Thứ Tư, 7 tháng 3, 2012


Mỗi quốc gia Châu Âu thường có một hình ảnh tiêu biểu, giống như một thương hiệu. Nước Pháp có tháp Eiffel, nước Ý có đấu trường La Mã, nước Tây Ban Nha có đấu trường bò tót, nước Anh có tháp đồng hồ Big Ben và nước Rumani có….ma cà rồng Dracula. Có vẻ như mỗi người Rumani đều rất thích biểu tượng này cho dù đó chỉ là một nhân vật không có thật. Từ lúc tôi đến Đại Sứ Quán Rumani ở Paris xin visa cho đến lúc đặt chân đến quốc gia này, phần lớn người dân đều hỏi tôi : « thế cậu đên đất nước chúng tôi để thăm Dracula à?"

Nguồn gốc của Dracula
Với cuốn tiểu thuyết của Bram Stoker, Dracula trở thành huyền thoại vào năm 1897 sánh ngang cùng với những nhân vật lừng danh khác như Tarzan và Zorro. Điều thú vị là trong khi cái tên Dracula trở nên khét tiếng với các bộ phim kinh dị ở Hollywood thì nó lại xuất sứ từ một vùng cách đó hàng nghìn km và người đã truyền cảm hứng sác tác cho Stoker là Vlad Tepes. Trên thực tế, vị anh hùng chống quân xâm lược Thổ này chẳng có mấy điểm chung với Dracula. Có chăng thì cũng chỉ là sự dã man trong cách hành xử của ông ta đối với quân thù Thổ. Tiếng đồn về ông ta là nguồn gốc của biệt danh « dracul », có nghĩa là « rồng » hay « quỷ sứ » trong tiếng Rumani cổ. Vị hoàng tử này cuối cùng bị nguyền rủa và chặt đầu. Điều đáng buồn cười là khắp nơi trong vùng Transylvania này, người ta quảng cáo một cách thái quá hình ảnh ghép giữa Dracula (nhân vật ảo) và Vlad ( nhân vật có thật) nhằm đẩy mạnh thương hiệu du lịch của vùng. Người ta bịa ra đủ loại quà lưu niệm xung quanh Dracula : postcard, tượng, kẹo mút, khăn quàng…

"Dracula" thật không bất tử như trong truyện mà lại có một kết cục bi thảm, bị chặt đầu

Thế còn cái tên ma cà rồng thì từ đâu mà ra ? Có vẻ như nguồn gốc đến từ một số lời kể truyện ở Trung Âu, ví dụ như câu truyện bá tước Bathory (1560-1614) uống máu các phụ nữ trẻ để được bất tử. Cuốn tiểu thuyết của Stoker miêu tả khá sinh động và sát với thực tế một số địa điểm của vùng Transylvania nên khi tôi đi đến thăm các vùng đó cũng có cảm giác lạ, như thể sống theo những tập truyện đó vậy.  Ví dụ như Sighisoara (nơi Dracula sinh ra), lâu đài Bran (nơi Dracula ở), Sibiu (nơi một trong những con trai của Dracula được chôn cất)…Một số doanh nhân thấy Dracula có thế hái ra tiền nên cũng mon men tổ chức các dịch vụ liên quan đến cái tên nay như Dracula tour, show diễn dracula…

Lâu đài Bran, giữa truyền thuyết và sự thật
Chẳng nói ngoa khi cho rằng Bran nổi tiếng là nhờ vào tác phẩm lừng danh Dracula . Được xây dựng trên một mỏm đá cao 60m, Bran vốn dĩ là một hệ thống phòng thủ quân sự với một mê cung những đường hầm và phòng bí mật. Tọa lạc ngay ở cửa ngõ vùng Transylvania, lâu đài Bran giữ một vị trí chiến lược trong việc trấn giữ biên ải. Có rất nhiều du khách mất công đến tận đây để tìm hiểu sự thật về nhân vật Dracula và không ít người thất vọng khi khám phá ra sự thật là đây chỉ là một nhân vật bịa ra. Tuy nhiên, vẻ bề ngoài huyền bí của lâu đài hoàn toàn là cơ sở xứng đáng để làm « nơi ở » của ma cà rồng. 


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến