"Ngọc Lan/Người Việt
WESTMINSTER (NV) - Xúc động, thẫn thờ, buồn vui lẫn lộn là những điều có thể nhìn, nghe, hiểu và cảm nhận được từ những người đến tham dự buổi triển lãm “Thuyền Nhân Việt Nam: 35 Năm Nhìn Lại”.
Buổi triển lãm “Thuyền Nhân Việt Nam: 35 Năm Nhìn Lại” do Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam tổ chức từ 12 giờ trưa đến 4 giờ chiều ngày Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2010 tại Westminster Community Center, đã thu hút đông đảo đồng hương, chủ yếu là những thuyền nhân năm xưa, đến tham dự và thưởng lãm.
Hàng trăm bức hình và di vật được mang từ Úc Châu, trụ sở của Văn Khố Thuyền Nhân, đến Little Saigon lần đầu tiên để giới thiệu với đồng hương.
Hình ảnh, di vật, tự nó đã có những giá trị vượt thời gian. Tuy nhiên, khi hình ảnh và di vật đó gắn với những nơi chốn, những năm tháng đau thương lẫn hạnh phúc nhất thì nó lại khiến lòng người quay quắt nhiều hơn nữa.
Chú Dũng Phạm cứ đứng nhìn mê mải tấm hình chụp cảnh trại tị nạn Galang II.
“Chú có nhận ra nơi chú từng ở không?” Tôi hỏi.
“Nhìn nhận ra chứ, nhận ra chứ,” chú Dũng nói ngay tức thì. “Tôi lấy điểm chánh là những bồn nước nè, ai cũng biết, rồi đây là chùa Kim Quan nè. Tôi ở ngay barrack bìa này nè. Tui còn nhận ra đây là nơi người ta dựng cái tiệm bán tạp hóa, đây là con suối...”
Chú Dũng nói liền hơn như thể ngôi nhà năm xưa rõ mồn một trong trí nhớ. “Galang như quê hương thứ 3 của tôi. Việt Nam là quê thứ nhất, Mỹ là thứ hai.”
Rồi chú trầm giọng, “Nhìn hình thấy nhớ nhiều lắm. Nhớ cả những người từng đi chung với mình nhưng rồi họ phải quay về vì chính sách thanh lọc khi đó. Có nhiều người trong thời gian chờ thanh lọc đã bị điên.”
Ông Dũng Phạm đến Galang sau ngày đảo đóng cửa, “Trại tị nạn đóng cửa ngày 24 tháng 4, năm 1989, tôi đến lãnh thổ Indo ngày 25 tháng 5 cùng năm.”
“Tôi đã từng xem bức hình này mấy năm trước rồi, nhưng giờ xem lại vẫn thấy bùi ngùi,” ông Dũng chia sẻ sau khi cùng với một người bạn đứng nhìn bức hình và tìm lại những nơi chốn ngày xưa.
Trong khi đó, cô Kim Oanh, một thuyền nhân hiện đang ở Fountain Valley, cũng xúc động trước những hình ảnh nhìn thấy.
Bằng giọng nói đầy cảm xúc, cô Oanh chia sẻ, “Hôm nay đến đây xúc động quá. Bồi hồi, xúc động, thương nhớ lắm. Galang với mình có quá nhiều kỷ niệm. Cứ 10 ngày đi lãnh một bịch đồ, trong đó có gạo, có thức ăn khô, có đồ ăn hộp, rồi đi học tiếng Anh, chồng thì làm thiện nguyện...”
Cô Oanh kể lại kỷ niệm lúc hai vợ chồng cô cùng một đứa con 7 tuổi ở đảo Galang năm 82, “Lúc đó vượt biên, hai vợ chồng mỗi người có một chỉ vàng. Lúc tắm cho thằng con dưới suối, tôi làm rơi chiếc nhẫn, cả đêm buồn, tiếc vì lúc đó mình nghèo quá mà. Vậy mà sáng hôm sau ông nhà ra lấy rổ đãi cát tìm vàng. Vậy mà tìm được chỉ vàng đó. Lúc ổng về nói ‘Ôi, bố tìm được chỉ vàng rồi,’ nước mắt tôi cứ trào ra.”
Những kỷ niệm đó trong những ngày tháng đó, giờ lại hiện về, tràn đầy qua những khung cảnh được chụp lại ở Galang.
Một số người đến xem triển lãm một mình, nhưng đa phần họ đi cùng gia đình. Như gia đình ông bà Huê Trương, Kim Trương ở Garden Grove đi cùng cô con gái, cũng là thuyền nhân và hai đứa cháu ngoại sanh tại Mỹ.
Không như phần đông người khác mới đến xem triển lãm về thuyền nhân lần đầu, bà Kim cho biết, mỗi năm cứ hễ có tổ chức triển lãm những gì liên quan đến thuyền nhân bà cũng đều đến xem.
“Ði coi để tưởng nhớ lại lúc mình ở đảo. Cứ đến coi là xúc động,” bà Kim cho biết lý do mình đến xem triển lãm.
Năm 1981, một mình bà dẫn 4 người con đi vượt biên. Sau 9 ngày 9 đêm lênh đênh trên biển vì “tài công không biết đường” cuối cùng tàu bà được “một tàu dàn khoan dầu vớt” và đưa đến Bidong.
Bà chỉ cô Hồng Hoa, con gái bà, nói, “Lúc đó nó mới 6 tuổi. Ði trên tàu, tàu bị đổ dầu, dính vào người, làm cho đít lở loét hết, rồi đói khát, kêu khóc cả đêm.”
Sau một năm ở Bidong, bà sang Mỹ năm 82, cùng lúc đó, chồng bà, ông Huê Trương cũng từ Việt Nam vượt biên đến đảo.
Ông bà, cùng cô con gái lại kéo nhau đến chụp lại những hình ảnh giúp họ nhớ chuyện ngày trước, và cũng để giảng giải cho hai đứa cháu ngoại nghe về ý nghĩa của những bức hình mang giá trị lịch sử đó.
Trong lúc đứng cùng cô con gái và cậu con trai xem chăm chú những bức ảnh chụp một số thuyền nhân đã mổ bụng ngay sau khi bị Cao Uỷ Tị Nạn từ chối cho đi định cư, anh Bùi Hữu Khôi cho biết, “Tôi đi vượt biên năm 1977, được tàu Nhật vớt đưa tới Nhật. Ở Nhật 6 tháng, sau đó qua Mỹ cùng năm 77.”
Anh Khôi kể anh đi vượt biên trên một tàu đánh cá khi anh 13 tuổi.
“Lúc đó chú bác trong gia đình tổ chức đi chỉ định khoảng 4, 5 chục người. Nhưng sau đó hàng xóm biết nên cũng phải cho họ đi, tổng cộng 77 người. Thành ra lương thực dự trữ đem theo phải vứt xuống biển. Cũng may mắn là chỉ qua một ngày là có tàu Liên Xô vớt, nhưng những người tổ chức trong tàu không muốn tàu Nga Sô vớt mà chỉ muốn họ thả xuống để đi tiếp. Qua ngày hôm sau thì có chiếc tàu Nhật vớt.”
Anh Khôi cho rằng tàu anh “rất may mắn. Bởi lương thực, đồ ăn, xăng nhớt đều vứt xuống bớt để lấy chỗ cho mọi người, nên cũng không biết điều gì sẽ xảy ra nếu như ở trên biển lâu hơn.”
“Không từng ở những trại tị nạn mà hình ảnh ở đây đang trưng bày nhưng khi đến xem tôi vẫn cảm thấy mình cũng là một trong số họ, bởi mình cũng đi tị nạn vượt biên, chỉ khác nhau ở con đường. Tôi cảm thấy có cái gì đó rất gần gũi với họ, ‘my people.’” Anh Khôi nêu cảm tưởng của mình.
Ðến khi buổi triển lãm chỉ còn mở cửa khoảng 1 giờ, một phụ nữ mang theo bức hình chụp chiếc tàu “USS, stered, #23” “Tôi không nhớ là tôi có đánh vần sai không, nhưng đó là chiếc đã vớt chúng tôi ngày 19 tháng 7 năm 1983.”
Bà cho biết bà tên Nguyễn Thị Kim Tuyến ở Westminster, vừa nghe tin về cuộc triển lãm nên chạy tới, mang theo bức hình mà bà quí nhất để cho Văn Khố Thuyền Nhân chụp lại.
Bà cầm bức hình kể, “Chỉ mới đi được 2 ngày 1 đêm thì tàu tôi được tàu này vớt. Khi đó trên tàu có 89 người, gia đình tôi có 5 người. Chúng tôi ở trên đây 7 ngày 7 đêm. Lúc đó tôi yếu lắm, đứng không nổi nữa. Sau thời gian ở trên chiến hạm này, họ cho ăn cho uống tôi khỏe lại. Trước lúc bỏ mọi người xuống trại ở Thái Lan thì họ chụp cho tấm hình này, tôi quí lắm giữ đến bây giờ, có điều không biết ông sếp tàu tên gì nữa.”
Bà tiếp tục nói khi nước mắt đã lưng tròng, “Khi vào nhìn những hình triển lãm này tôi thấy buồn lắm, thấy thương lắm. Không ngờ mấy chục năm rồi mà còn lưu giữ được như vậy. Tôi lại muốn nói là tôi rất cám ơn nước Mỹ, cám ơn người Mỹ đã cưu mang người mình, nhờ đó mà các con tôi mới ăn học thành tài, có gia đình có công việc.”
Ðến xem, cảm nhận và thấy trân trọng thêm công việc mà Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam, do ông Trần Ðông làm giám đốc, có ý nghĩa hơn bao giờ hết."
( Người Việt, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=111988&z=1)
Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/10607951
0 nhận xét:
Đăng nhận xét