Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2011

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Hơn 50 năm qua, làng Then nổi tiếng vì có ban nhạc với những nhạc công đều là nông dân.

(ICTPress) - Hơn 50 năm qua, làng Then nổi tiếng vì có ban nhạc với những nhạc công đều là nông dân.

Làng Then ở Bắc Giang giống như nhiều làng xã khác ở Việt Nam với cánh cổng làng màu vàng và những cánh đồng lúa trải dài. Những con đường làng và những ngôi nhà với sân vườn rộng để phơi lúa nằm bên cạnh những ngôi nhà hiện đại 3 đến 4 tầng.

Nhưng làng Then không giống như các làng xã khác ở Việt Nam - không phải về diện mạo mà là âm thanh từ ngôi làng này.

Đó là hình ảnh những người nông dân mang theo violin ra đồng. Hơn 50 năm qua, làng Then nổi tiếng vì có ban nhạc với những nhạc công đều là nông dân.

"Làng vĩ cầm" cũng giống như nhiều ngôi làng khác song lại có những âm thanh khác biệt.

Ông Nguyễn Quang Khoa, trưởng ban nhạc toàn nam này (phụ nữ thường bận rộn khi lập gia đình nên khó theo đuổi âm nhạc), bắt đầu học violin từ khi còn là thiếu niên và sau đó đi bộ đội từ thời chống Mỹ.

"Tôi học Beethoven từ rất sớm – nhưng tôi không hiểu về violin cho tới mãi sau này và giờ đây tôi thấy violin rất tuyệt vời", ông Khoa cho biết trong gian nhà chất đầy những con ngựa hàng mã đang làm dở.

"Hôm nay không có ai chơi violin cho bạn được vì chúng tôi đang vào vụ gặt. Tất cả đều bận rộn, và tay chúng tôi thì rất đau. Hơn nữa chúng tôi cũng cần chút thời gian để luyện tập trước, chúng tôi chỉ là những người nông dân chứ không phải nghệ sỹ chuyên nghiệp", Ông Khoa nói.

Làng Then chủ yếu trồng lúa, nhưng cũng trồng bắp cải, cà chua và hoa. Ban nhạc thường luyện tập vào cuối tuần khi những nhạc công rỗi rãi hơn do không phải làm công việc đồng áng.

Ông Khoa nói làng Then được biết tới từ lâu vì có những nhạc công tài năng, nhưng chính việc sản sinh ra rất nhiều người chơi violon đã khiến làng trở nên nổi tiếng.

Những nhạc công này đã biểu diễn khắp nơi trên đất nước, trong đó có Nguyễn Hữu Đưa – người đã được học violin khi một giáo viên nổi tiếng đến làng này vào năm 1956 lúc ông còn là một nông dân trẻ.

Thời gian trước đó, các nhạc công làng Then chủ yếu chơi mandolin và ghita và trước đó là đàn nguyệt.

Ông Đưa đã bán cả vụ lúa cùng với gia cầm để mua chiếc đàn violin từ 50 năm trước.

Ông Đưa đã bán cả vụ lúa cùng với gia cầm để mua đàn nhiều năm trước đây và cho đến nay vẫn chơi cây đàn này. Mặc dù cây đàn đã lạo xạo, nhưng ông vẫn có thể chơi nhạc của nhà soạn nhạc Brahms theo trí nhớ.

Câu chuyện bắt đầu khi ông Đưa thuyết phục chính quyền địa phương cử một giảng viên vĩ cầm đến làng trong vòng một năm để dạy cho người dân ở đây. Vào những năm 1970, ông Đưa đã có nhiều học sinh, trong đó có ông Khoa khi đó còn là một cậu bé.

Ông Khoa sau đó nhập ngũ và sau hai năm được đào tạo thêm về thanh nhạc và sân khấu, ông được ban tuyên truyền nhận về.

"Tôi rất nhớ về một hội diễn trong quân ngũ. Nhiều người trong làng chúng tôi tham gia trong các đơn vị khác nhau đã có dịp hội ngộ trong liên hoan đó. Nó giống như một sự đoàn tụ nhưng chúng tôi lại là đối thủ của nhau trên sân khấu.", ông Khoa vừa nhớ lại vừa cười lớn.

Hiện nay, đài truyền hình trung ương phát các chương trình tìm kiếm tài năng trong quân đội khác xa với những buổi biểu diễn trong thời chiến. "Nó rất khác. Lúc đó, chúng tôi chơi nhạc để tuyên truyền, còn bây giờ thiên về giải trí và nghệ thuật hơn", ông Khoa nói.

Trong khi nhiều người trong làng đã học chơi violin, nhưng chỉ có một số ít người tập hợp nhau lại và chơi thường xuyên. Những người khác quá bận rộn chuyện đồng áng.

Ban nhạc của ông Khoa thường tập hợp vài ngày trong tháng để luyện tập. Họ thường chơi nhạc ở trong tỉnh Bắc Giang tại các dịp lễ hội.

"Tôi phải chọn nhạc phù hợp với khán giả - với khách nước ngoài có thể chúng tôi chơi bản Sông Danube xanh nhưng đối với người dân địa phương chúng tôi sẽ chơi những bản nhạc truyền thống", ông Khoa nói. Hiện nay nhạc cổ điển vẫn chưa được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam và ông Khoa nhận thấy khán giả của mình có lẽ chưa thực sự cảm nhận được nhạc của Tchaikovsky.

Tuổi tác không làm ông Nguyễn Hữu Đưa mệt mỏi dù đã ở tuổi 78. Ông vẫn say sưa với âm nhạc mặc dù bận với công việc đồng áng. Ông đã đi nhiều nơi trên khắp đất nước để biểu diễn cho quân đội. Ông cũng đã chơi đàn ở nhà hát lớn. Tuy vậy, ông vẫn khiêm nhường nói mình vẫn chỉ là một nông dân.

Bảo Ngọc

Theo CNNGo

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Link to full article

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến