Thứ Bảy, 8 tháng 5, 2010

Đọc báo thấy bài này đáng chú ý, xin chép lại để mai mốt đọc lại kỹ hơn.



"HÀ NỘI (NV) - Nhà thơ Hoàng Cầm, một trong những gương mặt tiêu biểu của phong trào 'Nhân Văn Giai Phẩm' vừa qua đời tại Hà Nội, thọ 88 tuổi.



Sự nghiệp thơ ca của Hoàng Cầm rất đồ sộ nhưng những bài thơ của ông mà nhiều người biết đến là “Bên kia sông Ðuống” và “Lá Diêu Bông.”



Truyền thông tại Việt Nam loan tin, “nhà thơ Hoàng Cầm qua đời hồi 9 giờ sáng Thứ Năm, ngày 6 tháng 5, tại bệnh viện Hữu Nghị Việt-Xô, Hà Nội vì tuổi cao sức yếu,” nhưng tuyệt nhiên không nhắc tới quãng đời của nhà thơ sau khi nhóm “Nhân Văn Giai Phẩm” bị “đấu tố” và đàn áp.



Trả lời phỏng vấn của Người Việt về tin nhà thơ Hoàng Cầm qua đời và sự nghiệp thi ca của ông, nhà thơ Du Tử Lê ở Nam California, cho biết, “Với cá nhân tôi, bài thơ ‘Ðêm Liên Hoan’ của Hoàng Cầm là một bài thơ lớn. Nó mang tính lịch sử. Nó gắn liền với giai đoạn đầu của sự kiện toàn dân kháng chiến chống Pháp. Toàn bài, là một cuộc đối thoại giữa kiêu hãnh và ngậm ngùi như:“Trong tiểu đội anh, những ai còn ai mất? Không, không ai còn ai mất. Ai cũng chết mà thôi. Kẻ trước người sau lao vào giặc. Giữ vững ngàn thu một giống nòi.”



“Nó như một một liều thuốc bổ cực mạnh, kích thích lòng yêu nước của thanh niên Việt Nam từ thành thị tới thôn quê, thuở đó.” Nhà thơ Du Tử Lê nhấn mạnh.



Hoàng Cầm tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh ngày 22 tháng 2, 1922 tại xã Phúc Tằng, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.



Theo Bách Khoa Toàn Thư Mở, “quê gốc của Hoàng Cầm ở xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ông xuất thân trong gia đình nhà nho lâu đời. Thân sinh ông thi không đỗ, về dạy chữ Hán và làm thuốc bắc ở Bắc Giang. Tên ông được đặt ghép từ địa danh quê hương: Phúc Tằng và Việt Yên. Thuở nhỏ, ông học tiểu học, trung học đều ở Bắc Giang và Bắc Ninh; đến năm 1938, ra Hà Nội học trường Thăng Long. Năm 1940, ông đỗ tú tài toàn phần và bước vào nghề văn, dịch sách cho Tân dân xã của Vũ Ðình Long. Từ đó, ông lấy bút danh là tên một vị thuốc đắng trong thuốc bắc: Hoàng Cầm.”



Từ năm 1944 đến năm 1957 ông tham gia kháng chiến, viết kịch làm thơ tuyên truyền văn nghệ và từng là trưởng đoàn văn công Tổng Cục Chính Trị (năm 1952).



Tháng 4 năm 1957, ông tham gia thành lập Hội Nhà Văn Việt Nam, và được bầu vào Ban Chấp Hành. Tuy nhiên, không lâu sau, do vụ án “Nhân Văn Giai Phẩm”, ông phải rút khỏi Hội Nhà Văn vào năm 1958, rồi “bị” cho về hưu non năm 1970 lúc 48 tuổi.



Năm 2007, đúng 50 năm sau vụ án “Nhân Văn Giai Phẩm,” cùng với nhà thơ Lê Ðạt, ông được nhà cầm quyền Việt Nam trao “Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật,” tuy nhiên họ không hề nhắc đến những oan khuất mà ông cùng những người chủ trương nhóm “Nhân Văn Giai Phẩm” phải gánh chịu trong hàng chục năm trời. (KN)."




(Nguoi Viet, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=112504&z=157)





Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/11073261

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến