(ICTPress) - Càng nói chuyện cô Lê càng say và chúng tôi cứ cuốn hút theo những sáng tạo văn chương, hội họa, kịch bản phim mà tôi cảm nhận thấy trong con người bé nhỏ này một sức sáng tạo có lẽ là “khủng khiếp”.
(ICTPress) - Càng nói chuyện cô Lê càng say và chúng tôi cứ cuốn hút theo những sáng tạo văn chương, hội họa, kịch bản phim mà tôi cảm nhận thấy trong con người bé nhỏ này một sức sáng tạo có lẽ là “khủng khiếp”.
Trong hơn 1 tháng gần đây, tôi có dịp đi Đồ Sơn mấy lần. Trước thời điểm này tôi cũng đã một số lần xuống Đồ Sơn. Hai chuyến gần đây tôi quyết định tìm một chỗ để lang thang và tìm hiểu. Đó là khu nhà có vườn rộng của hai chị em, nhà văn Đoàn Lê và nhà thơ Đoàn Thị Tảo mà tôi đã được xem trên một chương trình vô tuyến khá lâu rồi.
Tìm kiếm trên Google có rất nhiều bài viết về nhà văn Đoàn Lê và ngôi nhà ở Đồ Sơn của nhà văn nhưng tuyệt nhiên không có bài viết nào có địa chỉ. Xuống Đồ Sơn từ lần trước ra đường là hỏi thăm nơi ở của nhà văn Đoàn Lê nhưng những người tôi đã từng gặp từ bác lái taxi, xích lô, người dân địa phương đều lắc đầu không biết. Lần này xuống, ăn học ở khu Bưu điện lại tiếp tục tìm kiếm và hỏi thăm. Tối hôm đầu tiên ở Đồ Sơn trong chuyển đi này tôi cùng hai đồng nghiệp tiếp tục hỏi những người dân địa phương mà chúng tôi gặp nhưng vẫn không có kết quả. Sáng sớm chúng tôi lại lên mạng tìm nhưng vẫn chưa ra một manh mối nào.
Trưa hôm sau, khi đang ăn cơm trưa chúng tôi hỏi một chị ở nhà điều dưỡng và chị ấy cho biết chỉ cách đây 300m. Chị cho biết thêm thỉnh thoảng chị vẫn thấy cô nhà văn đi chợ. Nhanh chóng chúng tôi kết thúc bữa ăn, lang thang đi tìm ngay. Chúng tôi theo chỉ dẫn đi dọc bên phải đường Lý Thánh
Tông được 300m rồi ghé vào một cơ quan lớn có bảo vệ ở cổng và hỏi nhưng vẫn nhận được câu trả lời không biết. Đi xuống nữa hỏi cũng không ai biết. Có đến cả gần 10 người được hỏi vẫn không ai biết. Chúng tôi bấm điện thoại hỏi 1080 Hải Phòng cũng nhận được một câu trả lời chủ nhà không đăng ký nên không biết. Đến lúc đang định quay về thì gặp một bác lớn tuổi, phi xe máy từ trong ngõ 15 Lý Thánh Tông ra, tôi liền hỏi thăm ngay. Tôi nghĩ người lớn tuổi này có thể có thông tin. Hy vọng của tôi được đền đáp. Bác bảo có 3 ngõ có thể vào nhà là 15, 29 và 45 và nói leo lên xe máy chở đến ngõ dễ tìm nhất là ngõ 45. Tôi bảo bạn đồng nghiệp nam lên xe và tôi cùng bạn còn lại theo sau ngay.
Chúng tôi hỏi thăm thêm một nhà nữa trong ngõ 45 và cũng đến được khu nhà của nhà văn Đoàn Lê. Ra đón chúng tôi là em gái nhà văn Đoàn Lê, nhà thơ Đoàn Thị Tảo.
Tôi đăng tấm ảnh bên cạnh đây có số ngõ 29 số nhà 16 hoặc ngõ 45 số nhà 17 để mong rằng những ai có cơ hội xuống Đồ Sơn muốn ghé thăm nhà văn Đoàn Lê và nhà thơ Đoàn Thị Tảo không phải mất nhiều thời gian như chúng tôi đã trải qua.
“Tổ cò” của nhà văn
Tôi bắt đầu biết đến nhà văn Đoàn Lê, không phải qua văn chương hay hội họa, điện ảnh hay với vai trò đạo diễn mà là ngôi nhà được truyền hình giới thiệu cách nay khá lâu. Không gian rộng rãi luôn là niềm mong ước của tôi hay mỗi người dân đô thị. Hơn nữa trong không gian sống có không gian cho làm việc, viết lách, suy ngẫm và thưởng thức.
Tôi cũng đã ngắm nhìn, tìm hiểu không gian sống của nhà văn Đoàn Lê và dự định viết để chia sẻ với bạn đọc. Nhưng khi về nhà đọc phần giới thiệu không gian sống của nhà văn Đoàn Lê của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh ở lời tựa “Đọc truyện ngắn Đoàn Lê” trong cuốn “Đoàn Lê - Tác phẩm chọn lọc” do Nhà Xuất bản Phụ nữ vừa được phát hành trong quý 3/2011 do nhà văn Đoàn Lê tặng chúng tôi, tôi không viết nữa mà trích phần giới thiệu rất đầy đủ gửi đến bạn đọc.
“Tôi nghĩ không gian sống rất ảnh hưởng tới văn chương của con người. Đó là một khu đất chừng 400m2, thuộc thị xã Đồ Sơn, cách biển vài trăm mét, dựa lưng vào quả núi Mẫu, Xóm Núi đó lại gần đường ô tô. Ra khỏi ngõ chừng vài chục mét là đến phố. Có thể nói ngôi nhà Đoàn Lê vừa quê, vừa tỉnh, lại vừa biển.
Căn hộ có hai ngôi nhà A và B. A sát ngõ vào đó là xưởng vẽ và phòng viết của nhà văn. B là nhà khách và nhà ăn, cũng là nơi ở của đứa cháu gái.
Vì đất ở đây thấm nước rất nhanh, không thể đào ao được nên nhà văn xây một cái bể xi măng chừng 20m2, vừa dùng làm ao thả cá vàng, vừa dùng làm chỗ nuôi những con ếch nhái, ễnh ương để chúng hót vang đêm khuya những đêm mưa dầm. Nó cũng là nơi dụ dỗ mấy con chim bói cá thỉnh thoảng bay đến rình bắt những chú cá vàng.
Khu vườn trồng nhiều hoa. Bụi tầm xuân lấp ló bên cửa sổ. Hoa tigôn đỏ ối góc vườn. Rồi mẫu đơn đỏ, mẫu đơn vàng nở rực rỡ. Mẫu đơn trắng thơm kín đáo thỉnh thoảng lại lan tỏa vào bên trong xưởng vẽ. Còn phải kể đến những cây hoa trắng thơm ngát những sớm mai mùa hạ.
Người ta bảo cây rất thân với người. Cây cảm nhận được tình cảm của con người. Cây và người tác động qua lại với nhau.
Ngoài những cây hoa ấy ra, tôi xin kể thêm hai cây đặc biệt. Hai cây này thân gỗ, có bóng mát, cao tới 5 - 6 mét và 7 - 8 mét.”
Những giàn hoa như thế này rất nhiều trong khu vườn "rừng" |
Còn tôi, giây phút ban đầu khi đến khu nhà của nhà văn Đoàn Lê là khi đi qua cổng sau, băng qua nhiều cây bụi ngả nâu và những chùm dây leo lòng thòng đổ thẳng xuống gần mặt đất, bước qua những viên gạch rêu phong, những chiếc lá vàng đã lụi, cảm giác rất là lạ, như không có người chăm sóc. Sau này khi nói chuyện lâu hơn ở nhà B rồi nhà A, tôi bắt đầu xung sướng vì cảm giác như được ngồi dưới một khu rừng nguyên sơ, cây cối mọc um tùm tự nhiên như vốn có, một thế giới hoàn toàn khác chỉ cách đó vài chục mét.
Cô Lê cho chúng tôi biết, cô có bệnh tiểu đường di truyền đã 26 năm nên ngoài việc cần một không gian sống cho làm việc, cô cần một không gian cho sức khỏe, không khí biển và thức ăn hải sản là rất phù hợp nên cô đã chọn thị xã biển Đồ Sơn. Hơn nữa, khu nhà cô xây là theo mong muốn của mình, không ngăn buồng và để rộng. Đây cũng là không gian chủ nhà dành cho bạn bè viếng thăm, có nơi rộng có chỗ cho ăn đêm và ngủ lại.
Khu nhà nằm dưới những tán cây trong nắng trưa |
Không gian làm việc của cô là khu nhà A làm chúng tôi mê mẩn với những bức tranh thiếu nữ nude với hoa sen, hoa quỳnh, tigôn… và rất nhiều bức từ chính khu vườn “rừng” và cổng nhà. Đó là bức tranh “Nắng” được lấy làm bìa cho cuốn tiểu thuyết “Tiền định”, “Hoa bèo”, “Cổng hoa, “Sân trưa”…
Tiểu thuyết “Tiền định” hay là hình ảnh của chính nhà văn với ảnh bìa lấy từ bức tranh “Nắng” do nhà văn vẽ |
Trò chuyện ban trưa về những sáng tạo không ngừng
Chúng tôi đến nhà cô vào đúng buổi giữa trưa, chẳng hiểu vì sao và có lý do gì thôi thúc. Cũng có thể đã nhiều thời gian tìm kiếm mà chưa gặp nên tôi vẫn cố nốt thời gian ít ỏi còn lại ở Đồ Sơn. Đón chúng tôi ở cổng là cô Tảo, em cô Lê (tác giả bài thơ “Cho một ngày sinh”, ca từ cho bài hát “Chị tôi”. “Chị tôi” chính là nhà văn Đoàn Lê). Chúng tôi đi vào ngôi nhà B trước, cô Tảo gọi cô Lê ra trò chuyện cùng chúng tôi. Câu chuyện giữa cô Lê và chúng tôi nhanh chóng đề cập đến các sáng tác trong ngôi nhà với những tia nắng vàng cuối thu nhảy nhót, rọi thẳng vào phòng khách một cách duyên dáng. Cô Tảo mời chúng tôi uống nước và gọt cam ăn nhưng cả cô Lê và chúng tôi đã quên mất cả điều đó và thời gian.
Càng nói chuyện cô Lê càng say và chúng tôi cứ cuốn hút theo những sáng tạo văn chương, hội họa, kịch bản phim mà tôi cảm nhận thấy trong con người bé nhỏ, còn đang hơi chút mệt trong mấy ngày gần đây một sức sáng tạo có lẽ là “khủng khiếp”.
Cô cho biết cô vừa hoàn thành xong một kịch bản phim về đề tài người mẹ Bác Hồ dài 3 tập. Hiện nay, kịch bản đang chờ kinh phí để thực hiện. Được biết kịch bản đầu tiên của cô là tác phẩm “Làng Vũ Đại ngày ấy”. Thành công của bộ phim này như các bạn đã biết là rất thành công. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đánh giá “Đó là bộ phim hay về Nam Cao”, “kịch bản tốt tạo điều kiện cho đạo diễn thành công”. Nhà văn Đoàn Lê đã viết nhiều kịch bản, đạo diễn nhiều phim được chú ý như “Bình minh xôn xao”, “Người về”, “Người cầu may”, “Vua Minh Mạng”...
Nói đến dự định hội họa, cô Lê cho biết sẽ làm một cuộc triển lãm vào dịp ngày quốc tế phụ nữ sang năm. Cô cũng đã có kế hoạch thử sức ở một đề tài, hướng vẽ mới và dự định phải có khoảng 10 bức tranh mới để triển lãm. Nhưng những tháng cuối năm này, nhà văn cho biết sẽ dành trọn thời gian để hoàn thành 1 cuốn tiểu thuyết mới, một số truyện ngắn và các bài viết cho các báo Tết đã “đặt hàng” và “giục giã” nhà văn.
Cô còn cho chúng tôi biết cô còn rất nhiều dự định văn chương mà phải viết nhanh, viết ngay vì không còn nhiều thời gian. Càng nghe những dự định của cô, tôi càng thấy “choáng” vì sức làm việc và tính thời đại của nhà văn U70. Đọc ngốn ngấu tập truyện ngắn nhà văn tặng chúng tôi trong tối qua và chút sáng nay để biết hơn về cô, tôi càng nhận thấy nhận thấy điều này. Những truyện ngắn của cô liên tục xuất bản và mang tính thời sự như “Hợp đồng đã thanh lý”, “Nhân bản”, “Xóm chùa thời ung thư”, “A Tourisme xóm chùa”, “Thành hoàng làng xổ số”... không giống như cái vẻ bề ngoài yếu đuối và đã lớn tuổi của cô.
Tạp chí nghiệp đoàn xuất bản về Tuyển tập Đoàn Lê xuất bản ở Mỹ đã khẳng định “… Đoàn Lê được ghi nhận ở phong cách đa dạng và sức sáng tạo tươi mới”. Nhà văn Hồ Anh Thái thì nhận xét “… Đoàn Lê U70 lại viết như U30”.
Khi được hỏi hội họa và nghề viết bổ sung cho nhau như thế nào? Cô cho biết nghề viết, viết văn, kịch bản, thơ viết ra đã có sự kiểm duyệt của chính mình và nhiều không đủ diễn tả mọi xúc cảm. Niềm đam mê hội họa giải phóng những thôi thúc khi không viết được. Những cảm xúc, những vẻ đẹp không thể diễn tả thành lời thì tôi tìm đến hội họa. Nhờ tranh mà những truyện ngắn hay kịch bản phim của tôi cũng có bố cục chặt chẽ hơn và nhiều người nhận ra sự cân đối, hài hòa.
Ngôi nhà A là xưởng vẽ và phòng viết của nhà văn |
Cô và chúng tôi còn lan man nhiều chuyện, nhưng càng nói về sự sáng tạo, Cô dường như càng khỏe lên, ánh mắt và gương mặt bừng sáng. Nếu Cô không mệt, chúng tôi còn trò chuyện thêm chắc chả biết dừng.
Chia tay nhà văn dưới dàn hoa tím |
Ngồi càng lâu trong không gian sáng tạo ấy và lúc ra về ngắm dàn hoa tím ở cổng chính, tôi lại cảm nhận thêm sự nhẹ nhàng, tinh tế từ người phụ nữ đa tài và ngôi nhà tạo nên các tác phẩm sáng tạo.
Linh@
Link to full article
0 nhận xét:
Đăng nhận xét