Thứ Năm, 13 tháng 5, 2010

Đọc báo thấy bài này đáng chú ý, xin chép lại để mai mốt đọc lại kỹ hơn.



"Sinh viên Việt du học Mỹ, 'ngó dzậy mà không phải dzậy'



Kỳ cuối



Ngọc Lan/Người Việt



WESTMINSTER (NV) -
Ði du học là để có cơ hội mở rộng hơn ở tương lai,” “Ði du học để có thể kiếm thêm tiền phụ gia đình,” “Ði du học là chấp nhận sự liều lĩnh,” “Ði du học là để có cơ hội trưởng thành, lớn lên.” Ðó là lý do của một số sinh viên Việt Nam đang du học tự túc tại các trường đại học cộng đồng ở Orange County, California.



Với những lý do như vậy, không cần gia đình nào thực sự giàu có hay chỉ có gia đình “con ông cháu cha” mới có thể cho con em đi du học. Họ chấp nhận vay mượn, thậm chí cả bán nhà, để đầu tư vào chuyện học hành với hy vọng có một sự “đổi đời” cho con em họ về sau.



Nhiều du học sinh chỉ được gia đình hỗ trợ cho chi phí sang Mỹ hoặc thêm vài ba tháng đầu, sau đó, tự mỗi em sẽ xoay sở để tìm cách tự lập. Chính vì vậy, có nhiều sự thay đổi đã diễn ra không hề nằm trong dự tính của các du học sinh, kể cả ý định sẽ ở lại Hoa Kỳ sau khi tốt nghiệp.



Những điều không như dự tính



“Lúc còn ở Việt Nam cứ nghĩ qua đây có bác, sẽ ở nhà bác, mình đi làm được bao nhiêu, thiếu bao nhiêu bác sẽ phụ cho tiền đóng tiền học. Thế nhưng hoàn cảnh thực tế đâu cho phép bác giúp em như vậy.” Ngọc Thi kể về những điều không lường trước của mình.



“Bác cho em cái xe chạy đi học đi làm là em mừng lắm rồi. Còn nhà bác là 'housing' nên dù có muốn cũng đâu thể cho em ở được.” Cũng may mắn cho Thi ở chỗ, là sau thời gian chạy tới chạy lui kiếm chỗ ở hoài, thì gia đình mà Thi làm công việc “babysit” đã cho Thi một chỗ ở không lấy tiền. “Cũng nhờ vậy mà em mới có thể đủ tiền trang trải cho chuyện học.”



Không chỉ phải tự lo cho bản thân nơi đây, mà Thi còn mang nặng tâm trạng phải lo cho gia đình ở Việt Nam.



Tôi hỏi Thi, “Làm sao em có tiền để gửi về cho bố mẹ?”



“Khi đi làm, chỉ để ra đủ tiền đóng tiền học, còn lại dư ra một chút nào em lại nhờ bác chuyển về nhà cho bố mẹ và các em, nhất là vào dịp Tết và đầu năm học.”



“Sao lại phải nhờ bác gửi?” Tôi hỏi và nghe giọng Thi như chực khóc: “Nếu em gửi thì sợ bên nhà nghĩ rằng em có tiền, mà em thì có tiền gì đâu, thực tình là em chẳng có dư đồng nào hết. Nên cứ để bác mang danh bác mà gửi về cho bố mẹ. Có một trăm em gửi một trăm, có năm chục em gửi năm chục, đôi khi có hai chục em cũng gửi.”



“Em có nói cho nhà biết là bên này em kiếm tiền rất khó không?”



“Không hiểu đâu chị ơi. Không hiểu đâu. Bố mẹ và cậu dì cứ nghĩ là em sang đi làm là có tiền liền, có tiền nhiều. Họ cứ nói sao hàng xóm nó đi, tiền nó gửi về hàng ngàn. Mà trời đất ơi, mình đi học, rồi đóng tiền học, tiền tùm lum, mà cứ giải thích nhiều lần cũng không có ai hiểu hết. Khi nhà có khó khăn lại gọi sang cho em, mà thực tình em có tiền đâu. Thành ra cực khổ gì ở đây em cũng chẳng dám than, chẳng dám nói gì hết.”



“Em biết có khó khăn lắm thì mẹ mới gọi đến em, nên hễ có bao nhiêu là em gửi hết. Một chút cũng có thể kham được trong lúc khó khăn.”



Thi giãi bày: “Mỗi lần gọi cho mẹ là mỗi lần mẹ khóc, mẹ than, em lại không có tiền nên từ Tết đến giờ em không dám gọi về nhà. Em chỉ lén hỏi thăm qua bác và gọi lén cho đứa em để biết tình hình ở nhà thôi.”



“Hy vọng vài năm nữa sẽ đỡ hơn.” Thi cười hy vọng.



Những hoàn cảnh như Thi không phải là hiếm, nhưng những hoàn cảnh “ngược lại,” cũng không thiếu. Một người gốc Việt làm cho một đại học cộng đồng nói rằng, tại trường của ông, đến 95% du học sinh Việt Nam không thể tốt nghiệp. Các sinh viên này đến học, học không nổi, nhưng nhà giàu nên không thèm quan tâm, đến khi về nước chỉ có mỗi... bằng lái xe.



Có những “diện” học bổng khác để sang Mỹ, là đi theo tiền của nhà nước Việt Nam. Không thiếu những người học giỏi, và cũng không hề thiếu những người học hoài, học miết, mà không qua được các lớp Anh ngữ. Một sinh viên du học kể về trường hợp anh biết tại một trường đại học cộng đồng ở San Diego. Một sinh viên lớn tuổi, đi theo “diện học bổng” của nhà nước Việt Nam. “Phải nói là ông này không thiếu tiền. Ông mướn căn phòng riêng trong một gia đình Mỹ, tiền nhà trả khá cao, lại mướn riêng giáo viên về dạy Anh văn cho mình.”



Trong khi các sinh viên “con nhà nghèo” khác nai lưng ra vừa đi học, vừa đi làm, “ông sinh viên” lớn tuổi đã không qua được các khóa tiếng Anh, và đành về lại Việt Nam.



Trở lại với những sinh viên du học có hoàn cảnh khó khăn. Cô Quỳnh Anh, một sinh viên du học tại quận Cam, nói mỗi tháng ba mẹ cô giúp cho khoảng một phần ba số tiền học. Nhờ đi làm thêm, Quỳnh Anh để dành được tiền mua vé về Việt Nam thăm ba mẹ một lần.



“Ai cũng khen em hết. Mọi người nói em qua đây một mình, tự lập, đi làm và đi học, còn mua được vé về, còn mang tiền cho mẹ nữa.” Quỳnh Anh cười khúc khích.



Tôi hỏi nhỏ: “Em cho mẹ được bao nhiêu?”



Tiếng Quỳnh Anh cười bẽn lẽn: “Dạ có năm trăm à.”



Với Hưng Lê thì những dự tính lúc đầu trước khi du học và thực tế cũng khác hẳn nhau. “Lúc đầu ở nhà tính là sang đây sẽ ở nhà người quen. Nhưng chỉ được một thời gian thì với nhiều lý do, em phải kiếm chỗ ở khác. Thành ra những chi phí dôi ra cho khoảng tiền thuê nhà, gas, điện, nước là không có trong dự tính lúc đầu.”



May mắn là chỉ sau hai tháng bỡ ngỡ, Hưng đã tìm được việc làm thêm, dù là làm “chui,” để có tiền trang trải nhiều khoản chi phí, và không phải xin thêm tiền gia đình.



Khó khăn với nhiều thứ như vậy nhưng Ngọc Thi, Quỳnh Anh, Hưng Lê và Khoa Trần đều cho rằng mình may mắn hơn một số bạn bè du học khác.



Quỳnh Anh chia sẻ: “Em thấy mình may mắn vì vẫn còn được đi học. Có một vài bạn em biết do gia đình không gửi tiền sang, hoặc họ không dự trù được hết cuộc sống ở đây nên cứ phải đóng tiền học ESL, rồi bỏ học đi làm.”



“Một số bạn qua đây không phải vì mục đích chính là học mà là để kiếm tiền nên cứ kiếm trường nào thật dễ để nhận được visa du học, rồi sau đó lại kiếm những trường 'ma' nào đó mà chỉ cần đóng tiền chứ không cần tới lớp, để gia hạn visa. Xong họ đi làm nail, là nhà hàng kiếm tiền và tìm cơ hội ở lại.” Khoa kể câu chuyện một số bạn bè chung quanh.



Học xong đều mong ‘ở lại Mỹ’



Khó khăn và nhiều thử thách đối với những sinh viên du học tự túc không thuộc diện con nhà giàu hay “con ông cháu cha,” thế nhưng những sinh viên mà tôi biết đều không hề có ý định bỏ cuộc sự nghiệp học hành của mình.



“Mùa Thu tới đây em sẽ chuyển lên Ðại Học Fullerton. Em muốn học cho nhanh. Tuổi em đúng ra theo kế hoạch ban đầu đã phải học xong master rồi.” Khoa tự tin nói về hướng sắp tới của mình. “Khi lên đại học, em sẽ phải cần nhiều sự giúp đỡ tài chánh của gia đình, bởi em vừa phải giảm giờ làm lo cho việc học, mà học phí đại học lại quá cao.”



Không lạc quan như Khoa Trần, sau 3 năm học ở Santa Ana College, Ngọc Thi chưa dám chắc bao giờ mình mới có thể chuyển tiếp lên hệ đại học.



Thi nói bằng giọng thật buồn: “Ở college thì em còn lo được chứ 'transfer' thì làm sao em có đủ tiền để đóng tiền học. Ðúng lý ra thì mùa Thu tới đây đã có thể 'transfer' rồi nhưng chưa nghĩ ra cách gì có tiền đi học tiếp nên thôi ráng ở lại college thêm mùa nữa, khi nào có đủ tiền thì vào Cal State chứ cũng không dám mơ vô university như trước đây em từng mơ.”



Có điều dù đi học full-time - điều kiện bắt buộc đối với du học sinh, và đi làm 40 giờ một tuần, “cực lắm, cuối tuần không có thời gian nghĩ nữa, nhưng khi mình đã muốn thì mình cũng sắp xếp thời gian làm được hết, em vẫn sinh hoạt trong ca đoàn, vẫn tham gia Sinh Viên Công Giáo, vẫn 'enjoy' mọi thứ,” giọng Thi lại trong vắt tiếng cười.



Hưng Lê thì dự tính lúc đầu sẽ học tiếp ngành em đang theo học ở Việt Nam là “Bio Technology.” Nhưng “vì thời gian học không phù hợp,” sau một năm du học, Hưng lại có ý định chuyển sang học ngành dược, rồi lại loay hoay với ý định học “nurse.” Tuy nhiên, sau tất cả mọi dự định thì “mùa học tới em sẽ 'transfer' vào ngành 'business.' Ðó là lựa chọn cuối cùng của em.”



Quỳnh Anh thì dự định học y tá. Nhưng “em vừa thấy mình có máu kinh doanh giống ba, vừa cũng thích nói chuyện và giúp đỡ người bệnh nữa. Nên bây giờ em cũng chưa quyết định sẽ học cái gì, vẫn tập trung học những môn chung trước.”



Do nhiều yếu tố, hầu hết các du học sinh đều không theo đúng với những gì mình suy nghĩ và dự tính lúc đầu. Thời gian phải bỏ ra cho việc học để lấy được một tấm bằng nào đó bao giờ cũng lâu hơn kế hoạch ban đầu, bởi nhiều lý do về tài chánh hoặc ngành học không phù hợp. Có điều, sau khi học xong “sẽ ở lại tìm việc làm ở Mỹ” là quyết định của tất cả các du học sinh này.



“Công sức em đổ ra quá nhiều rồi, em muốn lấy lại những gì em đã đánh đổi. Nếu em về Việt Nam, thì có đi làm cả đời em cũng không thể nào lấy lại được những gì em đã bỏ ra,” Ngọc Thi nói dứt khoát. Xa nhà đã ba năm, muốn nhưng chưa có điều kiện về thăm nhà, nên học xong sẽ về Việt Nam thăm gia đình cũng là dự tính của Thi.



“Học xong em sẽ ở lại tìm việc làm, có điều làm gì thì em chưa biết.” Quỳnh Anh cười cho biết.



Hưng Lê ước mơ: “Sau khi tốt nghiệp, em muốn có cơ hội ở lại Mỹ làm việc. Em thích cuộc sống ở đây. Ở đây không cần phải giàu, chỉ cần biết tằn tiện, tiết kiệm vừa phải thì mình cũng như bao người khác, an tâm với cuộc sống.”




Tôi hỏi Khoa: “Tại sao hầu hết du học sinh đều muốn ở lại Mỹ sau khi ra trường vậy?”



Khoa nhìn tôi cười, có lẽ em đang nghĩ tôi có cần không một câu hỏi “ngớ ngẩn” đến vậy.



Khoa nói, “Về tình cảm cá nhân, gia đình, bạn bè thì em thích ở Việt Nam hơn, bởi dẫu sao mình sống ở đó nhiều hơn, gia đình, bố mẹ, anh chị, bạn bè, tất cả đều ở đó. Nhưng cuộc sống ở Mỹ đâu ra đó, luật pháp, xã hội đâu ra đó, nên mình 'feel' được cái tự do của mình, thấy sống thoải mái, nên em thích sống ở Mỹ.”



Khoa khẳng định, “Em sẽ ở lại Mỹ sau khi tốt nghiệp đại học để đi làm hoặc để học lên tiếp.”



(Bài có sự đóng góp thông tin của phóng viên Ðông Bàn)".




(Nguoi Viet, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=112822&z=1)



Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/11283091

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến