Gdansk có biệt danh là “cánh cổng vàng của Ba Lan” bởi án ngữ ngay tại hạ nguồn sông Vistula, con sống lớn nhất chảy dọc suốt quốc gia. Ngay từ lúc khai sinh, thành phố đã phát triển nhờ thương mại đường biển và thực sự phồn thịnh dưới thời các vị vua Ba Lan từ thế kỷ XV. Trong vòng 300 năm, thành phố đạt đến giai đoạn đỉnh cao và trở thành một trong những hải cảng có quyền lực nhất vùng biển Ban-tích.
Tuy nhiên, chính vì vị trí chiến lược của Gdansk, thành phố là tâm điểm của sự thèm muốn của các thế lực lân cận và là nguyên nhân của nhiều cuộc chiến tranh. Thành phố bắt đầu rơi vào giai đoạn thoái trào khi mà người Thụy Điển và Nga bắt đầu lớn mạnh dần và chiếm lĩnh khu vực biển Ban-tích vào thế kỷ XVIII. Cũng vào thời kỳ đó, hoàng gia Ba Lan suy yếu và để cho người Áo, Phổ và Nga xâm chiếm toàn bộ lãnh thổ và biến mất khỏi bản đồ chính trị Châu Âu trong vòng hơn một thế kỷ. Gdansk bi chia cắt khỏi nước Ba Lan và chịu sự đô hộ của người Phổ trong vòng hơn 100 năm. Vào đầu thế kỷ XX, Gdansk được trả lại sự tự do nhưng sự yên bình cũng không tồn tại được lâu khi mà thế chiến thứ II nổ ra. Gdansk là một trong những thành phố bị tàn phá nhiều nhất Châu Âu. Toàn bộ cơ sở hạ tầng bị phá hoại 100% và phải mất vài chục năm, các tòa nhà cổ kính mới được khôi phục lại nhờ những công sức to lớn của chính người dân thành phố.
Sự hoang tàn sau thế chiến thứ 2.... |
Và bộ mặt ngày nay... |
Tuy chỉ là xây dựng lại theo phiên bản cũ, tôi cũng phải thừa nhận người Ba Lan giỏi thật. Họ không chỉ trùng tu thành công khu phố cổ Gdansk mà còn cả ở thủ đô Warsaw nữa. Nếu tôi nhớ không nhầm, Việt Nam mình cũng phải nhờ sự cố vấn của các chuyên gia Ba Lan trong quá trình trùng tu mạn cửa Bắc của thành Hà Nội.
Chỉ cần đi dạo qua những dãy phố cổ xây theo lối kiến trúc gô –tích cũng có thể mường tượng ra quá khứ hào hùng của Gdansk. Sự giàu có từ thương mại đường biển đã giúp tầng lớp quý tốc của thành phố tích góp một nguồn tài chính dồi dào, cho phép nhập vật liệu xây dựng đắt tiền từ nơi khác đến để xây lên những cung điện tráng lệ.
Tòa thị chính xây vào thế kỷ XIV, nơi có viện bảo tàng lịch sử của thành phố. Tôi đặc biệt ấn tượng bởi khu sảnh Artus. Tên gọi Artus có nguồn gốc từ truyền thuyết vua Arthur (trong tiếng latinh, Artus có nghĩa là Arthur) và 12 hiệp sĩ bàn tròn. Vậy tại sao người dân Gdansk lại chọn tên gọi này? Đặc trưng của câu chuyện 12 hiệp sĩ bàn tròn đề cao sự cao thượng của hiệp sĩ, sự bình đẳng giữa 12 thành viên và sự đoàn kết của tất cả. Trong công việc buôn bán thương mại của Gdansk vào thời trung cổ, các thương gia của thành phố nhận thấy rằng tất cả các đơn vị thương mại cũng cần phải có những giá trị như thế thì mới có thể phát triển thành phố cảng được.Vì thế, họ cho xây khu sảnh Artus như là biểu tượng của sự đoàn kết các doanh nhân và là nơi tổ chức các bữa tiệc xa xỉ dành cho giới thượng lưu. Ngoài ra, sảnh Artus còn đóng vai trò như nơi cầm trịch về luật kinh tế : tất cả những điều khoản hay trao đổi về thương mại giữa các doanh nhân trong và ngoài thành phố đều phải được thông qua tại đây.
Nhà thờ đức bà, xây theo lối kiến trúc gô–tích gạch đỏ , có thể là nhà thờ bằng gạch nung lớn nhất thế giới. Khu giáo đường có thể đón tiếp 25000 tín đồ, ngang với sân vận động Hàng Đẫy của Hà Nội.
Đài phun nước với bức tượng thần biển Neptune được xây dựng vào thế kỷ XVII theo dòng nghệ thuật phục hưng. Bức tượng này tượng trưng cho linh hồn của Gdansk : sinh ra và lớn lên từ biển cả.
Gdansk phất lên nhờ việc chế biến và buôn bán amber và đến đây không thể không thăm viện bảo tàng amber, tọa lạc trong một tòa nhà trước kia là một nhà tù. Amber là một loại khoáng sản có nguồn gốc từ nhựa thông và hóa thạch sau hàng chục triệu năm. Nó được dùng như là nguyên liệu để chế tạo đồ dùng trang sức xa xỉ và rất thịnh hành ở Châu Âu thời trung cổ. Thật khó có thể tưởng tượng ra những viên đá với đủ loại sắc màu này lại có nguồn gốc từ nhựa thông vốn dĩ cũng chỉ có màu trắng cháo lòng.
Dọc theo bờ sông là con đường Motlawa, trước kia là nơi các con tàu cập bến để rỡ hàng hóa xuống.
Crane Tower
0 nhận xét:
Đăng nhận xét