Chủ Nhật, 9 tháng 5, 2010

Đọc báo thấy bài này đáng chú ý, xin chép lại để mai mốt đọc lại kỹ hơn.



"Trần Tiến Dũng/Người Việt



Dù hằng ngày, các phương tiện truyền thông ở Việt Nam câu độc giả bằng cách đưa ra các lời hâm he của bác sĩ về bệnh tiểu đường, mỡ trong máu... Nhưng mỗi khi Sài Gòn-Chợ Lớn rơi vào mùa cực nóng là người người, từ già đến trẻ đều cảm thấy thèm rủ nhau đi ăn chè.



Bất kể là ngày nghỉ cuối tuần hay ngày thường trong tuần, cái giờ ăn chè lý tưởng nhất của dân Chợ Lớn là khoảng từ 8 giờ tối cho đến nửa đêm. Ðêm mùa Hè ở Sài Gòn mà vào giờ này không đi ra đường thì trước sau gì cũng thấy mình bị hấp chín và bốc mùi mồ hôi chua lè.



Một người bạn trẻ rủ chúng tôi tới đường Châu Văn Liêm (Tổng Ðốc Phương cũ), anh này nói, “Chè ở quán này vừa ngon vừa mắc tiền, nhưng được cái mấy cô phục vụ bưng chè người Việt gốc Hoa dễ thương hết ý.”



Hiệu chè Hải Ký vốn là một tiệm chè nổi tiếng trước những năm 1975. Về mặt vệ sinh - tươm tất của tiệm chè này thì khỏi phải chê. Về các món chè thì không đâu đủ vị bằng tiệm này. Từ chè hột gà, đậu hũ hột gà đến chè bạch quả, chè hột sen, chè phục linh, chè thạch... toàn là những món chè độc đáo mà bí quyết chỉ nằm trong tay cộng đồng Hoa kiều.



Chúng tôi kêu thử một món chè Phục Linh lạnh. Cô chạy bàn của quán mặc váy đầm xanh màu nước biển, bưng ra một cục đen đen như cục sưng sáu cùng với chút sữa trắng nõn. Một người bạn cùng đi hỏi, “Nè cô ơi, đây là món sưng sáu sao lại gọi là chè phục linh?” Cô A Muối cười rất tươi nói, “Lỵ hỏng biết dồi, sưng sáu là sưng sáu, phục linh là phục linh, ngộ đâu có gạt lỵ làm gì, lỵ nếm thử biết liền hà.” Người bạn trẻ đi cùng tôi nói, “Cô này có nụ cười giống Chung Tử Di quá, bác cứ nuốt đại đi, thắc mắc sưng sáu với phục linh làm gì.”



Người bạn trẻ này đang ăn ngon lành chén chè trà hột gà lạnh, tôi quen khẩu vị ăn mặn, ăn cay nên khi nhìn anh ăn mà không tưởng tượng nổi sao người ta có thể nuốt trôi hột gà với trà, với nước đường, nước đá cho được.



Ăn chè sâm bửu lượng



Nhiều người cho rằng từ thời Sài Gòn-Chợ Lớn còn hoang sơ đã có những xe, những tiệm, những gánh bán chè của người Hoa. Người Việt sống ở khu Chợ Lớn hoặc vô khu Chợ Lớn chơi thay vì nói đi ăn chè lại quen miệng nói đi ăn sâm bửu lượng.



Cái chuyện mời nhau đi ăn sâm bửu lượng mới nghe qua ai cũng cảm thấy có vẻ “đế vương Tàu,” vì người Việt có ăn chè thì chỉ ăn chè đậu, chè bắp, chè khoai chứ đâu có món chè nào mà có tên mấy vị thuốc Bắc.



Tôi nhớ lần đầu tiên vô chợ Thiếc, được ngồi ghế xếp bằng sắt của cái xe bán chè đêm, ngó mấy bức tranh kiếng tả cảnh Tào Tháo suýt bị chết chém dưới tay Quan Vân Trường, kêu một ly sâm bửu lượng, ăn mấy cọng phổ tai, mấy cục táo tàu, củ năn và nhai mấy hột bo bo nhỏ xíu. Lúc đó, tôi mới té ngửa là sâm bửu lượng đây sao, thiệt là sống trong khu vực ảnh hưởng ăn uống Trung Hoa, hệ lụy truyện tàu, phim chưởng... có khi cũng hay hay mà cũng có khi tào lao hết sức.



Trong cái ly sâm bửu lượng mà tôi ăn, tôi có ấn tượng nhất với mấy hột bo bo, bởi thời bao cấp, tôi từng phải xếp hàng mua bo bo về ăn cho khỏi chết đói. Bây giờ ăn lại hột bo bo bóc vỏ trắng tinh được nấu với đường phèn ngọt lịm tôi mới có cảm giác là bo bo - một thứ dành cho súc vật ăn - nếu chế biến đúng cách, cộng thêm việc trang điểm một tí màu sắc lịch sử - văn hóa Trung Hoa thì không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc, nhất là bị tính tiền giá cao mà không ai dám phiền hà gì.



Nhưng một người bạn trí thức người miền Nam, dân nghiên cứu Hán-Nôm lại không đồng tình. Anh nói, “Thời tiết nóng nực, bữa nào tôi ăn ly sâm bửu lượng là tối ngủ êm mình, êm giấc. Còn chuyện gọi món đó là sâm tôi không cố chấp, như trà Việt Nam so với trà Trung Hoa cũng xem xem chớ có kém cạnh gì mấy nhưng được cái những nhà văn nhân, văn hóa của người ta thay nhau tán dương thành ra cao quí. Tới bây giờ xứ mình cũng chỉ biết bán tài nguyên, bán hàng thô là chính, mấy ông tổ sư quơ quào được cái gì bán y cái đó.”



Ngay trên “thánh địa” các món ăn, món chè người Hoa ở Chợ Lớn, nhất là trên đường Nguyễn Tri Phương, món chè Thái đang thời phát triển rất hung.



Nhưng thật ra trừ cái chuyện màu mè lòe loẹt tràn ngập ly chè hút thực khách trẻ tuổi, chè Thái không có cửa về vị ngon, về sự đa dạng và tinh tế nếu so với chè Chợ Lớn.



Chúng tôi tìm đến một quán chè Chợ Lớn ở một con hẻm trên đường 3 tháng 2 (Trần Quốc Toản cũ). Tất cả những thực khách đến đây đều được hỏi bằng tiếng Quảng Ðông và được cái tận tình, tất bật của những người dân chính hiệu Chợ Lớn hết lòng phục vụ, thêm điều thú vị là tuy hàng chè Chợ Lớn trong hẻm nghèo nhưng lại đầy đủ các loại chè “cao lương mỹ vị.”



Chúng tôi ăn qua món chè hạt sen lạnh. Thật là mát ruột mát gan khi ngồi vỉa hè hóng chút gió và nhâm nhi cái vị ngọt bùi của từng hạt sen, nhâm nhi và nhớ không biết rồi đây dân Việt mình có còn hạt sen để ăn không, khi mà những đầm sen bát ngát ở các huyện ngoại thành Sài Gòn đã biến mất, ngay cả đầm sen mênh mông của Ðồng Tháp Mười cũng dần tàn lụi.



Bất giác chúng tôi quay qua hỏi cô bán chè rằng, hạt sen cô mua của miệt nào mà bùi quá vậy, cô gái người Hoa Chợ Lớn trả lời, “Ngộ xài hột sen Camphuchia không hà!”"




(Nguoi Viet, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=112632&z=1)



Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/11123411

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến