" Ngọc Lan/Người Việt
INDONESIA (NV) - Hành trình “Về Bến Tự Do” bước sang ngày thứ năm với bình minh trên một xóm nhà sàn ở Letung trong lành, thanh tịnh và kết thúc bằng một buổi “nhảy múa dân tộc” rất đặc biệt của dân địa phương nhân dịp cúng lễ thanh minh của họ, và cũng là để tặng riêng cho đoàn thuyền nhân.
Sau khi ăn sáng bằng cháo và bánh nếp nướng, một thứ bánh gói có nhân như chà bông, ngoài bọc lá chuối và nướng trên lửa than, đoàn thuyền nhân lại kéo nhau xuống tàu, một chiếc tàu “rất giống kiểu tàu vượt biên” để đến đảo Air Raya, cũng từng là nơi dung chứa những người vượt biên xưa. Có điều, chuyến đi này có thêm sự tháp tùng của vợ chồng “trưởng đảo” và đại diện của công ty du lịch Terempa.
Ðảo Air Raya, “y như ngày đầu mới đặt chân đến”
Trời không chút gió và nắng như đổ lửa. Hầu hết những người đàn ông đều leo lên mui tàu phơi cho đen da cháy tóc, còn lại phụ nữ ngồi trong khoang, và quạt liên tục. Chị Nguyệt Hương, ở Canada, kể, “Hồi đó đi vượt biên cũng đi tàu vậy nè. Có điều trong khoang này là dành cho gia đình chủ tàu, còn tụi mình thì phải nằm dưới lòng tàu. Cứ hai người nằm đâu đầu nhau và liền liền nhau như vậy.”
Chiếc tàu đang chở khoảng hơn 25 người, nhưng những tàu vượt biên thường chở số người đông hơn nhiều, như khoảng 40, 50 người trên con tàu hồi đó chị Nguyệt Hương đi, và trên cả trăm người trên chuyến tàu của anh Quốc, một thuyền nhân hiện đang ở Úc.
Ðến đảo Air Raya, tàu không vào bãi tận nơi như những lần trước mà đậu ngoài xa. Một chiếc xuồng được bỏ xuống, cứ năm người lần lượt xuống thuyền chèo vào bờ. Ðứng từ trong bờ nhìn ra, cô Hương Lê cứ xuýt xoa, “Y chang cảnh hồi xưa. Lúc đến cũng y như vậy. Trên tàu mọi người đứng lố nhố, rồi nhảy xuống bơi vào bờ, trong bờ cũng đứng nhìn ra chờ xem có người thân, người quen gì không.”
Giữa biển bao la, nhìn những người còn đang đứng ngồi trên tàu, háo hức chờ vào bờ, có thể “giống y chang” cảnh ngày xưa đó, nhưng lại khác nhiều lắm ở thân phận của kẻ ra đi và người trở lại.
Ðứng nhìn khu trại tị nạn năm nào, giờ cũng là mênh mông cỏ dại và ít hàng dừa, cô Hương, một trong những cư dân đầu tiên của Air Raya, bồi hồi, “Ngày mới đến, nơi đây cũng y chang vậy nè, cũng toàn là rừng và cỏ. Rồi mới bắt đầu chặt cây, tưới lá dừa đan lại làm mái nhà, sống lá kết lại làm giường. Vậy mà cũng ngủ được. Vậy mà cũng xong.”
Chú Duật, chồng cô Hương, kể chi tiết hơn, “Hồi đó lúc mới đến, tàu tụi tui cặp vào đảo khác. Nhưng bên đó chật quá, đông quá nên họ mới chở đi tìm một đảo nào xem coi có thể dời sang bớt không. Cuối cùng chúng tôi chọn ở đây.”
Cũng như những trại tị nạn khác, chỉ ít tháng sau khi có sự hiện diện của người vượt biên, những khu đảo vắng rừng hoang lại biến thành vùng đất đông đúc, có nhiều sinh hoạt mua bán để duy trì cuộc sống chờ ngày được phỏng vấn đến nước thứ ba.
Cô Hương Lê cứ hỏi chồng, “Chỗ nhà mình đâu anh?”
“Phía đằng này, nhưng không chắc chính xác là chỗ nào,” chú Duật trả lời vợ.
Cô quay sang nói với tôi, “Cô nhớ phía trước nhà cô có hai cây dừa và cây sầu riêng, có con khỉ cứ nhảy lên nhảy xuống ở đó. Bây giờ chỗ này có hai cây dừa thôi, không có cây sầu riêng.”
Tôi theo chân cô đi tìm những gì còn sót lại của ngày xưa. Chẳng còn gì. Người tị nạn đi hết. Xóm đảo lại trở về như thời ban sơ.
Khi đoàn người đã lên bờ hết bằng xuồng, trong lúc nhiều người đứng xem dân địa phương trèo dừa, hái dừa để chặt cho mọi người uống, thì nơi một góc bờ, anh Vinh, ở Arizona, lặng lẽ bày biện đồ cúng.
Ngay từ ngày đầu đặt chân trở lại đảo Tanjung Penang ở Indonesia, anh Vinh, cô Hương Lê cùng mọi người trong nhóm đã quyết định sẽ tổ chức một lễ cúng nhỏ nhằm cám ơn nơi đã cưu mang mình, cũng là để tưởng niệm những người đã mất trên những chuyến hải hành tìm chốn dung thân.
Ðể có được mâm đồ cúng chỉnh chu, có đủ gà luộc, trái cây, trà, rượu, nhang đèn, anh Vinh đã phải khá tất bật trong việc chạy nhờ những người dân địa phương ở Letung tìm mua cho đủ mọi thứ.
Bằng cặp mắt và gương mặt đầy tâm sự, anh Vinh chia sẻ, “Ðã nói là phải thực hiện. Mình phải biết thể hiện lòng biết ơn. Biết ơn trời đất, con người đã cưu mang mình. Không có họ thì giờ này mình đâu được thế này. Tôi mong đợi chuyến đi này biết bao lâu rồi. Tôi không thể nào quên được thời gian sống ở đây.”
Anh đang xúc động mạnh, hai tay nổi đầy gai. Anh lặng im nhìn những thứ đang bày ra trước mặt. Ký ức hơn 30 năm trước có đang hiện lên trong đó?
Cả đoàn người đứng tụ lại trước mâm cúng. Những bó nhang được thắp lên và chuyền cho nhau. Chú Thái châm thêm 2 điếu thuốc cắm xuống mâm lễ. Chú Trần Ðông, giám đốc Văn Khố Thuyền Nhân, trưởng đoàn, thành kính hướng dẫn mọi người cùng cầu nguyện cho những người đã vĩnh viễn gửi thân nơi biển cả hay các trại tị nạn.
Sự thành kính và đau thương hiện trên khuôn mặt mỗi người. Có người rơi nước mắt, có người mím chặt môi. Tôi không dám đưa máy ảnh chụp hình ngay lúc đó. Có những khoảng khắc mà sự im lặng cần được tôn trọng đến tuyệt đối.
Trong rì rào biển cả và rừng sâu, hương hồn những người đã khuất có lẽ cũng chút ấm lòng bởi bao năm rồi, họ vẫn trong tim những người đang sống.
“Không biết phải nói như thế nào cho hết lòng biết ơn của chúng tôi đối với người dân Indonesia nơi đây đã cưu mang, bảo bọc trong những năm tháng chúng tôi tạm sống ở đây. Chúng tôi luôn ghi nhớ, cám ơn và trân trọng tất cả nghĩa cử đó của người dân và chính quyền địa phương,” Anh Vinh thay mặt cả đoàn cám ơn những viên chức địa phương Letung có mặt.
Nơi nằm lại của những người trên trại tị nạn Air Raya
Sau khi cúng xong, đoàn người tiến vào rừng để viếng mộ những người nằm lại. Ðường đi không quá dễ dàng, ẩm và trơn và dốc.
Khoảng 50 nấm mồ được người dân địa phương tìm thấy trong rừng sâu.
Nếu như “nghĩa trang Thuyền Nhân” ở Kuku còn có ít ỏi bước chân thân nhân đã tìm về để xây lại mộ phần, thì ở đây, chưa hề có dấu tích của sự tìm nhau.
Hoang tàn.
Lạnh lẽo.
Thê lương.
Ở đây, một tảng đá bị vêu mòn đặt trước phần mộ được nhận diện bằng những nắm đá nhỏ, có dòng chữ “Jos Ng. C. Toàn 61-79.”
Ðằng kia, một tấm bia không thoát khỏi sự bào mòn của thời gian chỉ ghi vỏn vẹn “Phần mộ Vương Tuấn Minh.”
Trước ngôi mộ đã hoàn toàn bị sụp là tấm bia còn khá nguyên vẹn, chỉ bị sự bao phủ của rong rêu “Ms. HoangMai Nguyễn - Vietnamese Refugee - Born on 11. 10. 48 - Died on 7. 21. 79 - Boat 3204.”
Góc sâu bên trong, lại một ngôi mộ được dân địa phương tìm thấy. Sau khi dùng nước rửa tấm bia, dòng chữ bằng sơn trắng dần hiện ra, “Từ trần Trần T. Mai - Sanh năm 1955 A6L - Tử 3. 5. 79 - Chồng lập mộ Ng. V. Bảy, V.N” Ngôi mộ này chỉ còn vương lại vài hòn đá nhỏ.
Góc đằng kia, cạnh hai cây lớn, là một ngôi mộ được đắp bằng đá nhỏ bên trên có vẻ còn kiên cố. Nhưng cục đá ghi tên người mất lại rất nhạt nhòa. Nghĩ rằng có thể đọc được, vợ chồng anh Quế Chi và chị Nguyệt Hương cố gắng lấy nước tưới lên, lấy tay kỳ cọ, chà rửa. Cuối cùng, những chữ sơn màu vàng phai ố cũng đã đọc được “Trần T. Bằng - sinh năm 1947 - Mất ngày 29. 9 Kỷ Mùi.”
Tôi cố hình dung ra thân phận người nằm xuống qua những tên, những tuổi và cách đề trên bia mộ. Có người là vợ, là người thân, có gia đình cùng sống ở đây. Có người côi cút một mình. Ra đi và nằm xuống, người chung quanh chỉ biết họ qua mỗi cái tên.
Dẫu sao đó vẫn còn là những cái tên có thể nhận diện nếu ai đó nơi xa xôi có lòng hướng về những ruột thịt của mình để tìm kiếm. Còn lại, phần lớn các ngôi mộ phải chịu sự tàn phá không thương tiếc của thời gian. Không thể biết ai là người đã nằm xuống bên dưới những nấm mồ mà dấu tích còn lại chỉ là những nhóm đá nhỏ, những mảnh bia đã bị bào mòn gần sát đất.
Tôi cứ đi và chụp.
Chụp lại, tất cả những cái có vẻ như từng là, hay chính xác là, một ngôi mộ của ai đó.
Cứ đi. Và chụp.
Ðể làm gì?
Chứng tích cho sự có mặt của những người Việt phải bỏ xứ ra đi?
Chứng tích cho sự ghẻ lạnh của thời gian, của không gian?
Hay chứng tích cho sự phai nhạt của lòng người?
Ðể làm gì. Tôi cũng không biết.
Những bó nhang lại được thắp lên, chuyền nhau và cắm xuống.
Chúng tôi lại đứng lên, cầu nguyện, cho người đã khuất.
Dẫu biết rằng phong tục Indonesia không cho phép chuyện bốc mộ, bởi họ quan niệm cho dù là Phật giáo, Công Giáo, Tin Lành, hay bất kỳ tín ngưỡng nào, nhưng khi đã chết trên mảnh đất của người Hồi Giáo thì họ cũng được xem là người Hồi Giáo. Người Hồi Giáo không có tục lệ bốc mộ.
Nhưng, quay về chốn mình từng trải qua những ngày gian khó, quay về thắp lên một nén nhang cho người nằm xuống, âu cũng là chuyện nên làm cho trọn vẹn hai chữ “trước sau.”
Lễ hội dân gian của người địa phương
Sau buổi đi thăm trại tị nạn Air Raya trở về, quá trưa, cả đoàn từng người một được “xe ôm” chở ra biển bởi “đường đang sửa nên không thể đi xe hơi.”
“Xe ôm” ở đây cũng y như “xe ôm” ở Việt Nam, người khách không ôm người chạy mà ôm chặt, nắm chặt lấy yên xe để khỏi văng xuống đường. Con đường ngoằn ngoèo dốc, và cát, và ổ gà cuối cùng dẫn đến một bãi biển khá đẹp còn rất hoang sơ.
Thuyền nhân xuống tắm biển, trong khi một số dân địa phương đi theo chuẩn bị “barbecue” bằng cá nướng. Rất bất ngờ khi một số khách không mời cũng kéo nhau dự tiệc cá và dừa. Ðó là những chú dê con từ trên núi đánh hơi chạy xuống!
Ðược thông báo trước, buổi tối ai cũng phải mặc quần áo cho lịch sự một chút để tham dự “dance intraditional” của người địa phương. Một sân khấu dã chiến như kiểu ở những vùng quê nghèo hay dựng lên khi có quan chức đến đọc diễn văn, với hàng ghế xếp chữ “U.” Phía ngoài sợi dây nilong được quấn quanh khu vực ghế ngồi, như một kiểu ngăn cách với bên ngoài, dân cả xóm đảo già trẻ lớn bé đàn ông đàn bà trong nhiều kiểu trang phục Âu lẫn Hồi Giáo kéo ra xem, đông nghịt.
Ðoàn người chúng tôi hình như cũng là cái họ muốn xem. Có điều, họ rất thân thiện. Chúng tôi đi, chào họ bằng câu chào của người Indonesia, họ cười thích thú, chào lại ngay lập tức.
Hai màn nhảy múa rất lạ lùng của họ, với những người trong trang phục đen, đeo mặt nạ bằng vải trắng, tay cầm đèn pin, nhún nhảy, xoay vòng nhẹ nhàng, và những người hóa trang thành đủ loại ma quái, hình thù, như kiểu “Halloween.” Tôi không hiểu lắm về ý nghĩa những màn nhảy múa này, chỉ thấy người dân địa phương bên ngoài cười như nắc nẻ khi thấy “diễn viên” xuất hiện. Họ chỉ trỏ và cười và nói và cười. Có lẽ họ nhận ra ai đó là bạn bè hay người quen, bởi không có một gương mặt nào lộ ra ngoài, chỉ có những mặt nạ. Tôi thì chỉ nhìn thấy những bàn chân. Những bàn chân đất thô kệch, đen đúa, hằn những nét lam lũ, đang rất uyển chuyển theo điệu nhạc.
Và khi những “con ma” mời đoàn thuyền nhân ra nhảy múa theo họ thì tiếng cười của người dân xóm đảo lại còn giòn tan hơn nữa.
Những người trong đoàn, trước đó, người nhiều người ít, cùng góp chung hơn $300 tặng cho “Trung tâm thanh thiếu niên” của xóm đảo Letung, như một nghĩa cử thể hiện lòng biết ơn những gì họ đã dành cho thuyền nhân.
Ðêm đã khuya, buổi văn nghệ cũng dứt. Nhưng dư âm của nó sẽ vẫn còn mãi, như lời anh Hùng, ở Thụy Ðiển, đã tham gia hành trình “Về bến Tự Do” lần thứ 4, “Chuyến đi này đặc biệt quá. Những điều này chưa từng có trong những chuyến đi trước.”"
(Nguoi Viet, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=111014&z=1)
Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/9794491
0 nhận xét:
Đăng nhận xét