Thứ Tư, 14 tháng 12, 2011

Ai ở miền biển, cửa sông chắc đều biết còng gió. Gọi còng gió vì đây là loại còng chạy rất nhanh như... gió. Cho nên đi bắt còng gió nhưng sự thật là phải chạy đuổi cho kịp chúng, có lẽ vậy mà người dân quê tôi quen miệng thốt lên: chạy còng gió.

Con còng gió lớn cỡ ngón tay, con nhỏ cỡ đầu đũa ăn và đủ màu sặc sỡ: đỏ, xanh, trắng, vàng, cam… Vào những lúc triều cường xuống, từng đàn còng gió rời khỏi hang phơi mình trong nắng, nhìn thật vui mắt và ấn tượng, kích thích sự tò mò, thích thú của du khách, đồng thời là niềm cảm hứng của nhiều văn nghệ sĩ mỗi khi đến tham quan bãi biển, rừng ngập mặn, bãi bồi.



Thời kỳ nước ta chưa thoát khỏi nền kinh tế bao cấp, làng chài ven biển quê tôi nghèo lắm. Tiền bán con cá, con tôm không đủ để chi tiêu cho sinh hoạt hàng ngày. Gặp buổi tiết trời biển động, sóng to gió lớn, thức ăn không có gì ngoài mắm rau, con còng gió trở thành món ăn chính trong bữa cơm gia đình.

Còng thường đem kho mặn để lấy nước chấm rau, đem nướng hoặc nấu cháo trừ bữa. Bây giờ đời sống khá lên, có dịp về thăm quê cũ, tôi hiếm thấy dân làng rủ nhau chạy còng gió, có chăng cũng chỉ để cho vui khi giới thiệu với bà con, bạn bè từ phương xa ghé lại thăm chơi.

Còng gió đào hang trên cát, nhát bóng người, ăn các loại phù du trong sóng biển. Trời có trăng, thịt còng gió không ngon. Muốn bắt còng phải chọn những ngày tối trời, thường là từ 25 đến mồng 5 âm lịch hàng tháng. Đuốc đốt sáng bằng rơm bện chặt, tốt nhất là dùng lốp xe đạp hay xe honda, lấy cây buộc chặt cố định một đầu để cầm cho khỏi nóng. Ban đêm còng gió bỏ hang, xuống mép biển kiếm ăn. Nhân thời cơ ấy, người cầm đuốc chạy đuổi theo còng, còn lại từ 5- 10 người chia thành 2 tốp, một chặn đường về hang của còng, một xuống mép biển để đuổi bắt.

Vừa đuổi vừa hét, hô gọi đồng bọn, tiếng cười nói xen lẫn tiếng sóng biển ầm vang nghe thật vui nhộn. Áo quần ai nấy đều ướt vì phải lăn xả bắt còng. Bao giờ đuốc sáng cháy cạn, soi vào thùng thấy còng đã kha khá, có thể dùng đủ bữa tối ngon lành mới thôi không bắt nữa.

Thịt còng gió làm sạch có thể chế biến thành nhiều món ngon. Cho dầu ăn vào chảo, phi hành, đổ còng vào sẽ thành món chiên giòn khoái khẩu. Cứ để thịt còng ráo nước, nhen bếp than hồng, nướng từng con một, mùi thơm bay tỏa kích thích khiến ta khó thể cầm lòng, ấy là món còng nướng mọi.

Nếu cần ăn một lúc nhiều người, còng gió có thể dùng để nấu cháo. Bụng đói, ăn bát cháo còng gió, mồ hôi toát ra dễ chịu, đêm đó ta sẽ dễ dàng ngủ một giấc ngon lành cho đến sáng.

Con còng gió là người bạn thân thích của trẻ em vùng biển hay rừng ngập mặn: Bắt còng gió để vui chơi, đùa nghịch, bắt còng gió để làm mồi giăng câu hoặc đơn giản chỉ là ngắm nhìn chúng cho vui mắt… Và không chỉ là trẻ em mà cả người lớn khi đã xa quê thì ký ức về tuổi thơ không thể thiếu hình ảnh con còng gió bé nhỏ mà thân thương!

Món ngon từ càng còng gió

Để bắt còng gió, bạn nên đi sáng sớm hoặc đầu giờ chiều dọc theo biển Vĩnh Châu, tập trung ở khu vực biển Vĩnh Phước, Vĩnh Tân, thuộc huyện Vĩnh Châu. Chính xác hơn là dọc theo tuyến đê biển vùng đồng muối.

Càng còng gió tươi có thể nấu riêu ăn rất ngon, tôi đã thử và thấy rằng ngọt, thơm và sánh hơn cua đồng. Càng còng gió đã được luộc chín ăn theo kiểu nhấm như hạt hướng dương cũng vẫn thú vị bởi tuy to cở ngón chân cái nhưng vỏ nó mềm, thịt ngọt và chắc, vị hơi mặn và thơm hơn thịt cua biển.

Mỗi chú còng gió có hai càng, nhưng chỉ có những con đực thì sở hữu một cái càng "cái" bự xự cỡ ngón chân cái. Cái càng này chỉ để hù dọa và "lấy le" với đồng loại nhất là mấy cô còng là chính chứ khi gặp con người và tiếng động lớn thì chúng bỏ chạy trối chết và rất nhanh - chui xuống những hang nhỏ, ngóc ngách trên bãi biển. Nếu như bạn có chủ đích kiếm càng còng gió để nhấm nháp thì thật sự là hơi bị hiếm. Vậy tại sao người dân nơi đây có thể bán cho bạn cả lon sữa bò với giá chỉ 1.000 đồng!? Bí quyết là cách thu hoạch "càng".

Để cho một chuyến đi thu hoạch càng, bạn cần chuẩn bị:
- Vài ký thính, được chế bằng cám rang.
- Thịt cá để hơi ươn hoặc tôm tép trộn chung với nhau cho dậy mùi.
- Vài cây chổi chà tre thật lùm sùm nhưng dẻo và không quá cứng, mục đích nhằm không cho còng chết.

Buổi sáng khi biển chuẩn bị ròng (nước xuống) khoảng 3-4 giờ sáng, chọn bãi cát ven biển mà mình đã nêu trên rồi rải thính và nhẹ nhàng đi sang một bãi cát khác để làm công việc tương tự. Sau đó mình quay lại lại bãi biển đã rải thính đầu tiên và theo dõi bằng ngọn đèn pin nhỏ.

Lũ Còng bắt mùi thơm của thính sẽ mò ra bãi ăn mồi. Theo dõi, khi thấy chúng đã ra nhiều, những người "thu hoạch" sẽ nhào ra với chổi Chà Tre và quét lũ Còng trên bãi. Cứ quét qua, quét lại với mục đích cho lũ còng lăn nghiêng, lăn ngửa. Bọn Còng Gió có một thuộc tính là hễ bị động và nguy hiểm thì sẽ buông càng để "bỏ của chạy lấy Còng cho lẹ". Mà cái càng bự là thứ bị bỏ lại trước tiên. Sau trận quét, những người đi thu càng chỉ cần quét gom trên bãi để thu sản phẩm. Nhằm lúc trúng thì phải đựng bằng thúng mới vừa. Cách thu hoạch này hay ở chỗ là bọn Còng Gió không chết mà chỉ bỏ càng, vài bữa sẽ mọc lại để chuẩn bị cho đợt thu hoạch sau.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Vinhlong, báo Datmui, Mientayonline và nhièu nguồn khác

Link to full article

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến