Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011

Cả người bán và người mua đều là người Việt, nhưng toàn bán những món ẩm thực đậm chất Khmer.

Đó là cá trèn khô, sầu đâu đắng, đường thốt nốt, mắm bò hóc, bún num bochóc, bánh lọt, chè thốt nốt…
Gian hàng bà Tư Xê với những đặc sản của mảnh đất chùa Tháp

Đặc sản gây nghiền

Để thưởng thức những đặc sản của người Campuchia, bạn không cần phải đi đâu xa, vì tất cả đều được bày bán bởi những Việt kiều Campuchia trong chợ Lê Hồng Phong, quận 10. Bà Tư Xê - Người có gian hàng lớn nhất bày bán những đặc sản người Khmer kể lại: “Trước kia tôi bán ở chợ Cầu Lầu, Campuchia. Sau tôi về đây và sinh sống ở chợ này. Vậy mà cũng đã hơn 30 năm, giờ đây tóc cũng đã bạc hết rồi”.

Bà Ba - người có gian hàng nhỏ trong chợ nhớ lại: “Ngày trước, mỗi khi đi bán phải qua cầu khỉ bên đường Petrus Ký (Lê Hồng Phong bây giờ), quần xắn tới gối, thế nhưng mọi người buôn bán rất đông, lâu dần họp thành chợ”. Gian hàng bà Tư Xê với đủ các sản phẩm từ khô đến tươi của vùng đất Biển Hồ, đó là khô cá tra, cá trèn sấy khô, mắm bò hóc được làm từ nhiều loại cá khác nhau, chè thốt nốt, đọt sầu đâu đắng, sơxin… đặt biệt là món bún num bochóc.

Ngoài ra, chợ còn nổi tiếng bởi các món: bánh khọt đúc bằng khuôn đất sét, ăn với nước dừa tươi pha nước mắm. Bánh lọt được nấu bằng nước dừa, lá dứa, đường phèn. Cháo đậu ăn với cá linh kèm rau muống luộc… và rất nhiều các thực phẩm người Campuchia.

Để có được những món hàng này, lúc đầu các tiểu thương trong chợ phải lấy hàng tận chợ mới Campuchia, sau này quen mặt tạo được niềm tin mới dám gửi hàng theo xe. Bà Tư Xê bảo: “Giờ già yếu rồi, nhưng để lấy được hàng ngon, mỗi tuần tôi phải lặn lội lên Châu Đốc đôi ba lần, có khi sang tận Campuchia…”. Khách hàng ở đây ngoài người Việt ra còn cả khách du lịch người nước ngoài, bà con Việt kiều về thăm chơi.
Món bún num bochóc chỉ là một món ăn dân dã, tên gọi của nó bắt nguồn từ cách làm bò hóc (một loại mắm được chế biến từ nhiều loại cá) — là món ăn không thể thiếu được của người Campuchia. Bà Ngọc, người bán bún num bochóc hơn 30 năm ở chợ này kể lại: “Người Campuchia ăn bún bochóc như là người Việt ăn cơm, trong lễ chùa, lễ hội đều phải có món bún bochóc để tế lễ…”.

Còn bà Tư Xê khẳng định: “Ngoài khu chợ này ra, ở thành phố này không tìm ra chỗ thứ hai bán món đặc sản này đâu, vì thế ai đến đây cũng muốn ăn thử một lần cho biết…”.Con trai của bà Tư Xê, đầu bếp chính chế biến món đặc sản này cho biết: “Nguyên liệu làm bún num bochóc chỉ là ngải bún, bò hóc, nước lèo, sơxin, sả, muối ớt, cá lóc, rau mùi… nhưng nếu không có bí quyết và ngón nghề gia truyền thì chưa chắc đã nấu được, chứ đừng nói đến nấu ngon”.

Hơn 30 năm mở quán bán món này, bà Tư Xê tự hào khoe: “Sau bao nhiêu năm lăn lộn buôn bán, giờ đây đã có người nói rằng mỗi khi nhắc đến Tư Xê là nhớ ngay đến món num bochóc”. Chị Phụng, một tiểu thương trong chợ cũng là khách ruột của bà Tư Xê ngồi cùng bàn ăn với chúng tôi, cho biết: “Tôi biết bà Tư từ khi ngôi chợ này mới thành lập và cũng trở thành khách ruột món bún num bochóc của bà”. Chị Hằng, bạn chị Phụng còn nói thêm: “Ăn món này cũng giống như ăn sầu riêng, không biết ăn thì thôi chứ ăn được rồi thì ghiền lắm”.

Cảnh cũ nhớ người

Trên con hẻm 374 quẹo vào chợ, tôi may mắn ngồi uống nước chung với một nhóm cụ già. Hỏi ra mới biết, họ là những người đồng đội cũ, mỗi tuần thường xuất hiện đôi ba lần ngồi uống nước đối diện quán bà Tư Xê, có người là Việt kiều Campuchia, có người là cựu chiến binh người Việt.

Bác Út, nhà giáo về hưu bảo rằng: “Một tuần tôi lại đến chợ 2-3 lần, có khi chỉ là đi ngắm chợ cho vui, khi họp bạn bè…”. Bạn bè của bác Út là những ông cụ, bà cụ tuổi ngoài 60, người làm dược sĩ, người buôn bán ở chợ, cũng có người làm viên chức nhà nước đã về hưu. Nhưng tất cả họ đều có điểm chung, đó là mỗi lần đến chợ, nhâm nhi nước thốt nốt chua (một loại rượu của người Khmer) ăn miếng cá trèn sấy khô, nhắp mớ sầu đâu đắng lại nhớ đến người.

Bạn bè của bác Út, phần lớn đều hy sinh bên đất bạn Campuchia trong cuộc tiếp sức chống lại chính quyền Lon Nol. Bác nhớ lại: “Lần đầu tiên bước chân vào đất bạn, xung quanh chỉ là núi, một bữa cơm được gia đình người Campuchia mời, món ăn chỉ là cá trèn sấy khô với đọt sầu đâu đắng mà tôi và những người đồng đội nhớ mãi không quên”.


Bác Giang - Một Việt kiều Campuchia cũng là khách quen của chợ này thì kể lại: Chạy loạn bác về Gia Định sinh sống, thế nhưng những món dân dã của người Khmer đã ngấm vào trong người. Thi thoảng bác vẫn ghé qua chợ này để mua vài tán đường thốt nốt, một ít cá trèn khô và không thể thiếu được những đọt sầu đâu đắng.

Đặc biệt nhà văn Lê Văn Thảo, người có nhiều kỷ niệm với ngôi chợ này tâm sự: “Máu nghệ sĩ mà, về già hay nhớ đến bạn bè, đặt biệt là trong thời loạn lạc chiến tranh. Ngày đó tôi cùng đơn vị của mình bị lạc sang đất bạn Campuchia, trong những ngày đói rét, chúng tôi được hai người Miên thết đãi một bữa no say bởi những đặc sản biển hồ. Đó là nước thốt nốt chua, cá trèn, đọt sầu đâu đắng… Giờ này chỉ biết nhìn chợ để nhớ người”.
 

Theo Đỗ Bút
Petrotimes

Link to full article

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến