Cuộc đổ bộ bãi biển Normandie năm 1944, một sự kiện còn ghi mãi trong lòng người Pháp cũng như hình ảnh chiến thắng Điện Biên Phủ. Với những người yêu mến lịch sử và chiến tranh thế giới thứ II thì chắc sự kiện này chẳng có gì xa lạ cho lắm. Trong bài viết này, mục đích của tôi không phải để lại viết một bài thuyết trình miêu tả sự kiện này mà viết về tâm trạng cũng như hồi ức của tôi trong thời gian đi dọc theo bãi biển Normandie và thăm những di tích chiến tranh còn sót lại nơi đây.
Nhớ lại thời điểm năm 2008, tôi theo một khóa thực tập 4 tháng về ngành quản ký khách sạn gần thành phố Caen, nằm ngay trung tâm của khu vực Basse Normandie, nơi các cuộc đổ bộ xưa kia xảy ra. Với lợi thế ở gần như vậy, tôi thường dành thời gian rảnh rỗi cuối tuần bắt xe bus kết hợp cùng đạp xe đạp dọc theo bờ biển để thăm những gì còn sót lại từ năm 1944. Bài viết này tổng kết lại nhiều mảnh nhật ký cá nhân mỗi khi tôi thăm một di tích (bảo tàng, nghĩa trang, phế tích căn cứ quân sự) để tạo hẳn thành một chuỗi thống nhất
đạp xe dọc theo bờ biển để truy tìm những gì còn sót lại từ cuộc đổ bộ năm 1944 là một trong những thú vui của tôi trong thời gian thực tập vùng Norrmandie phía bắc nước Pháp |
Trước khi vác vali đến đây,trong đầu tôi là những mường tượng thật hùng vĩ như sử thi đam săn bởi nó được thêu dệt lên qua những bộ phim tôi xem cũng như những trò chơi điện tử mà tôi đã từng chơi. Không bị ảnh hưởng sao được khi trò chơi nhập vai commandos và Call for Duty quá hay.
tôi biết đến sự kiện năm 1944 lần đầu tiên nhờ trò chơi điện tử PC Commandos hồi còn học lớp 10 |
tôi học được nhiều điều về thế chiến thứ II qua trò chơi này |
Cũng tại trên địa điểm mà hàng trăm con người đặt chân đến, ngày nay không còn gì nhiều còn sót lại, chỉ là lèo tèo hai cái bình bong bằng bêtông. « Port Winston » không còn nữa mà chỉ còn lại những khối sắt rỉ. Những tiếng xe tăng chạy rầm rú hay tiếng vang đầy khí thế của các chiến binh năm nào nay nhường lại cho không khí yên bình nơi chỉ còn lại những tiếng sóng vỗ vào.
Sau những giây phút đi dạo trên những đụn cát, tôi thăm rạp chiếu phim Arromanches 360°, một chiêu bài lợi hại mà người Pháp sử dụng để giúp cho du khách có được những mường tượng cụ thể hơn về lịch sử. Rạp được thiết kế theo hình tròn mục đích để người xem nằm ngay tại trung tâm tạo cảm giác như thể họ chính là nhân vật trung tâm chứng kiến những giây phút hồi hộp của chiến dịch đổ bộ.
Bộ phim tài liệu « le prix de la liberté » được trình chiếu dưới 9 màn hính ở những góc độ khác nhau. Đây là một sản phẩm du lịch được xây dựng công phu với sự kết hợp song song giữa tư liệu lịch sử do các nhà quay phim thời điểm ấy thực hiện cộng với những hình ảnh của các di tích còn sót lại ngày nay. Với kỹ thuật chiếu 360°, tôi có cảm giác như đang chính là một trong những binh lính Mỹ, Canada, Anh hay Pháp cũng hừng hực khí thế trước giờ G, ngày 6 tháng 6 năm 1944. Thật vây, với kỹ thuật lắp đặt camera, tôi có cảm giác như chính mình đang đi bộ dọc theo cảng Arromanches, lái máy bay tiếp tế lương thực, xông vào một lỗ châu mai của địch hay cùng đồng đội đổ bộ lên bãi biển. Quá tuyệt !
Tại Arromanches, trên một ngọn đồi là chiếc xe tăng Pháp hiên ngang hướng nòng súng về bãi biển, nơi họ khởi xướng cuộc giải cứu quốc gia khỏi sự xâm lăng của Đức |
Tuy nhiên, họ chỉ có tổng cộng 700.000 lính canh giữ trong khi đó, quân liên minh huy động đến gần 3 triệu binh kính từ Mỹ, Anh, Canada, Pháp. Sự đổ bộ ồ ạt cùng lúc lên các bãi biển khác nhau và sự chênh lệch về số lượng giải thích một phần cho thất bại của quân Đức
Các bãi biển này đều được đặt tên riêng và mỗi một bãi biển được giao phó cho một quốc gia: Utah Beach + Omaha (quân Mỹ), Gold Beach + Sword Beach (quân Anh), Juno Beach (quân Canada). Trong số 5 bãi biển này, tôi chỉ thăm được 2 bãi biển có quân Mỹ đổ bộ, một phần cũng là vì đây là hai bãi biển được tôi biết đến nhiều hơn thông qua các bộ phim tôi xem cũng như trò chơi điện tử .
Nếu như hai bãi biển Omaha Beach và Utah Beach là nơi quân Mỹ đổ bộ thì bên kia chiến tuyến, la pointe du Hoc là điểm phòng thủ đáng nói nhất của quân Đức.
Nằm trên một vực thẳm cao 30m, đây là nơi họ có thể nhìn được từ xa và khống chế cả hai bãi biển Omaha và Utah. Quân Đức cho xây kiên cố một lỗ châu mai với 5 khẩu đại bác có thể cày nát cả hai bãi biển trong vài phút .
Nhận thấy sự nguy hiểm đó, việc khống chế được lỗ châu mai này mang tính quyết định đến sự thành công của việc đổ bộ sau đó. Trước quộc đổ bộ vài ngày, quân liên minh cho máy bay dải bom rất nhiều để phá hủy các ụ pháo ở Pointe du Hoc nhưng các quả bom rơi xuống không chính xác nên không gây thiệt hại nhiều cho quân Đức đóng ở đây.
Quân liên minh quyết định cử một biệt đội commandos xâm nhập vào căn cứ địch trước và cầm cự trong vòng 2 ngày trước khi chờ sự viện trợ từ quân đổ bộ từ Omaha Beach. Nhiệm vụ này được tái hiện phần nào trong trò chơi commando.
Một tiểu đoàn hơn 200 đặc công được giao phó nhiệm vụ lẻn vào căn cứ địch bằng cách leo trèo vực thẳm từ dưới biển lên chỉ trong vài phút. Nếu như việc trèo lên không gây thiệt hại về quân số thì việc đôi công với quân địch tại đỉnh là lúc đẫm máu nhất.
Bị phản công tứ phía và bị cắt nguồn tiếp viện phía sau, cả tiểu đoàn chỉ còn biết nấp sau những hố bom (do máy bay liên minh dải thảm tạo ra trước đó) và cầm cự chờ cho đến khi quân đổ bộ ở các bãi biển Utah Beach và Omaha Beach gần đó đến giải nguy. Sau nhiệm cụ này, chỉ còn lại 90 lính là đủ sức chiến đấu, còn lại thì bỏ mạng.
Những ụ pháo như ở Pointe du Hoc được xây dựng dọc theo bờ biển Normandie và phần lớn đều bị phá hủy trước và trong chiến dịch đổ bộ bởi máy bay ném bom của quân Liên Minh. Ngày nay, không còn nhiều di tích lịch sử liên quan đến hệ thống phòng thủ của Đức. Cũng phải chịu khó đạp xe đi dọc theo bờ biển thì tôi mới phát hiện thêm hai địa danh nữa giúp ta mường tượng được phần nào sự kiên cố của nó.
Cái thứ nhất là hệ thống 4 ụ pháo 150mn ở thị trấn Longues-sur-mer được đặt ngay tại cửa biển Gold Beach hồi ấy thuộc phần đổ bộ của quân Anh. Được đặt ngay trên đỉnh một ngọn đồi cao 65m, đây thực sự là một vị trí lý tưởng để cố thủ và đánh chặn các tàu chiến ngoài khơi.
Các khẩu đại bác tầm bắn là 20km nhưng trên thực tế đã không hoàn thành nhiệm vụ và để cho quân Anh xuyên thủng. Chỉ sau 24h, ụ pháo của Đức bị khống chế hoàn toàn và hơn 200 lính Đức phải đầu hàng.
Cái thứ hai là hệ thống chiến tũy phòng thủ của Đức có thể được tìm thấy ở thị trấn Grandcamp Maisy và cũng phải nói rằng địa danh này bị bỏ quên trong vòng hơn 60 năm rồi sau này mới được để ý đến để phát triển du lịch.
Chiến lũy ở đây dài khoảng hơn 2km với một đoạn chiến hào đào sâu dưới lòng đất và hiện tại vẫn còn. Tại sao phải mất hơn 60 năm người ta mới tìm lại được chiến lũy này ? Bởi vì ngay sau khi chiến dịch đổ bộ năm 1944 thành công, quân Liên Minh cho phá hủy và chôn vùi toàn bộ chỗ này. Những gì tôi nhìn thấy vào năm 2008 chỉ là một phần được các chuyên gia đào tìm thấy và mở cửa cho công chúng vào xem. Như vậy có nghĩa là dưới lòng đất có thể có thêm một đoạn chiến lũy nữa chưa được khai quật.
Với một hệ thống phòng thủ kiên cố như ở Grandcamp Maisy chấn giữ ngay cửa biển Omaha Beach, chúng ta cũng có thể mường tượng việc đánh chiếm được nó khó như thế nào. Nhưng vỏ quýt dày có móng tay nhọn và bãi biển Omaha Beach là nới chứng kiến sự so tài hấp dẫn giữa công và thủ.
Omaha Beach có lẽ là một trong những điểm tôi yêu thích nhất sau Arromanches bởi đây chính là nơi đổ bộ đẫm máu nhất và cũng được lăng xê nhiều nhất qua phim ảnh. Ngày nay, đây là một bãi biển tuyệt đẹp nhưng vào năm 1944 thì đây là biểu tượng của sự dũng cảm, của lòng kiên định xen lẫn với sự bi thảm. Ngày mồng 6, hàng trăm ngàn lính Mỹ đổ bộ xuống như những cơn đại hồng thủy ào vào chiến hào quân Đức. Trải dài trên 6 dặm, Omaha Beach là bãi biển dài nhất trong số 5 bãi biển đổ bộ và do bị cô lập bởi những vực cao bao quanh nên đây cũng là khu vực hiểm trở khó tấn công nhất. Không phải ngẫu nhiên mà quân Đức chủ ý chọn vị trí này làm nơi phòng thủ. Ngoài lợi thế về vị trí, họ cũng cho xây dựng một hệ thống lỗ châu mai và mìn rất kiên cố. Người Đức rất tự tin vào hệ thống kiên cố này và đinh ninh rằng một khi quân Liên Minh đổ bộ thì chẳng khác gì những con thiêu thân lao vào những cỗ súng máy của họ.
Quân Mỹ đổ bộ như những con thiêu thân và thiệt hại rất nhiều về quân số ngay trong 6h đầu tiên. Nhưng người nào sống sót được là nhờ may mắn và sự che chở của những rào cản trên biển |
Những ai may mắn sống sót lê lết ẩn náu vào các vực thẳm và tự lên dây cót tinh thần cho những đợt xâm nhập tiếp theo |
rất nhiều chiến sỹ hi sinh không có mồ chôn tử tế và đồng đội lấy súng thay cho chiếc thánh giá |
Ngay tại nơi 3000 binh sỹ Mỹ tử trận là một đài tưởng niệm |
một mặt, người ta dựng lại chi tiết cách mà quân Mỹ đổ bộ xuống, cách họ tự giải cứu trong tuyệt vọng trước dòng đạn của địch, và cách họ chết oai hùng |
mặt khác, cách chuẩn bị của quân Đức cũng được giải thích kỹ càng |
Nghĩa trang liệt sỹ Hoa Kỳ theo tôi là địa điểm lịch sử nổi tiếng thứ hai sau Arromanches. Nằm rất gần Omaha Beach, tại đây là 9386 ngôi mộ của binh sỹ Mỹ hi sinh trong ngày đổ bộ. Nói là « liệt sỹ » thì cũng không chính xác cho lắm vì đại đa số các binh sỹ hi sinh đều được xác định rõ họ tên, chỉ có 337 ngôi mộ là không biết nguồn gốc.
Nghĩa trang này đối với riêng tôi là một kỷ niệm đáng nhớ. Trên đường đến đây, tôi tình cờ gặp được hai chàng trai trẻ người Mỹ. Sau cuộc nói chuyện, tôi được biết cả hai đều là hậu duệ của hai mộ phần tại đây. Khi vào bên trong, tôi lại gặp thêm nhiều du khách Mỹ nữa, chắc cũng là con cháu đên đây thăm tổ tiên họ, những người đã ngã xuống mãi mãi tại một nới cách quê hương đến hơn chục ngàn cây số.
Không nổi tiếng bằng Omaha Beach nhưng Utah Beach cũng để lại một số dấu ấn trong tôi. Tại đây, được xây dựng viện bảo tàng và nhìn từ xa trông giống như một con sò khổng lồ bị mắc cạn trên bãi biển. Và cái đặc biệt ở đây, đó là vị trí mà viện bảo tàng được xây lên xưa kia là lô cốt của quân Đức bị quân Mỹ khống chế
Khác với viện bảo tàng ở Omaha, chủ yếu giải thích về cuộc giáp chiến đôi công trên bãi biển, Utah Beach giải thích nhiều hơn về những công nghệ tiên tiến mà quân Liên Minh sử dụng trong ngày đổ bộ.
Quay lại quá khứ, Utah Beach đóng một vai trò khác so với 4 bãi biển còn lại. Thứ nhất, nó là phương án B, nếu như kế hoạch đổ bộ tại 4 khu vực kia không thành công thì quân liên minh vẫn có thể đổ dồn toàn bộ lực lượng vào Utah như quân bài cuối cùng. Thứ hai, quân liên minh cũng cần một cảng biển đủ độ sâu để đưa vào đất liền một số lượng lớn thiết bị quân sự trong một thời gian ngắn tiếp viện cho các khu vực kia và chỉ có Utah mới đáp ứng được nhu cầu đó.
Ngày nay, trên bãi biển còn sót lại khá nhiều di tích giúp ta phần nào mường tượng được sự kiên cố trong phòng thủ của quân Đức. Họ thiết lập hàng loạt dây thép có gai để ngăn không cho lan can chở lính của đối phương đổ bộ. Tiếp đến là những bức tường bằng bê tông cao tầm 1m80 mục đích là để chặn bước tiến nhanh của xe bọc thép. Nhưng với chiến thuật hợp lý của quân liên minh, họ cho máy bay dải thảm để phá hủy những chướng ngại vật này và giúp cho kế hoạch Utah thành công.
Trái ngược với Omaha Beach, quân Mỹ ở Utah Beach không gặp quá nhiều khó khăn trong việc đổ bộ do lực lượng phòng ngự của Đức bị làm yếu đi sau những đợt oanh tạc của máy bay |
quân liên minh ồ ạt đổ bộ lên Utah Beach cộng theo hàng ngàn tấn trang thiết bị tiếp viện cho các khu vực lân cận |
Utah Beach ngày nay trở nên thành bình. Những vết hằn do bánh xe tăng chạy qua đã tan biến theo thời gian và nay là những đụn cát mịn |
Chỉ thiệt hại không quá 100 binh lính, một đài tưởng niệm cũng được dựng lên để tưởng nhớ chiến công của họ |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét