" Ngọc Lan/Người Việt
GALANG, Indonesia (NV) - Hôm nay là ngày cuối cùng đoàn thuyền nhân trong hành trình “Về Bến Tự Do” ở lại Galang. Ở lại không phải để vui chơi, mua sắm như những chuyến du lịch hay có. Ở lại, để thực hiện một nghĩa cử “đền ơn đáp nghĩa” với nơi đã từng là chốn tạm dung của biết bao đồng bào Việt Nam trên con đường vượt thoát đi tìm lẽ sống tự do.
“Phải làm một điều gì đó cho người dân Galang, để họ hiểu rằng người tị nạn Việt Nam không hề là kẻ bội bạc, vong ơn với mảnh đất và người dân đã cưu mang mình trong suốt mấy mươi năm.” Ðó là thông điệp mà ông Trần Ðông, giám đốc Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam, muốn nhắn gửi đến tất cả đồng bào tị nạn Việt Nam khắp nơi trên thế giới.
Trong chuyến đi đến thăm trại tị nạn Galang, đoàn thuyền nhân đã ghé thăm hai trường trung học và trường tiểu học nơi đây. So với những ngôi trường mái lá vách đất nơi làng xóm Việt Nam, thì ba ngôi trường nhỏ này khang trang và sạch sẽ hơn nhiều.
Tuy nhiên, các phương tiện dành cho việc dạy và học vẫn còn rất thiếu thốn. Máy phát điện, sách giáo khoa, tự điển English-Indonesian, sách hình dành cho việc học tiếng Anh, hệ thống loa nói chuyện ngoài trời, máy scan và photocopy, máy projector, là những thứ mà các trường học tại đây đang cần.
Riêng trong chuyến đi này, với số tiền đóng góp của một số thành viên trong đoàn cũng như vài thân hữu từ xa gửi tới, đoàn đã mua và tặng hai máy phát điện tặng cho hai ngôi trường trung học đệ nhất cấp MTS Darurrahman và tiểu học SDN 018 Galang trước, nhằm giúp cho học sinh cũng như thầy cô giáo có thêm phương tiện và điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học.
Hai trường học nơi xa xôi hẻo lánh cũng có dăm chiếc máy vi tính đã cũ, vài ba chiếc quạt máy đã qua nhiều năm sử dụng. Thế nhưng, có chỉ là để có, bởi trên xóm nghèo này, điện chỉ có từ lúc 6 giờ chiều đến 12 giờ đêm, còn lại là cúp. Chính vì vậy, việc mua máy phát điện được ưu tiên hàng đầu.
Có đi, có nhìn, có nghe, có quan sát mới thấu hiểu tình cảm của những người đang thật sự thực hiện công việc đền ơn đáp nghĩa, “uống nước nhớ nguồn” này.
Không chỉ là kêu gọi, thu tiền, và mua đại cho có, mà là sự trăn trở, tính toán, cân nhắc liệu xem như thế nào là tốt nhất cho người mình đang trả ơn. Cuối cùng, với số tiền có được, hai chiếc máy phát điện có công suất 5kw đã được đặt mua và chở đến hai ngôi trường bé xíu trong làng.
Lúc đoàn thuyền nhân đến trường trung học đệ nhất cấp MTS Darurrahman, thầy cô và các học sinh đã đứng chờ sẵn. Ngôi trường chỉ có vỏn vẹn 74 học sinh. Ða phần các em đều là người Hồi Giáo.
Chiếc máy phát điện được chở tới đó trước. Tuy nhiên, không ai trong số họ biết đó là cái gì. Khi nghe đó là máy phát điện, thầy và trò cùng kêu lên một cách kinh ngạc “trong đời họ chưa từng thấy cái máy phát điện to đến như thế.”
Ông Trần Ðông, giám đốc Văn Khố Thuyền Nhân, sau khi tặng máy phát điện cho trường, cũng đã kể sơ qua cho các học sinh nghe câu chuyện về chính cuộc đời ông đã vượt qua những khó khăn để đeo đuổi chuyện học hành, để có công ăn việc làm và cuộc sống ổn định như thế nào. Hy vọng chiếc máy và câu chuyện đó đang thắp lên trong các em học sinh nghèo nơi đây nhiều ước mơ vươn tới những điều tốt đẹp hơn cho tương lai.
Chia tay trường trung học, mọi người sang trường tiểu học SDN 018 Galang gần đó. Những gương mặt đen nhẻm vì nắng gió của đảo, những đầu tóc còn rối bù, những bàn tay chưa kịp rửa cứ chùi chùi vào áo trước khi chìa ra bắt lấy những bàn tay thuyền nhân, khiến ai cũng xúc động.
Trường SDN 018 Galang có vẻ khang trang hơn, với 124 học sinh tiểu học và 24 em ở lớp nhà trẻ. Chiếc máy phát điện màu vàng tươi với công suất 5kw cũng là thứ các học sinh cũng như thầy cô giáo, chưa từng thấy trong ngôi làng này.
Ông Trần Ðông cho rằng, “Nếu đồng bào hải ngoại khắp nơi nhiệt tình hưởng ứng, chúng ta có thể giúp đỡ cho toàn bộ 20 trường trung, tiểu học tại quận Galang này nhiều phương tiện học tập hơn nữa.”
Cô Phi, một thuyền nhân từng sống ở Galang, chia sẻ, “Trở lại đây, thăm lại nơi mình đã ở, nghe những câu chuyện, tôi mới thấy mình may mắn biết bao nhiêu. Góp phần giúp đỡ cho các em học sinh cũng là cách tôi tỏ lòng biết ơn mảnh đất này. Hơn nữa người cho bao giờ cũng hạnh phúc hơn người nhận. Cám ơn các em đã cho tôi có cơ hội để giúp các em nhưng cũng là để mang lại niềm vui cho chính tôi.”
Chia tay Galang, “ngưỡng cửa của tự do và tình người,” lòng thấy chút gì xao động, bâng khuâng, nhưng cũng thấy những niềm vui le lói, bởi ít ra, mình cũng đã làm được một điều gì đó thật ý nghĩa.
“Hãy quay lại nhé!” câu nhắn gửi của người dân địa phương sẽ còn níu chân người Việt tị nạn quay về chốn tạm dung này trong những lần sắp tới."
(Nguoi Viet, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=111191&z=1)
Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/9888011
0 nhận xét:
Đăng nhận xét