"Ngọc Lan/Người Việt
WESTMINSTER (NV) - Có những khoảng khắc chúng ta cần phải nhớ. Có những nơi chốn không cho phép chúng ta quên.
Tháng Tư về, lại đánh thức trong lòng những người tị nạn Việt Nam một cảm xúc xốn xang, quay quắt nhớ về các trại tị nạn ở Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Hồng Kong, Philippines... nơi người vượt biên xưa đã từng dừng chân trên con đường trốn chạy khỏi Việt Nam, đi tìm một lẽ sống đúng nghĩa, trước khi được làm người may mắn đặt chân lên mảnh đất tự do này.
Sau hơn một phần tư thế kỷ ổn định cuộc sống, học hành, mưu sinh, những thuyền nhân năm xưa, dưới sự hướng dẫn tổ chức của Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam, đã bắt đầu có những hành trình quay ngược về chốn cũ, các trại tị nạn, để nhớ lại một giai đoạn họ đã sống, để thăm lại những người đồng hành kém may mắn đã không thể cùng họ đi trọn chuyến tàu, và cũng là để tạ ơn mảnh đất và con người đã cưu mang họ trong những ngày cơ cực nhất.
Nhắc chuyện xưa
Chuyện của những người vượt biên rất giống nhau, và rất khác nhau. Giống nhau, bởi họ đều là những người phải chọn kiếp sống tha hương vì ý nghĩa của hai chữ ‘tự do.” Khác nhau bởi mỗi chuyến ra đi là mỗi lần đem số phận mình ra đánh cuộc, không chuyến đi nào như chuyến đi nào, cho những tâm trạng và cảm xúc.
Những thuyền nhân trong hành trình “Về Bến Tự Do” này, qua câu chuyện họ kể, có người chỉ vượt biên đúng một lần. Họ ra đi. Sóng yên. Biển lặng. Chỉ sau ba, đến bốn ngày đêm lênh đênh trên đại dương, họ được đặt chân lên đảo, như ông Hanh Nguyễn, hiện ở Úc, như anh Vinh Trang, hiện ở Mỹ, như anh Chi Nhâm ở Canada.
Còn lại, đa phần đều không đi dưới năm lần. Họ đi, bị bắt, bị ở tù, mất hết tài sản. Ra tù, họ lại vay mượn tiền bạc nơi người thân, bạn bè, để lại ra đi. Cứ như vậy, có người mất ba năm, có người mất 10 năm mới đến được trại tị nạn, như vợ chồng ông Duật Nguyễn ở San Francisco, như chị Hương Nguyễn ở Canada, như cô Phi Phạm ở San Jose, hay ông Ðức Nguyễn ở Florida.
Chấp nhận “vượt biên,” nghĩa là những thuyền nhân chấp nhận đương đầu với vô số bất trắc của cuộc hải trình trên những chiếc ghe ọp ẹp, chèn cứng người.
“Trên chiếc tàu dài khoảng 16 mét, hơn 65 người chúng tôi chen chúc nhau nằm xếp lớp như cá. Tàu vừa ra biển thì bị công an rượt đuổi và bắn liên tục. Chiếc tàu vẫn mở hết tốc lực mà chạy. Tôi nằm dưới lòng tàu, nghe tiếng đạn bắn, nghe tiếng con tàu xé nước, kinh khủng lắm. Sau gần hai giờ, tiếng ai đó vang lên, 'thoát rồi!'” Chị Nguyệt Hương ở Toronto kể về chuyến vượt biên lần thứ sáu của mình. Chuyến đi đó, chị may mắn, bởi sau tất cả, chị đã đến được “bến tự do” vào năm 1983.
Có điều, tỉ lệ “đi” và “đến” chiếm bao nhiêu so với “đi” và “mất” vẫn là còn là một khoảng trống. Không ai biết chính xác số thuyền nhân đã bỏ mình trên biển.
Ông Trần Ðông, giám đốc Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam cho rằng, “Theo tài liệu của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, có khoảng 500 ngàn người đã chết trong các chuyến hải hành.”
Sau 35 năm, câu chuyện về những con tàu đi lạc ròng rã nhiều tuần trên biển. Người chết vì khát. Người chết vì đói. Nước tiểu thay nước uống. Máu thay nguồn dinh dưỡng. Và vì bản năng sinh tồn, nhiều trường hợp người ta đã phải ăn thịt người, những người đã chết, để sống. Vẫn là những câu chuyện muốn quên nhưng lại cũng cần phải nhắc để người ta biết trân trọng hơn những gì mình đang có.
Những người trong nhóm thuyền nhân tham gia hành trình “Về Bến Tự Do” của chúng tôi lần này có may mắn không gặp hải tặc Thái Lan, không bị hãm hiếp, không bị đâm bể tàu, không bị lạc đường trong chuyến vượt biển. Có điều, chua chát, là họ bị cướp bởi chính những tàu đánh cá quốc doanh của nhà nước Việt Nam, như trường hợp anh Chi Nhâm ở Canada. “Sau khi lấy hết tiền bạc, tài sản của chúng tôi, họ lại đối xử với chúng tôi rất tử tế, cho thức ăn và chỉ đường chúng tôi đi ra hải phận quốc tế,” anh Chi kể.
Nhưng cay nghiệt hơn cả, và ít được nhắc đến hơn cả, có lẽ chính là câu chuyện của “người mình” đối với nhau trên trại, trên đảo. Người ta nhận ra sự cao cả của con người trong cơn hoạn nạn, nhưng sự khốn nạn của con người cũng bị lột trần trong những năm tháng sống nhờ nơi chốn tạm dung.
Ðánh đổi mạng sống để đến bờ tự do. Nhưng rồi vì miếng ăn, người ta đã chèn ép nhau, đố kị nhau. Và gọi nhau là “cộng sản.”
Những thuyền nhân năm xưa hỏi nhau, “Rủi ro, bất trắc và đầy những thảm cảnh như thế, nhưng tại sao người dân Việt Nam cứ đổ mình ra biển cả. Bất chấp tất cả. Vô vọng. Mờ mịt?”
Câu trả lời của ông Ðức Nguyễn, hiện ở Florida, từng là một bác sĩ biệt động quân, là, “Chỉ vì một lý do duy nhất, thà chấp nhận chết nơi biển cả, còn hơn phải chung sống dưới chế độ cai trị của Cộng Sản.”
Câu nói, “Ra đi, hoặc là con nuôi má, hoặc là má nuôi con, không thì con nuôi cá,” lại được những thuyền nhân xưa nhắc lại, để cười đó, và, ngậm ngùi đó.
Những người nằm lại, có tên và không tên
Những thuyền nhân năm xưa gặp nhau, không chỉ là để nhắc lại những ngày tháng đau thương mà còn là muốn tìm về thăm cảnh cũ, thăm những người đã nằm xuống.
Khi tàu chở chúng tôi đến đảo Air Raya, vợ chồng ông Duật Nguyễn cùng thốt lên, “Ngày chúng tôi đặt chân đến đây, hơn 30 năm về trước, nơi đây cũng y như vầy, nghĩa là cũng là một hòn đảo hoang, chưa có dấu chân người.”
Vợ chồng ông Duật là một trong những cư dân đầu tiên của đảo Air Raya. Họ đã đốn cây làm nhà, tuốt lá dừa làm mái, làm giường, và “trong suốt một tháng trời, chỉ ăn cháo thay cơm.” Thế mà chỉ sau hai, ba tháng, số người đến ngày càng đông, khu đảo hoang hôm nào biến thành một “thị trấn nhỏ” với nhiều hình thức sinh hoạt mua bán, giao dịch với dân bản xứ để mưu sinh trong lúc chờ ngày được đi định cư.
Giờ đây, sau gần 20 năm trại tị nạn đóng cửa, những cư dân năm xưa trở về đảo, và lại thấy nó y như ngày đầu họ đến.
Tương tự như vậy, trại tị nạn Kuku, Galang cũng là nơi có nhiều kỷ niệm gắn bó với một số thành viên trong đoàn. Họ trở về, cố tìm những “ba rắc” ngày xưa họ từng ở, tìm lại xem gốc cây cổ thụ năm nào họ ngồi trò chuyện, tìm lại nơi họ từng lên đó tìm củi về đốt, tìm ngôi chùa trên núi nơi họ từng đến cầu nguyện những giây phút bình an, và bước chân xuống làn nước biển mà “26 năm trước tôi từng tắm ở đây”, như một người hồi tưởng.
Nhưng có lẽ, để lại trong lòng mọi người nhiều nỗi niềm và cảm xúc nhất chính là những nấm mộ được chôn vội tại các nghĩa trang này.
Ngoại trừ 503 ngôi mộ có tên được chôn tại đảo Galang, còn lại, không ai biết được chính xác có bao nhiêu người đã nằm lại dưới lòng đất trên những đảo hoang, những ngọn núi, những trại tị nạn trên suốt mấy mươi năm qua.
Những ngôi mộ nằm khuất trong rừng sâu nơi đảo Kuku và Air Raya hoang tàn và hiu quạnh đến não nề.
Những tấm bia được dựng vội.
Những hòn đá nhỏ được đắp lên như làm dấu cho biết người thân của ai đó đã nằm xuống, để còn hy vọng có ngày trở lại mang họ đi.
Thế nhưng, mấy mươi năm qua, tất cả đã bị tàn phá.
Những ngôi mộ sụp lở.
Những tấm bia chẳng thể nào còn nhận ra tên người.
Khi những người trong đoàn, hay người dân địa phương tình cờ tìm ra được nấm mồ nào đó, chúng tôi lại cố lau chùi, cố tìm cách đọc những gì có thể đọc, và chụp hình với hy vọng mang về post lên những trang web. Biết đâu, trong những dung rủi tình cờ, người nhận ra người, và gặp nhau, qua bia mộ.
Cũng an lòng, cho kẻ đã xa, lẫn người còn lại.
Ðền ơn đáp nghĩa
Hành trình “Về Bến Tự Do” của những thuyền nhân xưa, còn có một lý do. Ðó là “Phải làm một điều gì đó cho người dân bản xứ, để họ hiểu rằng người tị nạn Việt Nam không hề là kẻ bội bạc, vong ơn với mảnh đất và người dân đã cưu mang mình trong suốt mấy mươi năm.”
Trong chuyến đi đến thăm trại tị nạn Galang, ngoài chuyện đoàn thuyền nhân đã ghé thăm hai trường trung học và trường tiểu học nơi đây, tặng họ những chiếc máy phát điện như một nghĩa cử đền ơn, một số người trong đoàn còn muốn tìm gặp, ghé thăm những ân nhân xưa.
Anh Vinh Trang, một thuyền nhân ở Arizona, mang theo trong hành trang mình một lá thư cám ơn, của một người quen, đến với một ân nhân ở Letung, Indonesia. Ngay khi vừa đặt chân đến Indo, anh Vinh đã dò hỏi ngay, với mong manh hy vọng.
Vậy mà tìm ra. Gia đình người bản xứ đó, trong những năm tháng đó, đã cưu mang một gia đình người Việt tị nạn trong gần cả một năm. Họ đâu hy vọng một sự đền đáp. Nhưng cô Ánh, người được cưu mang, vẫn khắc tâm, dù đã hơn 30 năm.
Hay vợ chồng cô Hương, chú Duật. Cứ đi tìm ngôi nhà mà hơn 30 trước, mỗi chiều cô cứ dẫn mấy đứa con ra ngồi dưới mái hiên nhà đó, ngóng ra biển, mông lung.
Vật đổi, sao dời. Vậy mà cũng gặp. Họ nhắc lại, nhận ra nhau và ôm chầm.
Những giây phút và khoảnh khắc đó, những tình cảm rất người đó, lấy gì đánh đổi?
Trong chuyến đi, những thuyền nhân xưa, theo gợi ý của người bản xứ, lại bàn nhau kế hoạch tặng dân nghèo Galang những con dê.
Tại sao lại tặng những con dê? Bởi Indonesia là quốc gia Hồi Giáo, họ không ăn thịt bò, thịt heo. Trong khi đó, dê lại là con vật được đem tế lễ trong những dịp lễ hội quan trọng của quốc gia này. “Dê có giá là như vậy.”
Nuôi dê không cần phải lo thức ăn và mất nhiều công chăm sóc, bởi dê chỉ ăn cỏ. Mỗi năm, dê cái đẻ một lứa 4 con. Họ nuôi lớn và bán đi cũng được một khoảng tiền khá lớn giúp họ có thêm phần nào trang trải cuộc sống.
Kế hoạch đã có, một số thuyền nhân cũng đã đồng ý ủng hộ. “Có lẽ Tháng Bảy này là thời điểm thích hợp nhất để những thuyền nhân xưa trao tặng món quà ý nghĩa này, thay cho lời cám ơn mảnh đất và người dân đã cưu mang mình,” ông Trần Ðông, giám đốc văn khố Thuyền nhân cho biết.
Trang sử cần phải nhớ
Lịch sử mỗi dân tộc đều có những trang đẫm máu và nước mắt đau thương. Lịch sử thuyền nhân Việt Nam là một trong những trang sử khốc liệt đó.
Tháng Tư về. Những thuyền nhân năm xưa lại kể nhau nghe những câu chuyện vượt biển. Không phải để gợi lại hận thù, gợi lại đau thương.
Họ chỉ muốn nhắc nhau nhớ, vì đâu, vì sao và bằng cách nào những thuyền nhân Việt Nam có mặt tại đây, để ghi nhớ, tri ân và trân trọng thêm cuộc sống tự do trên mảnh đất này.
Và, họ, những thuyền nhân Việt Nam, gọi đó là những câu chuyện còn mãi đến ngàn sau."
( Nguoi Viet, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=112244&z=1)
Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/10819431
0 nhận xét:
Đăng nhận xét