Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

Trước khi đến với Sơn Đoòng, tôi tưởng tượng những nỗi gian truân sẽ chờ đón mình: phải lặn không bình hơi qua một đoạn sông ngầm, thả người bằng dây xuống vách đá... Nhưng những điều ấy xem ra chẳng thấm vào đâu so với những gì tôi đã trải qua.

< Một đoạn mái của hang Sơn Đoòng bị sập nhiều năm trước đã tạo điều kiện cho ánh sáng ùa vào, cây cối xum xuê phát triển, tạo nên một cánh rừng kỳ vĩ giữa lòng hang. Các nhà thám hiểm đặt tên cho nơi đây là Vườn địa đàng.

Những bộ ảnh chụp Sơn Đoòng do Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh công bố và sau đó được in trên tạp chí National Geographic gây choáng váng dân làm nghề nhiếp ảnh chúng tôi, thế nhưng để có những bức ảnh tuyệt đẹp như thế, người chụp ảnh cần phải có...


< Vượt rừng để đến cửa sau của hang Sơn Đoòng.

... hàng chục loại thiết bị hỗ trợ: từ máy phát điện, bộ đồ lặn cho tới các thiết bị leo núi và nhất là phải có máy ảnh đặc dụng... Trong khi chúng tôi vào Sơn Đoòng chỉ với chiếc máy ảnh loại xoàng, đôi giày vải cao cổ và chai nước.

< Bức ảnh tuyệt mỹ trong lòng hang Sơn Đoòng trên tạp chí National Geographic.

Để có thể vào hang Sơn Đoòng, trước hết phải vượt qua một dải núi không có đường mòn và đây là vào cửa sau của hang, tương đối dễ đi hơn so với cửa trước hang. Đoạn đường này không có gì khó đối với các hướng dẫn viên của Công ty Oxalis chuyên tổ chức các tour du lịch mạo hiểm, nhưng với chúng tôi vẫn là thử thách khá cam go: băng qua rừng Trường Sơn không dấu chân người, vượt qua một đỉnh núi cao để tới được sườn bên kia. Toàn bộ khu vực này đều nằm trong vùng lõi của vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng từng được cả thế giới biết đến với động Phong Nha và động Thiên Đường.

< Cửa sau của hang Sơn Đoòng.

Câu chuyện kỳ thú về Sơn Đoòng được viết từ năm 1999, khi Hồ Khanh - một người địa phương - đã đưa đoàn thám hiểm của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh vào được trong lòng hang, từ đó những hình ảnh về Sơn Đoòng mới được thế giới biết tới. Ngay buổi sáng vượt qua khu rừng rậm chằng chịt dây leo, tôi gặp Hồ Khanh đang đưa một đoàn các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về thực vật cũng vào Sơn Đoòng. Trong khi nhóm do Hồ Khanh dẫn đường mất hút vào rừng thì chúng tôi vẫn loay hoay trên con đường nhoe nhoét bùn và tầng tầng lớp lớp lá mục, càng đi càng dốc ngược.

Đã vài lần leo đỉnh Phanxipăng và vượt một số cung đường rừng núi khác, tôi vẫn thấy kinh hãi trước thử thách ở đây. Trời không mưa nhưng vách núi trơn như thoa mỡ, chúng tôi phải bò như thằn lằn trên những vách đá tai mèo sắc như dao, chỉ sểnh chân là rơi xuống vực. Sự mệt mỏi gần như hút hết sinh khí, mỗi bước chân là một cực hình, nếu anh em Oxalis không ngớt động viên có lẽ tôi đã ngồi lại để đợi mọi người quay về! Sau khoảng ba giờ leo núi, cuối cùng cửa hang Sơn Đoòng hiện ra trong tầm mắt.

< Chỉ cần vào hang vài chục mét đã chạm bóng tối mịt mùng.

Cũng không giống những hình ảnh về Sơn Đoòng được xem trên Internet, sau khi lần từng bước vào bên trong hang được vài chục mét, trước mắt chúng tôi là bóng tối mịt mùng. Chiếc đèn gắn trên trán chỉ giúp chúng tôi quan sát trong tầm vài mét, song cũng đủ để thấy được những nét kỳ ảo của vô vàn thạch nhũ trong hang. Dưới nền hang, chúng tôi bắt gặp hàng nghìn viên đá tròn nhỏ, sản phẩm của quá trình bồi lắng canxi quanh một lõi ban đầu và sự lưu chuyển chậm của nước, tương tự quá trình hình thành ngọc trai.

Do vào cửa sau của Sơn Đoòng, chúng tôi không được chiêm ngưỡng cảnh sắc ngoạn mục của thảm rừng nguyên sinh mọc trong lòng hang nhưng những gì được chiêm ngưỡng ở đây cũng kỳ diệu lắm rồi.

Có một vực sâu chia cắt hai phần Sơn Đoòng được đặt tên là “Bức tường Việt Nam”, khi lần mò đến vực và ném đá xuống, phải rất lâu sau tôi mới nghe tiếng vọng lại. Đó là một vực thẳng tuột sâu khoảng 80m và những người khám phá Sơn Đoòng từ cửa trước cũng sẽ bị chặn tại đây.

Trong khi nền hang Phong Nha và Thiên Đường đã được cải tạo bằng phẳng và lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng thì nền hang Sơn Đoòng trơn nhẫy, ẩm ướt với nhiều vũng nước. Đó chính là nguồn cung cấp nước cho hành trình trở về của chúng tôi bởi chai nước suối mang theo đã hết sạch từ lâu. Sau nắm cơm vắt ăn vội của bữa trưa trong hang, đoàn chúng tôi vội vã trở ra. Lại những gian nan y như lúc vào nhưng cơ thể ai nấy đều đã rã rời. Sau nhiều giờ ngâm nước trong hang, giày ướt sũng, còn quần áo, mũ và tóc tai chúng tôi đẫm mồ hôi. Khi trời gần tắt nắng, tôi cũng chạm tay được mặt nhựa trên đường Hồ Chí Minh, nơi xe đang chờ sẵn.

Trong một quán ăn ven sông Son, chúng tôi cùng nhau thưởng thức món cá chình đặc hữu của vùng Phong Nha - Kẻ Bàng và nâng ly mừng chuyến khám phá Sơn Đoòng kết thúc tốt đẹp. Thật bất ngờ khi được biết chúng tôi mới là đoàn thứ ba vào được lòng hang Sơn Đoòng!

Du lịch, GO! - Theo Dulidh Tuoitre, internet

Link to full article

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến