Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012


Andalusia, một cái tên lừng danh ở Châu Âu bởi quá khứ đầy biến động của nó. Đây là điểm gặp nhau giữa Thiên Chúa giáo và đạo Hồi, nơi của những thù địch nhưng cũng là nơi của sự kết hợp hài hòa. Tôi chỉ thực sự biết đến vùng này khi trải qua khóa học về lịch sử tôn giáo và đặc biệt là giai đoạn lịch sử Reconquista , khi mà quân đội hoàng gia Tây Ban Nha theo đạo Thiên Chúa giáo dần chiếm thế thượng phong và thôn tính toàn bộ các vương quốc đạo Hồi ở miền nam, nay là vùng Andalusia. Hai tuần phiêu du trên vùng đất nóng hơn 40 độ mùa hè đã giúp tôi hiểu được nhiều điều thú vị tại một trong những cái nôi của nền văn hóa Tây Ban Nha hiện đại. Chẳng phải điệu flamencosinh ra ở đấy đó sao ? Chẳng phải những chiến dĩ đấu bò tót corrida huyền thoại cũng sinh ra ở đây đó sao ? Và cũng tại đây, tôi được nghe danh đến dòng nghệ thuật kiến trúc mudejar, một sự kết hợp tuyệt hảo giữa dòng gô-tích Thiên Chúa giáo và các họa tiết đạo Hồi

Một chút lịch sử
Cái tên Andalusia bắt nguồn từ Vandalusia, « vùng đất của người Vandal », một trong số rất nhiều dân tộc xuất hiện vào thế kỷ thứ V sau khi đế chế La Mã sụp đổ. Người Vandal cũng không sống được ở miền nam Tây Ban Nha lâu dài vì ngay vào thế kỷ VIII, người ảrập từ Trung Đông xa xôi tiến hành một cuộc chinh phạt chưa từng thấy trong lịch sử. Họ đi từ Ai Cập, xâm chiếm tất cả các quốc gia Bắc Phi rồi tiến lên miền nam Tây Ban Nha và làm mưa làm gió tại quốc gia này trong vòng vài trăm năm. Phải đợi đến thế kỷ XI, với sự bảo hộ của các quốc gia Châu Âu khác (Pháp, Ý, Đức), người Tây Ban Nha dần dần hùng mạnh và tiến hành một cuộc trinh phạt nhằm đòi lại những vùng đất bị người ảrập chiếm. Cuộc trinh phạt đó kéo dài hơn 300 năm đến tận thế kỷ XV và được gán cái tên là Reconquista, trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là « xâm chiếm lại ». Các tiểu vương quốc ảrập tại Tây Ban Nha thất thủ và bị thôn tính từng vùng một, duy nhất chỉ có vương quốc Hồi giáo ở vùng Andalusia là cứng đầu hơn cả. Họ chiến đấu rất kiên cường và nhiều khi khiến quân đội Tây Ban Nha chùn chân. Chiến tranh diễn ra kiểu vòng vo tam quốc và phải đợi đến năm 1492 thì toàn bộ người ảrập mới bị đuổi khỏi lãnh thổ Tây Ban Nha. 

Trận đại chiến năm 1492 đánh dấu chấm hết cho sự tồn tại của người Hồi giáo trên đất Tây Ban Nha trong vòng hơn 700 năm
 Tất nhiên, người ảrập bị đuổi nhưng những công trình kiến trúc Hồi giáo vẫn còn đó và nhiều người dân vẫn còn theo phong tục tập quán đạo Hồi. Hoàng gia Tây Ban Nha đã tiến hành công cuộc « diệt cỏ tận gốc ». Họ cho phá hủy rất nhiều di sản Hồi giáo và bắt người dân chuyển sang đạo Thiên chúa. Nhưng người Tây Ban Nha rất khôn, họ tiếp thu những tinh hoa của nghệ thuật Hồi giáo và quyết định chiêu nạp những nghệ nhân tinh tú nhất thời bấy giờ để chế biến ra dòng kiến trúc mới gọi là Mudejar

Dòng kiến trúc Mudejar đặc trưng với nghệ thuật điêu khắc rất tỉ mỉ trên bề mặt các bức tường và cột. Người ta có cảm giác như nghệ nhân đẽo gọt bằng kéo trên từng milimét đá
Từ này trong tiếng Tây Ban Nha ám chỉ những nghệ nhân vốn dĩ theo đạo Hồi nhưng được hoàng gia trọng dụng nên chuyển sang đạo Thiên Chúa và phục vụ tận tình cho triều đình.

Di sản kiến trúc Âu-Hồi
Dưới thời các vương quốc ảrập, vùng Andalusia hoàn toàn mang đậm phong cách sống Trung Đông. Các vị vua chúa cho xây lên các công trình kiến trúc tráng lệ và vẫn còn tồn tại đến ngày nay để rồi trở thành những địa danh thu hút hàng triệu du khách năm châu. 

 Cung điện Alhambra của Granada là biểu tượng của sự kết hợp hài hòa giữa Thiên chúa giáo và Hồi giáo trong lối kiến trúc. Đây là minh chứng hùng hồn nhất cho cho sự tồn tại của người ảrập trên đất Tây Ban Nha trong vòng hơn 700 năm. 

 Nhưng cuối cùng, họ cũng phải cuốn gói ra đi khi thành Granada thất thủ trước quân đội hoàng gia Tây Ban Nha vào năm 1492. Rất nhiều công trình kiến trúc Hồi giáo bị phá hủy nhưng Alhambra đã tồn tại một cách phi thường 

 Sevilla, nổi bật với quảng trường Plaza de Espana, khánh thành nhân dịp triển lãm quốc tế năm 1929. 

Văn hóa phương đông có nhiều ảnh hưởng đến nét kiến trúc vùng Andalusia. Ở đây là việc sử dụng chất liệu sành sứ, và quê hương của nó đến từ Trung Quốc. Vào thế kỷ XVI, Tây Ban Nha là một đế chế toàn cầu và có nhiều trao đổi thương mại với nhà Minh thời bấy giờ và không khó để hiểu ra rằng hoàng gia Tây Ban Nha ưa chuộng lối hoa văn sặc sỡ trên các tấm bình phong.
 Tháp Giralda, biểu tượng của mối quan hệ phức tạp của hai đạo láng giềng Thiên chúa và Hồi. Dưới sự ngự trị của người ảrập, Giralda là tháp chuông của một nhà thờ Hồi giáo. Nhưng khi toàn bộ vùng Andalusia rơi vào tay người Tây Ban Nha, tháp bị chuyển thành tháp chuông của nhà thờ Thiên chúa giáo. Người Tây Ban Nha muốn rằng tôn giáo của họ phải áp đảo Hồi giáo nên cho xây rất nhiều công trình kiến trúc ngay trên nền móng của nhiều công trình Hồi giáo như một sự trả thù ngọt ngào.

 Nhà thờ Cordoba là biểu tượng chiến thắng của Thiên chúa giáo trước người ả rập. Dưới thời các tiểu vương quốc hồi giáo, đây là nhà thờ hồi giáo lớn nhất Châu Âu. Nhưng khi người Tây Ban Nha xâm chiếm lại vùng Andalusia, một phần công trình kiến trúc bị thay đổi để rồi bị chuyển hóa thành một nhà thờ thiên chúa giáo. 

 Người Tây Ban Nha vẫn thường gọi nhà thờ Cordoba với cái tên trìu mến là Mezquita. Tuy rằng có vai trò là một nhà thờ thiên chúa giáo, công trình kiến trúc này vẫn giữ nguyên vẻ bề ngoài đậm chất ảrập. Ví dụ như bức tường này là đặc trưng của kiểu kiến trúc hồi giáo. Tường hầu như kín bít không có mấy cửa vào. Người xem bị ấn tượng ngay bởi các họa tiết cực kỳ chi li trên từng bề mặt đá. 

Cổng vào có dáng hình vó ngựa là nét kiến trúc đặc trưng của người ả rập. Có thể tìm thấy những cánh cửa như thế này tại các quốc gia hồi giáo như Marốc, Syria hay Ai Cập
 Các « pueblos blancos»
Vùng Andalusia nổi tiếng là một vùng có khí hậu rất khắc nghiệt bởi sự hiện diện của nhiều dải núi như Sierra Nevada và Sierra Morena. Xưa kia, những dải núi này la biên giới tự nhiên giữa hai chiến tuyến : một bên sườn núi là các vương quốc Hồi giáo và bên kia là quân đội hoàng gia Tây Ban Nha theo Thiên Chúa giáo. 

 Nhằm tránh sự tác động của chiến tranh, người dân địa phương đã di tản và sinh sống ở sườn núi, một địa thế khá hiểm trở. Các ngôi nhà được xây dọc theo sườn đồi và sơn màu trắng muốt để tránh cái nóng khủng khiếp mùa hè, vì thế người ta mới gọi là pueblos blancos, trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là « ngôi làng trắng ». 

 Arcos de la Frontera là một trong những pueblos blancos nổi tiếng nhất vùng Andalusia. Cũng giống như phần lớn các ngôi làng cùng kiểu, đây vốn dĩ là vùng đất của người Hồi giáo trong vòng vài trăm năm và có cái tên ảrập là Medina Arkosch. Khi thất thủ trước người Tây Ban Nha, ngôi làng được chuyển tên Arcos de la Frontera.

 Ngôi làng trông từ xa thì có vẻ nhỏ nhưng khi tiếp cận, ta có cảm giác như lạc vào mê cung các nẻo đường nhỏ ngoằn ngoèo với những bức tường sơn trắng muốt. Mục đính xây các nẻo đường như vậy là để quân xâm lược bị lạc đường và nhờ đó người dân có thêm thời gian để tìm chỗ ẩn náu. 


Zahara de la Sierra là ví dụ điển hình nhất cho cuộc sống làng mạc vùng Andalusia trong thời chiến Âu-Hồi. Với mục đích bảo vệ lãnh thổ, các vị vua Hồi giáo cho xây dựng một loạt các pháo đài kiên cố dọc biên giới. Để có được sự chuẩn bị tốt về mặt hậu cần, làng mạc mọc lên xung quanh pháo đài để tiếp tế lương thực. 

  Cũng được xây trên một địa thế hiểm trở nhưng Ronda hơi khác một chút so với các làng mạc khác. Thay vì xây trên sườn đồi, làng Ronda được xây trên đỉnh một mỏm núi. Trước kia, để đến được ngôi làng là phải thả dây xuống và lên từng người một chứ không có cầu đường gì hết. Thế nên trong vòng vài trăm năm, Ronda chưa bao giờ bị quân đội Tây Ban Nha động đến. 



0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến