Đối với người Marốc, thành phố Fès thời trung cổ cũng giống như thành phố Athens của Châu Âu vậy. Nằm ở một vị trí chiến lược, nút thắt giữa các quốc gia Bắc Phi và Nam Âu, Fès là mắt xích quan trọng trong hệ thống thương mại giữa vùng sa mạc Sahara rộng lớn phía nam và Châu Âu phía Bắc. Nhờ thế, nền kinh tế của Fès phát triển thịnh vượng trong vòng hai thế kỷ và trở thành trung tâm tôn giáo cũng như nghệ thuật của Bắc Phi.
Lịch sử của Fès gắn liền với lịch sử phát triển của Hồi giáo. Khi nào có điều kiện, tôi sẽ viết một bài giải thích khái quát quá trình truyền bá của tôn giáo này. Còn tạm thời, ta hãy quay về thế kỷ VII, nguồn gốc của nước Marốc và của Fès. Thời điểm ấy, một hậu duệ của Mohamed (Mohamed tương đương kiểu chúa jesus của đạo thiên chúa) trốn chạy khỏi sự truy đuổi của Irắc, chạy qua Ai Cập rồi rong ruổi suôt Bắc Phi cho đến khi đặt chân đến đất nước Marốc. Tại đây, vị hậu duệ này được những bộ tộc du mục địa phương giúp đỡ và bầu ông ta làm vua nước Marốc. Thành phố Fès được sinh ra như là thủ đô đầu tiên của Marốc. Cũng giống như Việt Nam, các triều đại vua chúa của Marốc đổi thủ đô nhiều lần và Fès là một trong bốn cố đô mà vua Marốc tại vị xưa kia.
Cũng như các du khách đến đây, tôi bắt đầu cuộc khám phá Fès từ khu phố cổ, người Marốc gọi là Medina. Khu vực này khiến tôi liên tưởng đến khu phố cổ của Hà Nội vì có nhiều điểm tương đồng. Hà Nội có 36 phố phường thì ở đây có các khu phố nhỏ phân theo ngành nghề và sản phẩm thủ công : nghề mộc, nghề điêu khắc trên gỗ, nghề rèn sắt, nghề trạm khắc trên đồng, kim hoàn, dệt lụa…Hầu hết các sản phẩm đều được tạo ra trong những lò sản xuất bé tí hin với những công cụ cũ kỹ.
Khu chuyên làm vải. Tại đây, người ta sử dụng các loại phẩm để nhuộm cho vải |
Nếu như đạo Phật chúng ta có nhiều cùa chiền thì một thành phố Marốc cũng sở hữu nhiều nhà thờ Hồi giáo. Bản thân Fès trước kia là kinh đô Hồi giáo của cả nước Ma rốc và miền tây Châu Phi. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi thành phố này có hơn 10 nhà thờ và nổi tiếng nhất là nhà thờ hồi giáo Al Qarawiyyin kiêm luôn là trường đại học nghiên cứu đạo Hồi. Đây được coi như trường đại học Hồi giáo cổ nhất thế giới (xây vào năm 857), thậm chí còn trước cả đại học Oxford.
Các mái ngói màu xanh lá cây là đặc trưng của lối kiến trúc Hồi giáo Marốc. Nhìn từ trên cao, nó đôi khi làm tôi liên tưởng đến mái ngói kiểu Châu Á ở Trung Quốc hay hàn Quốc |
Giữa sảnh một nhà thờ hồi giáo bao giờ cũng có một tháp nước để người sùng đạo rửa ráy trước khi cầu nguyện |
trên bề mặt tường, các nét trạm khắc trên đá rất tinh tế. Như các bạn thấy, kiểu hoa hoét rất phổ biến trong nghệ thuật ả rập. |
Bao bọc xung quanh khu phố cổ Fès là một hệ thống tường thành và có khoảng 9 cổng vào. Đặc thù của các cổng này là có kích cỡ rất to và được xây bằng đất sét nung pha với rơm và bằng gạch nung. Cổng vào thì có hình giống vó ngựa mà hội tội nhân hay đứng ở tòa án hình sự.
Vào thời gian đầu, hệ thống tường thành bao bọc có chức năng phòng thủ cho khu phố cổ nên được xây dựng rất kiên cố. Nhưng vào thế kỷ 16 khi mà súng thần công phát triển lên cũng như với việc thành phố Fès phát triển ra rộng hơn, các tường thành và cổng vào này không còn chức năng phòng thủ nữa. Vì thế, các cổng vào được bổ sung thêm các họa tiết kiến trúc sành điệu hơn, với mục đích khoa trương thế mạnh nghệ thuật của Fès.
Sau khi qua ngưỡng cửa của các cổng thành này, dòng người địa phương tràn về các ngả khác nhau hướng đến các khu chợ giời, người Marốc gọi là souk.
Lạc vào những khu chợ này, ta có cảm giác như lạc vào mê cung những nẻo đường nhỏ với các gian hàng bán đủ các loại tạp phẩm. Cấu trúc của chúng hầu như không có gì thay đổi từ thế kỷ XII. Chính tại các souk này mà tôi thấy có gì đó rất giống khu phố cổ Hà Nội, rất sầm uất về thương mại. Mỗi souk tương đương với một trong 36 phố cổ của mình. Họ có souk El Nejjarine chuyên bán đồ gỗ, El Attarin chuyên bán các loại gia vị, El Seffarine, chuyên đồ đồng, Ain Allou chuyên đồ da thuộc…
Chính vì hệ thống chằng chịt các nẻo đường như mê cung này mà du khách rất dễ bị lạc. Nhưng lạ thay việc chủ động để bị lạc chính là trải nghiệm đáng giá nhất khi ta viếng thăm các khu chợ souk. Ở đây, việc dùng bản đồ chẳng có lợi ích gì hết vì thứ nhất đường phố ngoằn ngoèo khó vẽ,thứ hai tên các đường đều ghi bằng tiếng ảrập. Vì thế, cách tốt nhất là nên quan sát cử chỉ hành đông cũng như hướng đi của dòng người đặc biệt là các nhóm khách du lịch. Thật vậy, khách du lịch gì thì cũng giống mình thôi, họ cũng sẽ bị lạc như mình. Nhưng họ đôi khi là các nhóm khách đi theo tour nên sẽ được trợ giúp bởi một hướng dẫn viên địa phương. Đến một lúc nào đó, kiểu gì thì họ cũng sẽ đi về hướng các cổng thành để thoát khỏi khu phố cổ. Và khi đã thoát khỏi khu phố cổ thì mọi chuyện trở lên dễ dàng hơn vì các con đường mới đều dưới dạng đại lộ thẳng. Đó là phương pháp thứ nhất.
Phương pháp thứ hai, chiêu bài mà tôi sử dụng nhiều hơn, đó là trực tiếp hỏi đường người địa phương. Và chính trong một lần bắt chuyện với một người bán đồ xà phòng thơm mà tôi đã có được một kỷ niệm đáng nhớ. Ngoài tiếng ảrập, người Ma rốc nói tiếng Pháp như tiếng mẹ đẻ vì họ được học song ngữ ngay từ bé . Một du khách người Châu Á đến Fès và nói tiếng Pháp không phải là chuyện thường ngày và tất nhiền sự hiên diện của tôi thu hút sự chú ý của hầu hết người dân địa phương. Tôi cũng chỉ hỏi đường ông bán xà phòng có tên là Mohamed (tên này thì phổ biến phải biết cũng giống như họ Nguyễn nhà mình). Ông ta hỏi tôi câu hỏi mà tôi đã dự đoán trước
- « Tu sais, mon oncle était légionnaire pendant la guerre d’Indochine » (cậu biết không, bác tôi xưa kia là lính lê dương trong quân đội Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương ở Việt Nam)
Tôi thực sự ngạc nhiên khi được biết rằng có khoảng 6000 lính Marốc tham gia cuộc chiến năm 1954 ở miền Bắc và một số lính trong số đó đã chuyển sang ủng hộ quân đội Việt Minh chống lại giặc Pháp. Ngay sau chuyến viếng thăm Marốc đó, tôi đã tìm hiểu sâu thêm và được biết một số lính Marốc đã ở lại Việt Nam trong vòng vài chục năm, lấy vợ Việt Nam và phải vất vả lắm họ mới trở về quê hương, với sự giúp đỡ của bác Hồ. Để cảm ơn sự giúp đỡ tận tình của người Việt, những người lính này đã tham gia vào việc xây lên một chiếc cổng theo lối kiến trúc Marốc ngay tại Ba Vì, nay vẫn tồn tại và bị rong rêu bám đầy. Chiếc cổng đó như để chứng mình tình hữu nghị cùa lính lê dương Marốc đối với sự tốt bụng của người Việt. Có thế mới biết sử sách nước ta còn thiếu hụt như thế nào. Một người con của quê hương như tôi buộc phải tìm hiểu sử sách bằng tiếng nước ngoài, viết bằng người nước ngoài để hiểu rõ hơn lịch sử của chính nước mình !
Thôi, nói lịch sử hơi nhiều, giờ mình lại quay lại các khu chợ giời souk. Tại đây, phương tiện gắn máy không được phép hoạt động. Cũng phải thôi, nhìn những dòng người đông như thể đang mua vé vào xem trận chung kết Champions League, tôi thiết nghĩ một cong đường rộng có hơn một mét mà để một chiếc xe thồ đi qua thì không biết đến bao giờ mới thoát được ách tắc giao thông. Không có tiếng động cơ chạy không có nghĩa là nơi đây không ồn ào sôi động. Hãy cứ thử nghĩ đến những cuộc mặc cả nóng bỏng giữa kẻ mua người bán là biết liền. Tại đây, tôi nghĩ thứ gây ách tắc giao thông nhiều nhất là…con lừa. Đây là phương tiện chở hàng phổ biến nhất của người dân địa phương .
Như những người đi buôn sừng sỏ, người dân địa phương phân biệt rất rõ đâu là những vị khách du lịch ngây thơ dễ bị dắt mũi để chào mời họ. Và với một ngoại hình đậm chất Châu Á như tôi thì việc được họ « mời » vào xem hàng chẳng có gì là lạ. Biết rằng khi bước qua ngưỡng cửa của những cửa hàng trưng bày thảm, đồ vàng bạc thì sẽ khó có thể tránh khỏi những lời chào hàng ngọt như mật. Nhưng tôi coi đó như một dịp để ngắm nghía thỏa thích những đồ vật được trạm khắc rất tinh xảo. Cho dù biết rằng khi ra khỏi một cửa hàng bát đĩa bạc, tôi đã bị người ta « chăn » mất 20$ nhưng đó hoàn toàn là tự nguyện của tôi. Bạn hãy tưởng tượng thành phố Fès vào dịp hạ điểm du lịch thì người ta lấy đâu ra khách mà chăn. Thêm nữa, 20$ có thể là khá to đối với tôi, nhưng là rất rất to với những gia đình ở đây.
Để quản lý một cách quy củ hơn hệ thống thương mại của các khu chợ souk, người ta cho xây các fondouks, tạm dịch là trụ sở hiệp hội chuyên về một ngành nghề nào đó. Cấu trúc của các fondouk này khá đồng bộ, luôn có một sảnh rộng nằm ngày chính giữa. Xung quanh là các hành lang với các gian phòng dùng để làm nơi ở cho các thương gia và kho chứa hàng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét