Đâu là biểu tượng của Venise ? Hiển nhiên là các con đò mang tên gondola rồi. Khi các bạn đến thành phố này chắc chắn sẽ nhìn thấy những con đò dài màu đen với thân hình uốn lượn.
Để có được dáng vẻ ngày hôm nay, gondola đã trải qua vài trăm năm tiến hóa và lịch sử của nó gắn liền với lịch sử của thành phố Venise. Theo sổ sách ghi lại, cái tên gondola được nhắc đến lần đầu tiên vào thế kỷ 11. Tuy nhiên, không có bất cứ tài liệu nào ghi chép lại dáng vẻ thủy tổ của nó. Phải đợi đến thế kỷ 16, với sự xuất hiện của những bức vẽ phác thảo sơ bộ bằng bút chì thì người ta mới có những dáng vẻ cụ thể, cho phép các nhà sử học có thể mường tượng ra hình thù của nó cách đây 400 năm như thế nào. Kết quả ? Dáng vẻ hồi ấy rất khác bây giờ, duy chỉ có màu đen của thân đò là không thay đổi. Gondola thời bấy giờ trông chẳng khác gì một con tàu chở hàng tầm thường.
Phải đợi đến thế kỷ 17, dáng vẻ của nó mới tiến hóa hơn và khá giống bây giờ, do gondola chuyển hóa thành loại thuyền cao cấp, chuyên chỉ chở người thuộc dòng quý tộc. Các gia đình giàu có của Venise vì mắc bệnh sĩ diện nên đầu tư rất nhiều tiền bạc vào việc trang trí gondola của mình thật đẹp để làm sao thể hiện sự giàu có hơn những gia đình đối thủ. Sự leo thang về mức độ xa xỉ của các gondola khiến cho chính phủ vương quốc Venise chướng tai gai mắt và quyết định đưa ra điều luật đồng phục hóa tất cả các gondola và người lái chèo. Kể từ đó, màu đen của thân thuyền trở thành màu duy nhất áp dụng cho gondola.
Công nghệ đóng gondola không có nhiều thay đổi từ thế kỷ 15 . Phải mất khoảng 3 tháng để lắp ráp 280 mảnh phụ tùng để tạo ra một gondola hoàn chỉnh. Ngày nay, giá thành một gondola thậm chí còn đắt hơn một chiếc ferrari nên tất cả các gondola chạy ở Venise đều là dạng cho thuê. Vào dịp cao điểm, các tay chèo lái đầu tư rất nhiều thời gian vào việc bảo quản gondola của họ. Cũng phải thôi, họ cũng phải thuê chạy gondola giống thuê lái xe taxi. Nhỡ xước một cái thì vỡ mồm. Sau khi hết dịp cao điểm rồi thì các gondola được đưa trở về xưởng sản xuất để được đại trùng tu.
Xưa kia, gondola chỉ dành cho giới quý tộc Venise. Còn ngày nay, 100% gondola dành cho khách du lịch. Và giá thì cao ngất ngưởng : 80 euros cho 40mn. Các tạp chí du và cẩm nang du lịch hay khuyến khích du khách khám phá Venise bằng gondola với lý do là họ có thể đi qua những điểm mà người đi bộ không thế nhìn thấy được. Có thể đó là sự thực nhưng tôi tự hỏi liệu với khoảng chi 1 tiếng ngồi trên cái thuyền bé tí tẹo đó thì làm sao mà xem đủ. Đã thế, ngồi trên thuyền chỉ toàn du khách nước ngoài ngồi với nhau nên tôi không thích. Đấy là còn chưa tính đến thời gian bạn phải xếp hàng để chờ một chiếc gondola, đặc biệt là vào dịp cao điểm. Việc đứng vêu trong vòng 30mn trở lên là điều thường xuyên xảy ra. Nhưng mà thôi, tôi cũng đi một lần cho biết.
Tôi nhận thấy rằng thời điểm đi gondola tốt nhất là vào buổi sáng sớm. Lúc ấy, bọn khách du lịch lười biếng còn đang ngủ hoặc đang ăn sáng nên đường xá ở Venise rất vắng và chắc chắn là các gondola cũng ngồi vêu chờ khách. Vì thế, khả năng mặc cả down giá rất lớn. Còn nếu chẳng may dùng gondola sau 9h sáng thì thôi rồi, đúng là cực hình. Nó cũng giống như việc bọn Tây ba lô đi xích lô ở Hà Nội lúc giờ cao điểm vậy.
Dù sao thì cái lần mà tôi đi cũng khá là thú vị. Các tay lái thuyền gondola luôn chủ ý hát các bài hát dân ca Ý để tôn cái vẻ truyền thống cũng như trải nghiệm của du khách trong 40 phút. Trong chuyến thuyền mà tôi đi có 4 du khách khác nữa (Anh, Pháp, Mỹ), nhưng tôi là người duy nhất biết tiếng Ý và biết hát phần lớn các bài hát dân ca họ hát. Và thế là thỉnh thoảng tôi lại nhập bọn, cùng hát với họ. Tôi còn nhớ mãi thời điểm hát bài ca bất hủ Volare của Domenico Modugno. Cả 4 vị khách kia trố mắt nhìn tôi còn đồng chí người Ý thì ngạc nhiên hỏi tôi : « Come mai conosci questa canzone ? » (làm sao cậu biết bài hát này ?).
Câu hỏi này chính là khơi nguồn cho một cuộc nói chuyện sâu hơn, liên quan đến cuộc sống của người làm nghề lái thuyền gondola. Ngày nay, làm nghề này thật chẳng sung sướng gì. Khi mà tiền thuê gondola rất đắt, các tay lái tranh nhau khách. Có vẻ như những người làm nghề này không còn nguyên chất như xưa nữa. Theo lời kể của Gian Carlo (anh lái gondola mà tôi ngồi), ngày xưa người lái đò gondola thực sự yêu mến Venise và họ làm nghề lái đò vừa để kiếm tiền, vừa để chia sẻ tình yêu của họ với du khách. Ngày nay, sự thực dụng đã tăng lên. Họ làm nghề này chỉ để kiếm tiền mà thôi. Và tất nhiên là họ càng chăn được nhiều du khách gà mờ bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét