" 'Ngộ nhận', '‘hiểu sai', sẽ thay đổi ghi chú
WESTMINSTER (NV) - National Geographic Society (NGS) thừa nhận gây “ngộ nhận” và “hiểu sai” khi dùng nhãn “China” gắn với tên “Tây Sa” để nói về quần đảo Hoàng Sa trên bản đồ do tổ chức này phát hành, theo thông cáo báo chí đưa ra hôm Thứ Ba.
Thông cáo báo chí viết, rằng họ “đã duyệt xét lại cẩn thận vấn đề” và công nhận là dùng danh xưng của Trung Quốc, gắn với chữ “China” mà không có thêm giải thích gì thì có thể đưa tới “ngộ nhận và hiểu sai.” Trong tương lai, NGS sẽ xét tới việc ghi chú thích chi tiết hơn, hoặc không ghi chú thích về chủ quyền quần đảo này.
NGS đưa ra thông cáo này vài ngày sau khi có nhiều ý kiến phản đối từ phía Việt Nam, cả trong và ngoài nước. Cụ thể, một bản thỉnh nguyện thư do sáng hội Nguyễn Thái Học Foundation phổ biến trên Internet, cho đến ngày 16 tháng 3, thu thập được hơn 7,800 chữ ký phản đối. Khoảng cùng thời điểm này, Bộ Ngoại Giao Việt Nam lên tiếng, “yêu cầu National Geographic sửa lỗi này.”
Bà Cindy Beidel, tùy viên báo chí cho phân bộ bản đồ hội National Geographic, nói với Người Việt, rằng chính sách vẽ bản đồ (Map Policy) của NGS là dựa trên nguyên tắc “phi chính trị, tham khảo nhiều nguồn xác đáng, và ra quyết định độc lập dựa trên nghiên cứu sâu rộng.”
Nguyên tắc vẽ bản đồ như vậy, NGS viết, là “chủ trương nhất quán và chính xác được duy trì qua suốt lịch sử 122 năm.”
Tổ chức này cũng khẳng định trong văn bản gởi ra, là “không tìm cách giải quyết hay đứng về phía nào trong sự tranh chấp lãnh thổ và danh xưng, mà chỉ theo đuổi quan điểm thực tiễn, là trình bày cho độc giả những phán đoán hợp lý nhất về thực trạng của một hoàn cảnh.”
Theo nghĩa này, quần đảo Hoàng Sa, với tên gọi “đã thành truyền thống” Paracel Islands, “do chính quyền Trung Quốc chiếm giữ và quản lý từ năm 1974, và do đó tổ chức chúng tôi dùng tên Xisha Qundao (quần đảo Tây Sa) làm danh xưng chính.” Chọn danh xưng như vậy là “chính sách về bản đồ” của NGS.
Tuy nhiên, tổ chức NGS cũng khẳng định, là với các bản đồ địa phương và những bản đồ có tỷ lệ xích đủ lớn, họ “công nhận và ghi tên gọi của Việt Nam là Hoàng Sa cũng như tên Paracel Islands, đồng thời có ghi chú là mặc dầu Trung Quốc chiếm đóng và quản trị quần đảo, Việt Nam vẫn đòi hỏi chủ quyền của mình tại đây.”
Bà Cindy Beidel cho báo Người Việt một thí dụ tương tự về cách ghi chú chủ quyền trên bản đồ do NGS ấn hành. Ðó là trường hợp tranh chấp giữa Anh Quốc và Argentina trên quần đảo Falklands (theo cách gọi của người Anh), hay Malvinas (theo cách gọi của Argentina).
“Quần đảo Falklands tức Islas Malvinas,” bà đưa thí dụ. Trong bản đồ lớn, chú thích ghi “Administered by United Kingdom (claimed by Argentina)” nhưng trong bản đồ nhỏ thì viết “United Kingdom” mà thôi.
Bản đồ đang gây tranh cãi là bản đồ thế giới, với tỷ lệ xích nhỏ hơn, do đó, theo NGS, “khó có thể cung cấp đầy đủ thông tin chi tiết về một lãnh thổ nhỏ bé, như Paracel Islands.”
Những tranh cãi hiện nay về bản đồ của NGS cũng có thể khiến tổ chức này thay đổi chính sách ghi chú chủ quyền trong các ấn bản tương lai. NGS nói rằng, trong tương lại, họ “sẽ thêm những lời dẫn giải, hoặc là không ghi danh xưng nào hết,” và “hy vọng rằng điều này sẽ diễn tả được sáng tỏ hơn thực trạng đã trình bày ở những bản đồ khác, đủ chi tiết hơn.”
Trả lời câu hỏi của Người Việt về phản ứng của Bộ Ngoại Giao Việt Nam, bà Beidel nói National Geographic đã có thảo luận với nhiều phía, kể cả Tòa Ðại Sứ Việt Nam."
( Nguoi Viet, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=109930&z=1 )
Mời đọc thêm:
VN yêu cầu National Geographic sửa lỗi trên bản đồ về Hoàng Sa
http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/?id=8894181
National Geographic đang cân nhắc và sẽ trả lời vụ Hoàng Sa - China
http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/8911781
Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/8966711
0 nhận xét:
Đăng nhận xét