Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012


Có bao nhiêu người Việt đã từng đặt chân đến thành phố Venise ? Nhiều đấy. Nhưng bao nhiêu người trong số đó ở lại Venise hơn 3 ngày và rồi quay trở lại đó hơn 2 lần ? Không nhiều đâu và chắc cũng phải bị « thành phố tình yêu » này mê hoặc thế nào đấy thì người ta mới làm như vậy. Và tôi không may mắn là một nạn nhân kiểu đó. 

Venise với hệ thông kênh đào chằng chịt đã trở thành chuẩn mực của kiểu kiến trúc đô thị trên nước. Chính vì thế mà rất nhiều nơi có kiểu nhà tương tự trên thế giới đều lấy Venise làm thước đo, nào là « Venise phương bắc » hay là « Venise phương đông ». Theo tôi được biết thì có khoảng hơn 10 thành phố trên thế giới được ví với Venise. Tôi cũng thăm được vài cái : Stockholm (Thụy Điển), Bruges (Bỉ), Amsterdam (Hà Lan), Colmar (Pháp) và Aveiro (Bồ Đào Nha). Nghe nói còn có cả Saint Petersburg (Nga), Hàng Châu và Đại Lý (Trung Quốc). Chắc tôi cũng phải đến đó một chuyến. 

Vì Venise là điểm du lịch thuộc hạng khủng nên có đến hàng triệu lượt khách một năm. Mỗi lần tôi quay trở lại đều phải tránh giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 10. Tôi đặc biệt chọn tháng 3, vừa ít người hơn và khí hậu cũng đẹp hơn. Ngoài ra, cũng phải đề cập đến hiện tượng thủy triều rất đặc trưng (từ tháng 10 đến tháng 2), dấn đến tình trạng nước ngập tràn khắp thành phố. 


 Tại sao người ta lại xây cả một thành phố trên một các hòn đảo cách xa đất liền hơn 2km ? Có lẽ phải tìm nguyên nhân ở thời kỳ Trung Cổ vào thế kỷ thứ 6 sau công nguyên. Thời ấy, Châu Âu có nhiều biến động với rất nhiều cuộc chiến tranh cướp bóc giữa các dân tộc trên đất Ý bây giờ. Các bộ tộc xuất xứ từ nước Đức liên tục xâm chiếm miền Bắc Ý khiến cho người dân địa phương phải di tản ra ngoài biển khơi và xây những ngôi nhà đầu tiên trên các hòn đảo nhỏ cách xa đất liền và dễ phòng thủ (các bộ tộc gốc Đức bơi rất kém). 


 Theo dòng thời gian, cư dân nơi đây dựa vào thế mạnh hàng hải để phát triển thương mại đường biển và ngay từ thế kỷ thứ 10, Venise đã trở thành một cường quốc kinh tế trong khu vực Địa Trung Hải. Vị thế độc tôn của thành phố thực sự được khẳng định khi Venise cho vay nặng lãi các đội quân Châu Âu đang cần tiền để trang trải các cuộc chiến tranh vô bổ ở Trung Đông (các cuộc thập tự chinh).  Chính trong thời kỳ này, đã xuất hiện các gia đình quý tộc lắm tiền và họ đã cho xây nên các cung điện nguy nga ngày nay. 

 « Cổng vào » chính thức của Venise có lẽ là nhà ga xe lửa Santa Lucia và cũng là nơi tôi chọn làm điểm xuất phát để khám phá thành phố bằng cách đi bộ. Và tôi nghĩ để có thể khám phá được hết vẻ đẹp tiềm ẩn của những con đường nhỏ, chỉ có đi bộ mới là phương pháp tốt nhất. Nhưng tất nhiên là bạn phải có đôi chân khỏe mạnh vì giao thông công cộng ở đây 100% là bằng thuyền hoặc canô chứ không phải là xe bus hay xe đạp hay ôtô. Thành phố Venise thức ra không lớn. Nếu mà đi thẳng một lèo từ bắc xuống nam theo đường chim bay thì chỉ mất có 40 phút . Nhưng trên thực tế, hệ thống cầu bắc ngang, các kênh ngạch chặn qua và đám người du lịch tứ xứ khiến cho bạn gặp rất nhiều trở ngại trong việc đi lại. Nhưng mà đến Venise thì chẳng ai lại chỉ phăm phăm đi từ bắc xuống nam. Cái hay ở đây là phải biết dành thời gian mạo hiểm khám phá các khu nhà. Chấp nhận bị lạc là chìa khóa duy nhất giúp bạn tận hưởng vẻ đẹp của Venise  .

Cũng như đa phần du khách đi bộ, tôi chọn giải pháp đi dọc theo đại lộ chính của Venise, là một con kênh lớn có tên là Grand Canal. Bất cứ ai đến đây đều phải ngỡ mình trước vẻ đẹp có một không hai của con sông Grand Canal mà người Venise vẫn trìu mến gọi là canalazzo


 Nhìn thì rõ ràng là sông nhưng Grand Canal đóng vai trò như đại lộ, là trục chính xẻ dọc thành phố Venise làm 2 phần và đi uốn éo như hình con rắn. Dọc theo « đại lộ » không biết bao nhiêu tàu bè đi lại trong một ngày và với những vị khách du lịch vội vàng, họ thường dùng một chuyến tàu phà đi dọc Grand Canal để ngắm nhìn những công trình kiến trúc dọc theo ven sông. 


Còn với tôi, tôi lại thích đi bộ để có thể luồn lách vào nhưng xóm ngõ cổ và khám phá cuộc sống đời thường của người dân Ý. Với lợi thế nói thông thạo tiếng Ý, tôi rất thích bắt chuyện với người dân địa phương, nhiều khi thu thập được rất nhiều thông tin bổ ích. Chẳng mấy khi người ta có dịp bắt gặp một du khách Châu Á nói được thứ tiếng của họ và họ thường rất ngạc nhiên. Câu hỏi mà họ đặt ra cho tôi : 
« Ma di dove sei ? » (cậu từ đâu đến ?)
« Sono di Vietnam » (tôi đến từ Việt Nam)
ma come mai parli l’Italiano benissimo? » (làm sao mà cậu có thể nói tiếng Ý tốt vậy ?)
perché viaggio spesso in Italia” (bởi vì tôi hay đi du lịch sang Ý)
« Perché l’Italia ? » (tại sao lại là nước Ý ?)
« perché mi piacciono ragazze italiane ! » (bởi vì tôi mê phụ nữ Ý !) Tất nhiên rồi, nói tiếng Ý để tán gái Ý.Quá tuyệt !!!!!


 Dọc theo Grand Canal là những tòa nhà tráng lệ nhất của thành phố, xưa kia là nơi ở của các gia đình quý tộc giàu lên nhờ thương mại. Và ngày nay, rất nhiều tòa nhà được trung tu và chuyển thành khách sạn cao cấp. Cửa vào của các tòa nhà này xưa kia là nơi người ta đưa hàng hóa vào trong tầng một vốn là kho chứa hàng. Venise thời ấy được coi như « đại lý » bán buôn các mặt hàng cao cấp giữa Trung Đông và Châu Âu. Lúa mì, rượu vang, vải len, đồ dệt, dầu ô-liu, muối của Châu Âu được chất đầy lên thuyền chở hàng để rồi vận chuyển đến Ai Cập để đổi lấy gia vị, ngà voi, gỗ mun, tơ lụa, nô lệ…Thật không may mắn là những công trình kiến trúc cổ này đang phải đối mặt với nguy cơ bị sói mòn cột móng do có quá nhiều tàu đi lại trên sông. Các làn sóng do tàu máy tạo ra tạo một áp lực nhất định đập vào tường nhà và làm rơi vãi lớp bả. 

 Fondaco dei Turchi, tạm dịch là kho chứa hàng của người Thổ Nhĩ Kỳ.Xưa kia, đầy là nơi chứa hàng hóa trao đổi với đế chế Ottoman 

 Ca’Pesaro được xây dựng vào thế kỷ 18 theo dòng kiến trúc barốc, tường được làm 100% bằng đá cẩm thạch trắng. Ngày nay, tòa nhà trở thành viện bảo tàng mỹ thuật. 

Palazzo Barbarigo được xây vào thế kỷ 16 theo dòng kiến trúc phục hưng. Xưa kia chủ là một doanh nhân sản xuất cửa kính. Ngày nay, một phần được chuyển thành khách sạn cao cấp. 


Để có thể di chuyển giữa hai bên bờ sông Grand Canal, có một vài cây cầu bắc qua mà nổi tiếng nhất trong số đó là cầu Ponte Rialto.  Mới chỉ cách đây hơn một thế kỷ, Venise không có nhiều con cầu bắc qua Grand Canal và Ponte Rialto là cây cầu duy nhất. 


Vào thời trung cổ, Ponte Rialto chính là đầu não kinh tế của Venise. Thời ấy, không chỉ là nơi tập trung phiên chợ rau cá lớn nhất của Venise, Ponte Rialto còn là nơi tập trung những văn phòng ngân hàng đầu tiên trong lịch sử thế giới. 

Sau khoảng hơn một tiếng đi bộ, tôi tiếp cận quảng trường Saint Marc, trái tim của Venise. Tại sao lại đặt tên quảng trường như vậy ? Bởi vì chính tại đây vào thế kỷ 9 sau công nguyên,  thành phố tổ chức một sự kiện long trọng nhân dịp tìm được hài cốt của thánh Marc tại Bắc Phi và chuyển về Venise. Vậy tại sạo thánh Marc lại quan trọng đến vậy ? Bởi vì ông ta là một trong 12 vị đệ tử đầu tiên của chúa Jesus, được giao trọng trách truyền bá đạo thiên chúa giáo trên khắp vùng Trung Đông và Châu Âu sau khí Jesus qua đời. Quảng trường Saint Marc là một quần thể kiến trúc rất hài hòa bao gồm nhà thờ Saint Marc, tháp chuông campanile và cung điện Palazzo dei Dogi tạm dịch là tòa nhà quốc hội của thành phố Venise. 


Nhân dịp này, tôi cũng muốn giới thiệu đôi chút lịch sử rất đặc biệt của nước Ý nói chung và thành phố Venise nói riêng. Chắc các bạn đều biết, nói đến nước Ý là người ta nói đến đế chế La Mã rộng lớn tồn tại hơn 700 năm. Thế nhưng rất ít người biết rằng quốc gia mang tên Italia với hình chiếc ủng ngày nay lại chỉ được thành lập vào năm..1865. Tại sao vậy ? Bởi vì sau khi đế chế La Mã tan rã, cả một lãnh thổ rộng lớn quanh Địa Trung Hải bị cắt xén thành nhiều vương quốc nhỏ. Và ngay trên lãnh thổ nước Ý ngày này cũng bị chia cắt thành vương quốc hoặc lãnh thổ trực thuộc các cường quốc láng giềng như Pháp, Tây Ban Nha hay Áo. Đến thời điểm đầu thế kỷ 19 thì nước Ý chỉ còn là cái bóng của thời hoàng kim La Mã. Quốc gia này bị chia cắt thành thuộc địa của nhiều cường quốc, một phần thì thuộc về đế chế Pháp của Napoléon, một phần thuộc về đế chế Áo-Hung, một phần do thánh địa Vatican quản lý…


 Phải chờ đến năm 1865 thì người Ý mới đánh đuổi hết giặc ngoại xâm và thống nhất lãnh thổ hình chiếc ủng và thành lập ra một quốc gia hiện đại.Vậy Venise đóng vai trò như thế nào trong lịch sử Ý ? Vào thời trung cổ, trong số các lãnh thổ bị chia cắt sinh ra 4 thành phố đi không theo chế độ vua chúa mà lại theo chế độ cộng hòa. Đó là : Venise, Pisa, Genova và Amalfi. Cả 4 nước cộng hòa này đều rất mạnh về thương mại đường biển nhưng Venise mới là thành phố hùng mạnh nhất , thống trị cả vùng Địa Trung Hải trong vòng vài trăm năm. 

Palazzo dei Dogi - tòa quốc hội của nước cộng hòa Venise xưa kia
 Venise có quốc hội và đứng đầu là các vị Dogi (tương đương với tổng thống). Tòa quốc hội Palazzo dei Dogi là nơi diễn ra các cuộc họp quan trọng và cũng là nơi ở của Dogi. Nước cộng hòa Venise chính thức bị xóa sổ khỏi lịch sử khi Napoléon đến xâm chiếm nước Ý vào cuối thế kỷ 18. Thực ra thì Venise đã suy yếu và sống dặt dẹo ngay từ thế kỷ 17 khi mà không còn làm chủ được kinh tế vùng Địa Trung Hải nữa. Người Tây Ban Nha đã tìm ra tuyến đường thương mại mới dẫn đến Châu Mỹ và đế chế Ottoman khóa chặt Trung Đông, khu vực giao lưu thương mại chủ đạo của Venise. 

  
Sau thi thăm xong trục chính của Venise, tôi bắt tay vào việc khám phá các khu phố, người địa phương gọi là sestieri. Thành phố có tất cả 6 sestieri và muốn đi thật sự kỹ càng cả 6 cái này thì phải mất khoảng 3 ngày trọn vẹn. 


Và để có thể kiên nhẫn đi thăm hết chỗ đó, bản thân bạn phải là một du khách yêu thích khám phá và tìm hiểu văn hóa địa phương. Nếu không thì chắc chắn bạn sẽ thất vọng trước những tòa nhà lụp xụp, không tương xứng với sự tráng lệ hào nhoáng của những cung điện dọc theo Grand Canal hay ở những nơi có nhiều khách du lịch. Nhưng đó mới là cái mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây các bạn ạ. Ý nghĩa của một hành trình đi sang Châu Âu không nên chỉ gói gọn ở việc bao nhiêu ảnh đẹp bạn chụp được. Hãy đi xa hơn thế, hãy tiếp xúc với người dân địa phương đê học được những cái không có trên mạng hay sách báo. 


 Có giao tiếp với người dân ở đây, tôi mới biết được nhiều sự thật đáng buồn. Venise là nạn nhân của chính sự nổi tiếng quá mức của nó. Du khách khắp nơi ùn ùn đến khiến cho giá bất động sản ở đây tăng quá nhanh. Người dân không có đủ tiền để sở hữu cũng như sửa sang lại nhà cửa nên buộc phải di cư đi nơi khác ở. Và hậu quả là sao ? 30% người con sinh ra nơi đây phải dứt áo ra đi. Họ hoặc phải bỏ hoang hoặc bán lại cho người nước ngoài với giá rẻ. Hậu quả là rất nhiều kiến trúc cổ vài trăm năm đang gặp nguy cơ bị xuống cấp và sụp đổ. 

Đi lạc vào một số khu phố cổ, tôi nhiều khi có cảm giác như đang ở một khu ổ chuột, không khác gì khu Long Biên nhà mình. Đã thế, mùi nước sông bốc lên nhiều khi rất giống mùi sông Tô Lịch. Đó là thực thế phũ phàng , mặt trái của một thành phố được cho là « lãng mạn » nhất thế giới. 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến