Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012


Thật là bất công nếu như chỉ nói đến câu lạc bộ bóng đá FC Barcelona khi nói về thành phố Barcelona. Thành phố này còn là nơi của giới trẻ, nơi của những hộp đêm, nơi của cuộc sống về đêm, nơi của những party, và là nơi của nghệ thuật kiến trúc hiện đại. Và nếu như tôi đến đây, chắc chắn là để chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc táo bạo, những ví dụ mà tôi đã được nghe qua trên giảng đường đại học

Khu phố cổ barrio gotico
Ngược theo dòng thời gian, tôi bắt đầu cuộc khám phá của mình từ khu phố cổ barrio gotico. Trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là « khu phố trung cổ ». Điều đó cũng đủ để nói lên rằng khu này có nguồn gốc từ thời trung cổ và một số tòa nhà quan trong trọng nhất như trụ sở tòa thị chính và nhà thờ lớn đều theo dòng kiến trúc  gôtích. Tại đây là một mê cung các nẻo đường nhỏ và rất yên bình do chỉ người đi bộ mới được phép đi lại. Đó là một điểm khiến du khách tìm đến đây vì thông thường người ta hay nghĩ đến Barcelona với những tòa nhà hiện đại hơn. 




 Quảng trường Plaza Reial là điểm dừng chân hợp lý sau khi thăm khu phố cổ  barrio gotico. Cũng là một trong những điểm du lịch chính của thành phố nên cũng có nhiều khác du lịch.

 Palau Naioncal, trụ sở của viện bảo tàng nghệ thuật quốc gia. Được xây dựng nhân dịp triển lãm 1929 trên ngọn đồi Montjuic. Từ đỉnh đồi có thể ngắm toàn cảnh Barcelona tuyệt đẹp

 Kiến trúc sư Antoni Gaudi, người con của xứ Catalan
Nói đến kiến trúc hiện đại của Barcelona, không thể không nói đến vị kiến trúc sư tài ba này, người đã có những đóng góp to lớn cho thành phố với những  công trình kinh điển được Unesco công nhận là di sản thế giới. 


La Sagrada Familia, tác phẩm nghệ thuật còn dở dang của kiến trúc sư Antoni Gaudi được công nhận là di sản văn hóa thế giới bởi Unesco năm 2005. Tất cả bắt đầu vào năm 1882, Giáo chủ Thiên Chúa giáo Pie IX khởi xướng một cuộc cách mạng nhằm khôi phục lại lòng tin vào chúa trong thời điểm và tín ngưỡng bị cạnh tranh nghiêm trọng bởi sự tiên tiến của khoa học. Nhà thờ Sagrada Familia được xây dựng như một biểu tượng của lòng tin vào chúa, là cầu nối đoàn kết của người dân Catalan sùng đạo. 

Trọng trách xây dựng được giao cho Gaudi, bản thân cũng là một người sùng đạo và coi việc thi công này nhưu « nhiệm vụ của chúa ». Tất cả tâm huyết cuộc đời của ông đều nằm ở đây với 16 năm cặm cụi. Thật không may mắn là ông qua đời sau một tai nạn giao thông năm 1926. Vào thời điểm ấy, nhà thờ Sagrada Familia mới chỉ được hoàn thành một phần tường bao bọc, một cửa vào, phần thánh đường. Công trường vẫn được thi công theo bản phác thảo của ông mặc dù gặp nhiều gián đoạn do bất ổn chính trị và chiến tranh. Năm 2011, công trình đã được lợp mái và theo dự kiến phải đến năm 2040 thì mới hoàn thành 100% !!! 
Việc thi công theo ý tưởng của Gaudi không phải là không có khó khăn. Những vật liệu xây dựng hiện tai chưa chắc đã là những vật liệu mà Gaudi muốn sử dụng. Tiếp đến, theo như bản thiết kế của ông, có rất nhiều chi tiết đòi hỏi kỹ thuật xây dựng để làm sao giữ được cân đối công trình khi sử dụng quá nhiều khối đá lớn. Cái này chưa bao giờ được Gaudi phổ biến trước khi mất.
 Công viên Guell, một tác phẩm nghệ thuật khác của Gaudi. Và cũng giống như Sagrada Familia, công trình này còn dở dang khi Gaudi mất. Vào năm 1900, một thương gia khét tiếng Eusebi Guell mong muốn xây dựng một khu công viên kiêm  chung cư với mục đích kinh doanh và yêu cầu Gaudi thiết kế.  Nhưng vào năm 1914, kế hoạch xây dựng hao tổn kinh phí nhiều hơn dự kiến và bị đổ bể và chính quyền thành phố quyết định biến khu vực thành công viên công cộng. Điểm đặc trưng của công viên Guell nằm ở sự xuất hiện của sành sứ nhiều màu như là vật liệu trang trí chính cộng với bêtông.

 Ngay từ cổng vào, tôi đã bị làm ngạc nhiên bởi những ngôi nhà có hình dáng kỳ dị. Hình nấm ? Hay là nhà hình bánh mì ?


Một con thằn lằn lửa nhiều màu tiếp đón du khách tại chân cầu thang, đường dẫn lên một khu rừng cột đá (84 cột). Và ngay trên đó là nóc của khu vườn nơi có thể ngắm toàn cảnh thành phố. 


Dấu ấn của Gaudi không dừng lại ở công viên Guell hay nhà thờ Sagrada Familia mà còn ở vô số chi tiết trên các con đường và tòa nhà của Barcelona. Hơi ngoài khu phố cổ một chút, tôi lại có dịp chiêm ngưỡng những ngôi nhà với hình thù quái dị của Gaudi. Trên đại lộ Passeig de Gracia, tòa nhà Casa Batllo, cũng được công nhận bởi Unesco. 

 Kết thúc vào năm 1910, ngôi nhà có bề mặt lượn sóng và làm bằng đá màu kem. Tòa nhà có biệt hiệu « la Pedrera » (đá thô) bởi những người đối lập với Gaudi. Cũng phải nói rằng vào đầu thế kỷ 20 mà xây lên những hình thù kỳ dị như thế này thì cũng không tránh khỏi lời ra tiếng vào. 

Ngay tiếp đến là một tòa nhà khác ấn tượng không kém : la Casa Amatller, thiết kế vào năm 1900 bởi kiến trúc sư Puig i Cadafalch, một trong những người tiên phong trong dòng nghệ thuật Art Nouveau xứ Catalan. 

 Lại thêm một tác phẩm nghệ thuật nữa, la Casa Lleo Morera, thiết kế bởi kiến trúc sư Luis Domenech i Montaner.


Những ý tưởng kiến trúc mới thời hậu Gaudi…

 Tháp Agbar, tòa nhà chọc trời 145m biểu tượng của Barcelona. Được thiết kế bới kiến trúc sư người Pháp Jean Nouvel, công trường kết thúc năm 2005 và được liệt vào danh sách những công trình kiến trúc tiêu biểu của thế kỷ 21.  Điểm đặc biệt của công trình này là toàn bộ được lợp một lớp kính cho phép tỏa ra những màu sắc khác nhau tùy thuộc vào nhiệt độ của anh sáng mặt trời rọi vào. Các ô cửa kính có thể tự động điều chỉnh mức mở rộng sao cho phù hợp, qua đó tiết kiệm được tối đa năng lượng. Người xem có nhiều phỏng đoán phong phú về hình thù của tòa nhà lắm, người thì bảo nó giống một viên đạn, người thì lại bảo nó giống….bao cao su !!

 Không quá xa tháp Agbar là Museu Tauri, viện bảo tàng về nghệ thuật đấu bò tót. Nó nằm trong một góc của đài đấu bò tót. Tất nhiên, không hoành tráng như đấu trường của Madrid nhưng Museu Tauri vẫn rất đẹp với lối kiến trúc pha trộn giữa Mudéjar và Byzantin.

Hành trình khám phá tâm hồn Barca ngày nay
 Quảng trường Plaza Catalunya, mọc lên vào năm 1854 và là trung tâm thương mại sầm uất nhất của thành phố với nhà bank, khách sạn và cửa hàng đồ hiệu. Đây là điểm tập kết của giới trẻ Barcelona trước khi rủ nhau đi đến một quán bar nào đó. Đối với cá nhân tôi, đây không phải là một quảng trường đẹp nhưng nó lại là một trong những biểu tượng của thành phố bởi vai trò là đầu não của hệ thống giao thông của thành phố. Hầu như tất cả các tuyến tàu điện ngầm và xe bus đều tập trung tại đây nên nếu có lạc đường thì cứ quay lại đây là OK.

 Las Ramblas dài 1,2km kéo dài ra tận bờ biển, là một trong những con đường đông người nhất và tất nhiên cũng là nơi có nhiều dân ăn cắp ăn trộm nhất. La Rambla (số ít) hay Las Ramblas (số nhiều) ? Theo như người dân địa phương, phải dùng số nhiều mới đúng. Thật vậy, nhìn trên bản đồ thì đúng là chỉ có một con đường thẳng tắp, nhưng trên thực tế, đường thẳng này được phân khúc thành nhiều vùng khác nhau : Rambla de Canaletes, Rambla del estudis, Rambla de las flores, Rambla del caputxin, Rambla de Santa Monica, Rambla del Mar.
 Người thật đóng giả làm tượng đá…một bài báo địa phương nói rằng những người làm nghề này đôi khi kiếm được đến hơn 3000euro/tháng. Thế thì hiển nhiên là nhiều người sẽ trục lợi và số lượng người hành nghề sẽ tăng lên

Ma cây
woah!!Cái bang trình độ cao đây
  Trước tình trạng đó, chính quyền địa phương đã ra điều luật mới, chỉ hạn chế 15 điểm hành nghề có cắm cọc đàng hoàng và chỉ cho phép hành nghề trong những khoảng giờ nhất định. Và những ai hành nghề chính thức ở đây phải trải của một kỳ thi để chứng tỏ tài năng của họ…

Nghỉ giải lao cái
Cửa hàng bánh ngọt Escriba đập vào mắt tôi bởi khẩu hiệu : « No solo hacemos pasteles, creamos ilusiones » (chúng tôi không chỉ làm bánh gatô, chúng tôi tạo ra những ảo tưởng). Qủa đúng vậy, bánh ga tô gì mà lại có những hình thu trông như vật dụng vậy. Có những chiếc nhẫn làm bằng caramel với đủ các sắc màu, rồi những bức tranh mà có thể ăn được…




0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến