Về mặt giá trị lịch sử và văn hóa, tôi thấy tu viện Batalha tương đương với Điện Biên Phủ của Việt Nam. Vào thời trung cổ, người Bồ Đào Nha hay bị người láng giềng Tây Ban Nha xâm lăng và sau một trận chiến khốc liệt năm 1385, người Tây Ban Nha đại bại và phải rút quân. Nhờ thế, nước Bồ Đào Nhà giữ được độc lập trong vòng hơn 100 năm. Và cũng sau trận đánh đó, quốc gia Bồ Đào Nha chính thức tồn tại trên bản đồ chính trị Châu Âu.
Để cảm ơn sự phù hộ của ông trời và tưởng nhớ chiến công này, vua Bồ Đào Nha cho xây tu viện Santa Maria dela Victoria ngay trên địa danh mà họ đánh bại quân thù. Tu viện hay được người địa phương gọi bằng cái tên Batalha nhiều hơn. Batalha trong tiếng Bồ Đào Nha có nghĩa là « trận đánh lớn ».
Tu viện được xây theo dòng kiến trúc gô-tích nhưng cách bài trí họa tiết lại rất độc đáo và chỉ tồn tại ở Bồ Đào Nhà dưới thời vua Manuel. Chính vì thế, trong những cuốn sách viết về nghệ thuật kiến trúc Châu Âu, các chuyên gia đều thống nhất ban tặng cho dòng kiến trúc gô-tích Bồ Đào Nha cái tên « kiểu kiến trúc Manuel ». Đặc điểm của nó là những nét điêu khắc cực kỳ chi tiết và khó trên bề mặt đá granit. Những chủ đề trạm khắc trên đá chủ yếu liên quan đến những quái vật hay truyền thuyết đại dương. Cũng đúng thôi, vào thế kỷ XV Bồ Đào Nha là cường quốc thế giới về đường biển. Họ là những người tiên phong trong việc khám phá thế giới và được nối tiếp bởi hàng loạt truyền nhân sau đó như Christophe Columbus.
Phải mất hơn 200 năm người ta mới xây xong công trình kiến trúc này. Lâu như vậy cũng phải thôi vì ngoài kích cỡ khá đồ sộ, thợ xây còn phải lọ mọ đẽo ghọt từng milimét để hoàn thành các tác phẩm trạm trổ trên các bề mặt đá granit.
Các cột đá không được thiết kế thẳng đững như những công trình kiến trúc gô –tích phổ thông. Phần lớn đều có hình dáng uốn éo giống như những con quái vật đại dương. Khi bước chân vào đây, tôi như có cảm giác đi giữa lòng thủy cung, một thế giới trong bộ phim viễn tưởng.
Ngoài vai trò là một tu viện, Batalha còn là lăng mộ hoàng gia. Tất cả hoàng tộc ngự trị vào thế kỷ XV đều được cho an nghỉ ở đây. Điểm đặc biệt của quần thể lăng mộ này là chỉ có phần tường hình bát lăng được hoàn thành trong khi phần nóc chưa được xây. Lý do là vì khi công trình còn đang dở rang, hoàng gia Bồ Đào Nha không thích xây lăng mộ ở đây nữa mà lại chuyển đến thủ đô Lisbon. Tôi thực sự ấn tượng với các họa tiết điêu khắc trên tường, mang rất nhiều nét tương đồng với lối nghệ thuật trạm khắc ảrập hoặc ở Ấn Độ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét