Lịch sử phát triển corrida hiện đại
Có lẽ lại phải nói đến vùng Andalusia như là cái nôi của corrida hiện đại. Như đã nói ở phần trước, người ta tìm thấy những dấu vết xuất hiện của corrida ngay từ thời trung cổ khi giới quý tộc Tây Ban Nha rất ưa thích săn bắt bò hoặc biểu diễn đấu nhau với bò. Theo tục lệ thời ấy, đặc biệt là với truyền thống hiệp sĩ nối danh, sự dũng cảm là chỉ tiêu số một của một hiệp sỹ trẻ và các cuộc đối đầu với bò tót thường được tổ chức. Truyền thống đó vẫn cứ tồn tại ở Tây Ban Nha cho đến đầu thế kỷ XVIII khi mà nước Tây Ban Nha đang dần suy yếu so với các cường quốc láng giềng (Anh, Pháp, Hà Lan).
một bức tranh miêu tả cuộc chiến giữa hiệp sỹ và bò tót, một khung cảnh khá phổ biến ở Tây Ban Nha thời Trung Cổ |
Bản thân những giá trị nhân văn của tầng lớp hiệp sỹ quý tộc cũng dần đi vào dĩ vãng nên vị trí của corrida trong xã hội Tây Ban Nha cũng đã bị thay đổi. Cũng vào thế kỷ này, có một sự kiện lịch sử làm thay đổi hoàn toàn corrida. Vua Tây Ban Nha rất ghét trò corrida nên nghiêm cấm tầng lớp quý tộc được trực tiếp tham gia nhưng họ có thể đứng ra làm người tổ chức corrida. Khi mà giới quý tộc không tham gia được thì phải tìm người khác thay thế. Và thế là tầng lớp dân thường lần đầu tiên trong lịch sử trở thành những nhân vật chính của corrida. Và cũng bắt đầu từ đó, xuất hiện những matador xuất thân từ tầng lớp hạ lưu trở thành những huyền thoại trong lịch sử corrida Tây Ban Nha.
Các tác phẩm của họa sĩ lừng danh Francis Goya nói rất nhiều đến corrida vào đầu thế kỷ 19 |
Trong lần tôi thăm viện bảo tàng corrida (nằm ngay trong đấu trường Maestranza của Sevilla), tôi có dịp khám phá danh sách những matador huyền thoại của Tây Ban Nha và được biết phần lớn trong số họ sinh ra trong các gia đình có truyền thống là địa chủ hoặc nông dân chăn nuôi bò tót. Một thời gian sau đó, tôi tìm hiểu thêm thông tin và các chiến sỹ đấu bò tót này và rơi vào một cái tên làm tôi nhớ mãi : Manolete. Nếu có dịp, tôi khuyến khích các bạn xem một bộ phim rất hay nói về nhân vật có thật này.
Bộ phim Manolete tôi tình cờ xem do tải lậu năm 2010 |
Nghệ thuật biểu diễn corrida ngày nay khác nhiều so với những năm 30 thế kỷ trước. Hồi ấy, màn diễn quan trọng nhất là lúc các matador đâm nhát kiếm cuối cùng vào cổ con bò. Nhưng ngày nay, người xem dồn sự chú ý nhiều hơn vào những bước uyển chuyển của matador mỗi khi anh ta cho con bò luồn qua dải khăn màu đỏ.
Lấy nhu (sự mềm mại trong bước đi của matador) chống lại cương (sự hung dữ của con bò), đó là sự tinh tế trong nghệ thuật corrida hiện đại. Mặt khác, nếu như xưa kia con bò nhiễm nhiên bị giết sau mỗi trận đấu thì ngày nay nhiều chú bò được tha bổng bởi sự dũng cảm hiếm có của chúng.
Không phải người Tây Ban Nha nào cũng thích corrida
Tôi luôn nghĩ rằng món tất cả người Tây Ban Nha đều tự hào về món corrida như là một biểu tượng cho truyền thống văn hóa của họ. Tuy nhiên, càng gặp gỡ các bạn trẻ Tây Ban Nha, tôi càng được khẳng định thông tin rằng gần như một nửa người dân Tây Ban Nha không đồng tình với sự tồn tại của trò chơi này. Một phần, đây là thái độ khá lôgíc khi mà phong trào bảo vệ động vật ngày càng phổ biến tại phương Tây. Một phần khác, cũng phải nói rằng việc chỉ có một số vùng hưởng ứng corrida có nguyên nhân sâu xa của nó.
Corrida được sinh ra tại Andalusia và phát triển sâu rộng tại vùng Castilla, Basque và Valencia. Nhưng cũng chỉ có các vùng này là người dân hưởng ứng corrida. Còn các vùng khác đặc biệt là vùng Catalan, họ có lịch sử văn hóa lâu đời và rất khác với văn hóa Tây Ban Nha cận đại (họ có ngôn ngữ riêng). Vì thế cũng từ khá lâu rồi, nhiều khi họ tự nhận vùng của họ là một quốc gia riêng (về mặt văn hóa mà nói) và corrida như là một minh chứng cho sự « đàn áp » của nền văn hóa đến từ Madrid hay Andalusia và họ ghét điều đó.
Cũng mới gần đây thôi, chính quyền địa phương vùng Catalan đã ban hành luật chính thức nghiêm cấm 100% sự tồn tại của corrida tại vùng này. Tôi cũng không biết sắp tới sẽ đến lượt vùng nào khác đi theo ví dụ của Catalan nhưng tạm thời thì chính phủ quốc gia Tây Ban Nha đang làm mọi cách để cứu sống corrida và coi nó như một di sản văn hóa quốc gia.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét