Điểm đến du lịch nào mà chẳng có mặt trái của nó. Đằng sau nét lãng mạn của khu phố cổ Hà Nội chẳng phải là những khu ổ chuột ở mạn Phúc Xá hay gầm cầu Long Biên đó sao? Sau vài ngày tận hưởng sự thăng hoa trong khu phố cổ của Cairo, tôi muốn tìm hiểu rõ hơn cuộc sống thật của người dân địa phương hay chính xác hơn, cuộc sống nghèo đói của họ.
Nằm không xa pháo đài Salah El Din là một khu phố ổ chuột khổng lồ có biệt danh là “thị trấn chết”, tên như vậy vì đây vốn là một khu nghĩa địa rộng lớn mà người dân địa phương định cư ngay trong đó. Đặt chân đến đây, tôi có cảm giác đang sống lại những giây phút hồi hộp khi xem một bộ phim kinh dị, kiểu “evil dead” hay là “resident evil”, “walking dead”, hay clip “thriller” của Michael Jackson. Do bùng nổ dân số ở thủ đô và sự thiếu quan tâm của chính quyền địa phương đến trợ cấp nhà ở, nhiều gia đình phải chuyển đến sống cạnh bãi tham ma. Hàng năm, có đến 250.000 người từ bỏ nông thôn chuyển lên khu này sinh sống với hy vọng sẽ tìm được cuộc sống khá khẩm hơn. Trước khi tôi đặt chân đến đây, tôi tưởng rằng tôi sẽ không được chào đón nồng nhiệt bởi người bản địa.Nhưng thực tế lại khác, tôi nhận được những tiếng cười hồn nhiên của những đứa trẻ chơi bóng trong khu nghĩa địa, những người phụ nữ đang phơi quần áo bên cạnh bia mộ bằng đá…tôi thậm chí còn được một chủ quán trà mời ngồi uống với ông ta và ông ta tuôn một tràng tiếng ảrập mà tôi chẳng hiểu mô tê gì…nhưng tôi cũng đoán là ông ta hiếu khách nên mới mời người lạ như vậy.
Nhà ở trong mồ mả cho thuê!!
Đừng tưởng ở trong bãi tham ma thì điều kiện sống sẽ thiếu thốn. Nằm xa những tưởng tượng của tôi, khu phố này thậm chí còn an toàn hơn những khu phố khác trong khu phố cổ Cairo. Trong khi các tòa nhà của Cairo hiện đại có khuynh hướng mọc ngày càng cao hơn, các ngôi nhà ở đây không cao quá 1 tầng.
Khi nghĩ tới việc ở cạnh nghĩa địa, tôi hay liên tưởng đến khu phố nghĩa trang Văn Điển, nhưng những điều kiện vệ sinh ở đây lại rất tốt thậm chí còn tốt hơn những khu ổ chuột khác ở thủ đô. Người dân địa phương bảo tôi rằng phần lớn các ngôi nhà ở đây được cung cấp điện và nước. 80% hộ dân cư sở hữu một ngôi nhà cho riêng mình và có toalét bên trong. Đáng ngạc nhiên là tivi có ở mọi nơi và ăng ten chảo parabol không phải là hiếm. Và ngạc nhiên hơn nữa là sự tổ chức rất quy củ của cả khu đô thị : mỗi một khoảnh nghĩa trang được tổ chức như là một khu phố riêng , có người bảo vệ và có “bảo kê” đi thu tiền sử dụng đất hàng tháng. Muốn sống cạnh một ngôi mộ ở đây, người ở phải có những thống nhất cụ thế với gia đình người quá cố của phần mộ đó. Người ở thì đóng cho gia đình chủ phần mộ một ít tiền và họ củng đảm bảo rằng phần mộ cũng có ai đó trông coi tránh khỏi trộm cắp.
Người chết “chuyển nhà” thì người sống phải khăn gói.
Dù muốn hay không, những người sống ở thị trấn chết sẽ đều phải ra đi. Từ năm 2001, chính quyền địa phương đã có kế hoạch di chuyển toàn bộ các phần mộ ở đây để xây lại một khu công viên công cộng. Tổng cộng, sẽ có khoảng 110.000 phần mộ sẽ được chuyển đến khu phố mới, cách nội thành Cairo khoảng hơn 10km.
Kế hoạch này rất tốn kém và cúng dấy lên không ít những ý kiến trái chiều. Vậy thì những người sống ở đó thì sẽ thế nào? Đẩy họ đi đâu? …Tôi không tin rằng chế độ đãi ngộ của chính phủ dành cho các hộ gia đình ở đây sẽ làm vừa lòng tất cả. Sống ở nghĩa địa chí ít thì tiền thuê nhà rẻ (chỉ có 6usd/tháng) và có điện nước. Chuyển đến các căn hộ do chính phủ cấp thì sẽ phải trả 200 usd/tháng và thậm chí ở đó còn chẳng có điện nước. Thế thì sống kiểu gì? Và còn một điều nữa, những chủ đầu tư đang cho trang thiết bị công trường đến phá mộ để di chuyển đi. Sự ầm ĩ của công trường có ảnh hưởng rất lớn đến sự yên bình của khu phố và đặc biệt là sự an nghỉ của những người quá cố dưới mặt đất. Làm thế liệu có gì đó không đúng với lương tâm ?
0 nhận xét:
Đăng nhận xét