả Nguyễn Thái Học Foundation và Tòa Ðại Sứ Việt Nam tại Washington DC.
Quần đảo Hoàng Sa nằm ở ngoài khơi Ðà Nẵng. Quần đảo này thuộc chủ quyền Việt Nam Cộng Hòa cho tới năm 1974, khi Hải Quân Trung Quốc đánh chiếm và giữ từ đó tới nay. Ít nhất 58 quân nhân Việt Nam Cộng Hòa đã tử thương trong trận hải chiến Hoàng Sa này."
(Nguoi Viet, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=110396&z=1)
Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/9335701
0 nhận xét:
Đăng nhận xét