Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012


Được mệnh danh là « thành phố trăm tháp chuông », Prague được liệt vào danh sách những thành phố đẹp nhất thế giới. Tôi nghĩ rằng thành phố Prague đáp ứng đúng như mường tượng của người Việt về Châu Âu, lục địa của những thành phố nhiều ngôi nhà cổ. Prague thực sự la một từ điển sống về kiến trúc với một quần thể cả một khu phố cổ được bảo vệ và trùng tu. Là một người rất yêu thích nghệ thuật, nguyên nhân tôi lựa chọn thăm Prague đã quá rõ ràng. 


Nhớ lại hồi còn học đại cương khoa xã hội nhân văn bên Pháp, một tuần tôi có đến 4 tiết học về lịch sử nghệ thuật Châu Âu và thành phố Prague luôn được lấy ví dụ như điển hình của dòng kiến trúc barốc thế kỷ 17-18. Hình ảnh Prague từ lúc ấy in đậm trong tâm trí tôi và thôi thúc tôi một ngày nào đó phải đến được đó.   


Theo hướng dẫn của tất cả các cẩm nang du lịch tôi đọc (Routard, Lonely Planet, Guide Evasion, Gallimard), tôi bắt đầu cuộc khám phá Prague bằng lâu đài Prague, biểu tượng lịch sử,văn hóa và đất nước cộng hòa Séc. 


Nói là lâu đài nhưng thực ra đây là một quần thể của nhiều công trình kiến trúc khác nhau : cung điện, hệ thống phòng thủ, trung tâm hành chính, nhà thờ,  khu nhà ở…tất cả đều là những dẫn chứng cho lịch sử phát triển nghệ thuật của Prague. Xưa kia, lâu đài Prague là thủ phủ của quận chúa vùng Bohemia, của vua và còn của đế chế Áo-Hung nữa, nói chung là nó chiếm vị trí đầu não chính trị. Lâu đài được xây lần đầu tiên vào thế kỷ XI nhưng hồi ấy thì còn sơ sài và vật liệu xây dựng chủ yếu bằng gỗ và đất nện. 


Theo dòng thời gian, đã bao nhiêu thế hệ vua chúa lên nắm quyền và cho xây mới lâu đài theo sở thích của họ. Đất nước Séc xưa kia chưa phải là một quốc gia độc lập mà là một lãnh thổ của nhiều đế chế khác nhau xuất sứ từ các quốc gia láng giềng (Ba Lan, Áo, Hung). Vì thế nên các nét kiến trúc của lâu đài là sự pha trộn của tất cả sự ảnh hưởng từ nhiều thời kỳ khác nhau : gô-tích, phục hưng kiểu Ý, classic kiểu Pháp, barốc, roccoco kiểu Áo.


 Ngự trị trên đỉnh đồi, khi ra khỏi lâu đài Prague, tôi quyết định không dùng đường xe buýt và lại dùng các con đường mòn dốc đưa xuống chân đồi. Và khi đi theo hướng này, tôi đi ngang qua một khu trồng nho rất rộng lớn. Tôi được biết rằng nước Séc khá nổi tiếng với loại rượu vang trắng. 


 Có thế mới biết ở Châu Âu không phải chỉ có rượu vang Pháp, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đâu. Có khoảng chục quốc gia khác cũng trồng nho tuy không có độ nổi tiếng bằng 4 quốc gia trên. 


Xuống dưới chân đồi, tôi rơi ngay vào khu phố cổ Mala Strana, sinh ra vào thế kỷ XIII. Vào thời trung cổ, đây là trung tâm đầu não kinh tế của thành phố Prague và cũng là vành đai phòng thủ từ xa bảo vệ lâu đài Prague. 


 Những gì liên quan đến thời trung cổ ở đây không còn nữa vì tất cả đã bị phá hủy sau một cuộc chiến tranh thế kỷ XV. Thay vào đó là những cung điện và nhà thờ tráng lệ được xây lên bởi các gia đình quý tộc thời đó. Ngày nay, rất nhiều các tòa nhà tráng lệ này trở thành trụ sở của các đại sứ quán. 


Sắp ra đến vành đai của khu phố cổ, tôi tiến sát đến ven sông Vltava và gặp chiêc cầu Charles Bridges, có lẽ là biểu tượng rõ nét nhất trong tâm trí du khách mỗi khi họ đặt chân đến Prague.  Không ai nghĩ rằng cách đây hơn 1000 năm, đây chỉ là một cây cầu tầm thường cấu tạo bởi các thân cây nối với nhau. Phải đợi đến thế kỷ XI,  chiếc cầu mới được làm mới lại bằng đá. 


 Và vào thế kỷ XIV, chiếc cầu được bổ sung thêm các chi tiết trang trí như hôm nay. Có rất nhiều chi tiết thú vị xung quanh lịch sử phát triển của cây cầu này. Đầu tiên phải kể đến năm mà vị vua Charles IV (cây cầu được đặt tên theo tên của vị vua này) cho trùng tu cầu vào năm 1357, ngày mồng 9 tháng bảy lúc 5h31. 


Việc chọn ngày và giờ không phải là điều ngẫu nhiên. Thật vậy, bạn hãy thử viết liên tiếp số theo năm tháng xem : 1 3 5 7 (năm) 9 (ngày) 7 (tháng) 5 31 (giờ). Chẳng phải nó trở thành một dãy số lẻ theo chiều tăng dần và giảm xuống với số 9 nằm ở đỉnh sao ?   


 Đi dọc theo cầu Charles Bridge, có thể thấy rất rõ 30 pho tượng bằng đá, phần lớn được điêu khắc theo dòng nghệ thuật barốc. Phần lớn các tác phẩm này đều được tạc vào thế kỷ XVIII nhưng những gì ta thấy ở đây chỉ là bản copy. 


 Thực ra, ý tưởng ban đầu khi xây cầu nauyf là để làm nơi chơi trò đấu ngựa nhưng khi trò chơi này biến mất vào thế kỷ XVI thì hội đồng tăng lữ của thành phố quyết định trang trí thêm các pho tượng thánh để làm tăng vẻ uy nghi của nó. 


 Cầu Charle Bridge là cầu nối lịch sử giữa hai khu vực nằm hai bên sông Vltava, cũng giống như Hà Nội bị chia cắt bởi sông Hồng giữa khu phố cổ và bên kia cầu là quận Long Biên và khu công nghiệp mới. Đối với Prague, bên này cầu thì là lâu đài Prague , còn bên kia là khu phố mới được quy hoạch vào thế kỷ XIV khi dân số tăng lên. 


Nhớ lại những thế kỷ đó, khu phố mới không những đáp ững nhu cầu nhà ở mà còn là trung tâm thương mại mới của Prague với những phiên chợ gia súc rất sầm uất. Tất nhiên ngày nay không còn di tích gì về mặt kiến trúc của thời ấy nhưng không khí sôi động thì vẫn không thay đổi. Những lò rèn hay chuồng ngựa xưa kia được thay thế bằng rạp chiếu phim, nhà hát, ngân hàng và đặc biệt là quảng trường Venceslas. 


Trái tim của khu phố này là quảng trường tòa thị chính với rất nhiều tòa nhà được xây dựng theo lối kiến trúc thế kỷ XVI và XIX. 


Đã được học qua lịch sử kiến trúc Châu Âu, tôi có thể nhận thấy người Séc áp dụng một số kỹ thuật bả tường từ Ý. Trên bề mặt tường là kiểu vẽ màu nước được tạo ra nhờ hai lớp sơn phủ đè lên nhau, lớp màu sẫm đè lên lớp màu sáng. 


 Chỉ cần cạo nhẹ lớp màu sẫm là có thể tạo ra những bức vẽ như ý. Vào thế kỷ XIX, kỹ thuật này trở lại thành mốt bởi nó rất phù hợp với bối cảnh thời ấy, khi mà người Séc cần sử dụng nghệ thuật để thể hiện tinh thần dân tộc chống lại sự đô hộ của các nước láng giềng.    

Nói đến điểm này, có lẽ ta nên đi sâu hơn một chút về việc biến động lích sử và chính trị Châu Âu ảnh hưởng lớn như thế nào đến nghệ thuật kiến trúc. Thành phố Prague có thể có những di tích theo dòng gô-tích hay phục hưng nhưng suy cho cùng, nét kiến trúc nổi trội nhất của thành phố chính là dòng nghệ thuật ba-rốc. Có thể nói Prague là một trong số hiếm thành phố Châu Âu có số lượng di tích ba-rốc đồ sộ đến như vậy. 


Vậy tại sao ba-rốc lại thống trị ở đây ? Có lẽ chúng ta phải quay lại thế kỷ XVII để tìm nguyên nhân. Thời ấy, Prague là một lãnh thổ thuộc quyền quản lý của nước Áo. Chính quyền từ thủ đô Vienna của Áo không chỉ muốn kiểm soát Prague bằng quân đội mà điều cả một lực lượng thầy tu hùng hậu để áp đặt dòng Công giáo La Mã (người Séc theo đạo tin lành). Dòng nghệ thuật ba-rốc được sử dụng như một công cụ mị dân và truyền bá ý tưởng chống lại đạo tin lành. Khắp nơi xuất hiện nhà thờ kiểu ba-rốc hoặc tượng thánh (giống như cầu Charles Bridge). Có thể nói nghệ thuật ba-rốc gián tiếp là công cụ tuyên truyền phục vụ cho mục đích chính trị của những kẻ đô hộ Áo. 

  
Người Séc tội nghiệp bị đế chế Áo-Hung khống chế trong nhiều thế kỷ. Phải đợi đến sự thất bại của người Áo trước Napoléon đầu thế kỷ XIX, người Séc mới bắt đầu thực sự bắt tay vào công cuộc khẳng định chủ quyền dân tộc và cũng phải đợi đến sau thế chiến thứ nhất (1918), người Séc mới dành lại được độc lập, thành lập ra nước Tiệp Khắc  



0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến