Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2011

Chỉ mới trong tháng rồi, với chuyến lang bạt ba ngày thăm thác Hòa Bình và biển Sông Lô: bọn mình đã dự định cung về sẽ băng qua hai đảo Gò Găng và Long Sơn nhưng dự định bất thành vì lúc ấy cầu Chà Và chưa thông xe.

< Lại tái ngộ phà Cát Lái buổi sớm mai...

Tuy nhiên chỉ một tuần sau đó (ngày 12-11) thì tuyến đường đã thông suốt sau lễ khánh thành cây cầu nối liền hai đảo thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu này... hứa hẹn một sự phát triển mạnh trong tương lai để Gò Găng trở thành trung tâm du lịch hiện đại. Còn dân phượt ta lại có thêm một cung đường mới bắt nguồn từ QL51 - Ngã 3 Long Sơn - Đảo Long Sơn - Cầu Chà Và - đảo Gò Găng - Vũng Tàu - Cầu Cửa Lấp - Long Hải...

< Công tơ mét của xe mình lúc khởi hành có chỉ số 61650.

Vậy là bọn mình khởi hành đi chuyến nhỏ này:
Nếu không tính cái là lạ khi qua các đảo để đi Vũng Tàu hay Long Hải thì đoạn đường trên cũng không dài hơn đường đi chính thống bằng QL51 là bao:

- Tính từ ngã 3 Long Sơn (QL51) đến Trung tâm Long Hải khoảng 22km.
- Tính từ ngã 3 Long Sơn (QL51) băng qua 2 đảo đến Trung tâm Long Hải khoảng 27km.

< Buổi bình minh thật đẹp với những áng mây đỏ gạch...

Dài hơn không bao nhiêu nhưng bạn sẽ có dịp ghé thăm núi Nứa (có đường chạy xe lên núi), Nhà Lớn (đền Ông Trần - Long Sơn), khu ẩm thực Bến Đá...v.v.
Lại tránh bớt đoạn QL51 đã quá quen thuộc rồi.

< Sân bóng làng ở Phước Lý.

Tỉnh lộ 769 bên kia phà Cát Lái bây giờ phẳng phiu với đường rộng rãi khang trang. Duy chỉ còn đoạn ngay cụm dân cư Đại Phước thì phải rẽ phải vào đường vòng vì cầu Phước Lý vẫn đang trong quá trình thi công...
< Cầu bắc ngang cửa cống, đường tạm thay thế cây cầu chính đang thi công.
< Với giấc khởi hành khoảng hơn 4h và đi theo ngõ Cát Lái thì bọn mình thường đón bình minh của một ngày mới tại xã Phú Đông hoặc Phú Hữu, sớm hơn là trên phà. Tuy nhiên ánh ban mai nơi nào cũng đẹp cả.
Trong tương lai: khi trục đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây hoàn thành cùng với các cầu Sông Tắc, cầu Long Thành thì mình nghĩ lưu lượng xe qua phà Cát Lái sẽ giảm nhiều.
Đất nước đang đà phát triển nên mỗi năm có khá nhiều cầu, đường mới được thi công, khánh thành giúp việc luân chuyển hàng hóa - đi lại thuận tiện hơn giữa các vùng miền. Còn đám phượt nhà ta lại có dịp thử thách với những cung đường mới...
< Thời tiết hôm nay khá thuận lợi, không nắng gắt nên chiếc áo gió chủ yếu che bụi đường và có túi đựng đồ linh tinh.
< Ghé vào một cây xăng ngay ngã 3 Nhơn Trạch: mình đổ 5L. Từ bây giờ cho đến lúc về đúng nơi này: cung đường là 355km tốn hết chừng đó xăng.
Xe mình cũ: tính ra độ hao như vậy cũng không nhiều - nếu đổ đầy bình (gần 7L) thì tha hồ vi vu.
< Ngã 3 Nhơn Trạch đây: khúc này đường hơi te tua chờ nâng cấp.
Bọn mình rẽ phải theo QL51 hướng Vũng Tàu.
< QL51 cũng như tháng trước, năm trước...
.
Thông tin về QL51: Ngày 2.8.2009, tại xã Tam Phước (huyện Long Thành- Đồng Nai) Cty CP phát triển đường cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu (BVEC) đã chính thức khởi công xây dựng Dự án đầu tư mở rộng QL 51.
Dự án mở rộng QL 51 có hướng tuyến bám theo đường hiện hữu với chiều dài 72,7km, kết cấu mặt đường bằng bêtông nhựa trên nền cấp phối đá dăm, có tốc độ thiết kế 80km/giờ.

< ... vì thời gian hoàn thành (hoàn thành mặt đường, phân luồng, cầu cống, cầu vượt, đèn tín hiệu, trạm thu phí...) vẫn còn... vô hạn định, he he...

Mặt cắt ngang đoạn đường thông thường rộng 32,9m, gồm 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp. Toàn tuyến sẽ xây dựng và mở rộng 21 cầu; làm mới 8 cầu và 12 cầu vượt dân sinh. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành trong vòng 3 năm, với tổng vốn 3.200 tỉ đồng.
< Nhưng nếu không nhìn lên mà nhìn xuống thì QL51 đã khá lắm so với năm rồi, năm kỉa năm kia vì chỉ còn một số khoảng đang chờ trải nhựa.

Tổng vốn không biết đến bây giờ "độn" lên bao nhiêu theo đà trượt giá nhưng hoàn thành trọn vẹn các đề mục như trên có lẽ còn khá lâu với cung cách làm nhởn nhơ như hiện tại.
< Vào địa phận Bà Rịa - Vũng Tàu rồi.

Bà Rịa - Vũng Tàu là một tỉnh ven biển thuộc vùng Đông Nam Bộ với thành phố Vũng Tàu là thành phố du lịch và là đô thị lớn nhất tỉnh. Đây cũng là một tỉnh có nền kinh tế phát triển tột bậc của nền kinh tế trọng điểm phía nam và của cả nước.
< Trạm thu phí Cỏ May cũ: bây giờ chỉ còn chờ đợi bứng đi hoặc nâng cấp dành cho sau này thu phí đường mới.

Tỉnh có nền dịch vụ hải cảng lớn nhất cả nước, là trung tâm trung chuyển hàng hóa của Đông Nam Á và của cả thế giới. Du lịch và dầu khí là ngành kinh tế quan trọng của cả khu vực và thế giới.
< Chỉ sau 1 phút qua trạm là thấy ngã 3 Long Sơn: bọn mình quẹo phải - Lúc này chỉ mới 8h25.
Thời tiét lúc mình đi không còn gì tuyệt hơn vì không nắng, cũng chả mưa. Sướng cái nữa là bầu trời vẫn nhiều lúc trong xanh, chụp ảnh đẹp.
< Cầu Ba Nanh, cây cầu bắc vào đảo Long Sơn. Núi bạn thấy trong ảnh là núi Nứa. 

Quần thể núi Nứa có ba đỉnh, cao nhất là đỉnh Bà Trao (183m), tiếp đến là đỉnh Núi Rồng (120m), về phía nam có đỉnh Hố Vong (hơn 100m). Trên đỉnh Bà Trao có một cột đá cao 5m gọi là Hòn Một. Trong khu vực này còn có hai khối đá dài bắc ngang tựa như con tàu biển, nên được gọi là Hòn Tàu. Nơi này là điểm dã ngoại khá lý thú dành cho các bạn trẻ thích vui sống cùng thiên nhiên, biển trời núi non.
< Từ cầu vào đến ngã 3 trung tâm đảo chỉ 1,7km. Ở ngã 3 này có 2 hướng: nếu bạn quẹo phải là đi hồ Mang Cá, núi Nứa hoặc Cầu Đá. Bọn mình rẽ phải trước đã.
< Đây là hồ Mang Cá. Mình nghĩ tên như vậy vì hình dáng hồ nếu xem trên bản đồ có vẻ rất giống cái mang cá thật, cá rô cá phi... hay giản đơn hơn là cái vạch ở hai bên đầu chiếc lồng đèn con cá vào mùa trung thu.
< Đường cạnh hồ, nếu đi thẳng đến hết đường là bến Cầu Đá. Nếu bạn thích ẩm thực thì gởi xe tại bến Cầu Đá, từ đó sẽ có ghe chở bạn ra các bè cá (miễn phí).
Các bè này phía dưới nuôi cá, hàu... còn phía trên là nhà hàng hải sản. Giá cả mình nghe nói không rẻ, cũng chả mắc nhưng chất lượng "tươi sống" thì đảm bảo.
< Đường ở Long Sơn nhỏ thôi nhưng khung cảnh: bạn thấy cũng tuyệt đó chứ?
Quay trở ra, qua hồ thì mình gặp con đường rẽ phải...
< Hóa ra đây là đường vào khu du lịch sinh thái Du Sơn.


Thông tin về KDL này:
Khách đến Du Sơn ngoài thú vui vãn cảnh, câu cá còn được thưởng thức nhiều món ăn đặc sản của miền biển Vũng Tàu như: hào, cua, ghẹ, cá chẽm, cá mú, tôm… được chế biến theo nhiều cách khác nhau, phù hợp với khẩu vị của chính bạn.


Đứng trên ngọn núi nhỏ - núi Nứa - bạn có thể nhìn bao quát toàn cảnh quần thể xã Long Sơn, với hàng nghìn ngôi nhà lớn, nhỏ ẩn nấp xa xa trong khung cảnh cây cối xanh biếc rất thơ mộng. Trong không khí thật yên lặng xa hẳn tiếng xe cộ ồn ào đô thị, bạn sẽ thấy nhẹ nhàng tâm hồn. Ngồi trên ghế đá dưới tán cây hưởng gió mát, bạn có thể nghe thấy tiếng côn trùng, tiếng chim hót xa xa và cả tiếng lá rơi xào xạc. Mọi nỗi mệt nhọc của những ngày tháng làm việc căng thẳng, vất vả như được tiêu tan.

Khu sinh thái Du Sơn rất phù hợp với loại hình du lịch cuối tuần. Điểm du lịch này vẫn giữ được vẻ hoang sơ của thiên nhiên.
Nếu có dịp du khách đừng quên đến với Du Sơn, đến đây du khách sẽ được phục vụ tận tình, chu đáo với các dịch vụ lưu trú, đi lại, ăn uống, tắm, câu cá... theo nhu cầu và sở thích của du khách. Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ: thôn 1 xã Long Sơn, Tp.Vũng Tàu; ĐT: 064. 211 300...
Bọn mình chỉ thích... du phượt chứ không phải... du lịch nên không vào, bèn chạy ra.

Lại gặp tiếp một nhánh rẽ phải - phía ngoài là đường nhựa phẳng phiu, đi một đoạn thì tới đường rải đá, chạy cà tưng cà tưng nên lại trở ra (sau này hỏi lại mới biết đường ni lên núi khỏi mua vé, hic).
Chạy tiếp, chạy qua ngả 3 trung tâm Long Sơn, hướng về chợ. Đường tráng nhựa nhưng rải đá dăm, bụi tung mù nên bà con gom bớt lại thành đống...
< Gần ngay chợ mới là thôn văn hóa...
Phía trong là chợ cũ.
< Nhà Lớn Long Sơn đây.

Long Sơn vốn nổi tiếng với di tích Nhà Lớn, nơi đã được công nhận là di tích văn hóa lịch sử vì những công trình kiến trúc cổ và những phong tục tập quán xưa cũ khá độc đáo vẫn còn được người dân ở đây lưu giữ lại.
Nhà lớn Long Sơn hay Đền Ông Trần là một quần thể kiến trúc nghệ thuật theo lối cổ, được làm bằng gạch ngói và các loại gỗ quí tọa lạc tại thôn 5, với tổng diện tích khoảng 2 ha, chia thành ba khu: đền thờ; nhà hội, trường học, chợ, nhà bảo tồn Ghe Sấm và khu lăng mộ ông Trần.
Nhà Lớn còn là nơi tập trung sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của tín đồ tin theo ông Trần. Nhà Lớn Long Sơn còn là khu di tích lưu giữ nhiều cổ vật quý báu có nguồn gốc từ nhiều nơi trên đất nước ta. 33 tủ thờ cổ cẩn xà cừ có nguồn gốc từ Hà Ðông, bộ salon bát tiên chạm trổ rồng phượng tinh vi có từ thời vua Thành Thái.

Nhà Lớn Long Sơn gồm nhiều nhà có lối kiến trúc tựa kiểu đình làng Việt Nam, nhưng không theo một qui hoạch tổng thể nào cả.
< Trong một căn của Nhà Lớn.

Các nhà lầu nhà trệt xen kẽ kế tiếp nhau, không đăng đối, không sau trước, đã tạo nên một bố cục kiến trúc khác lạ, phá vỡ nghiêm luật xây dựng đương thời.

Lúc đầu, Nhà Lớn được làm bằng gỗ ván, tre nứa, nhưng sau này khi trùng tu các con cháu và đệ tử Ông Trần đã cho thay thế một phần bằng gạch ngói và xi măng.

Nhìn chung, Nhà Lớn là một tập hợp quần thể kiến trúc khép kín và liên thông, được chia thành ba khu riêng biệt đó là: Khu nhà thờ, khu lăng mộ Ông Trần (nằm về phía Nam kế khu nhà thờ, rộng 42 m2, lát gạch, có tường hoa bao bọc. Phía đầu ngôi mộ có một miếu nhỏ thờ Ông Trần), và một quần thể bao gồm nhiều nhà với nhiều chức năng khác nhau như đã kể trên.

Tất cả đều thể hiện nét tín ngưỡng của đạo Ông Trần và tính quần cư, đoàn kết giữa những người dân tha hương khi đến chốn rừng núi hoang vu lập nghiệp.

Còn tiếp

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!

Link to full article

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến