Chủ Nhật, 11 tháng 4, 2010

Đọc báo thấy bài này đáng chú ý, liên hệ tới Việt Nam quê hương một thời của tôi , xin chép lại để mai mốt đọc lại kỹ hơn.



"BẠC LIÊU 10-4 (TH) - Mả cá voi dự trù xây nổi với lồng kính để nhà cầm quyền địa phương kiếm tiền khách du lịch và những người dân có tín ngưỡng dân gian đang làm khổ người dân xã Vĩnh Thịnh.



Theo một bản tin trên tờ Thanh Niên ngày Thứ Bảy, mùi hôi thối kinh hoàng từ xác cá voi 15 tấn tiếp tục phân hủy làm ô nhiễm môi trường, và người dân chịu đựng hết nổi.



“...Do ngành chức năng địa phương chưa lường hết được mức độ phức tạp của việc thực hiện ý tưởng trên, chưa xử lý tốt việc bảo quản xác cá voi, dẫn đến mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống của người dân quanh ‘mả cá voi’. Bà Nguyễn Thúy Kiều sống gần khu vực chôn cá voi cho biết, từ khi xác cá voi được đưa về ấp Vĩnh Lạc (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) đến nay, các hộ dân quanh khu vực này phải chịu đựng mùi hôi từ xác cá bốc lên.” Báo Thanh Niên ngày 10 tháng 4 năm 2010 viết. “Do không chịu nổi mùi hôi của xác cá đang trong giai đoạn phân hủy, rất nhiều người đã bị ói mửa, có người phải mang khẩu trang suốt cả ngày, thậm chí cả khi đi ngủ.”



Tờ Thanh Niên dẫn lời một cư dân khác, ông Nguyễn Văn Trung - nhà gần nơi chôn cá voi cho biết thì “gần một tháng qua, vợ con ông đã ‘sơ tán’ về bên vợ để trốn chạy cảnh bị ‘tra tấn’ từ mùi hôi thối. Cũng theo ông Trung, xác cá voi có khối lượng thịt quá lớn (15 tấn) khi phân hủy đã gây ô nhiễm khủng khiếp đến môi trường, nếu không xử lý triệt để sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.”



Theo lời ông trung “Việc xây mộ cá voi thì làm rất sơ sài, nói là lắp kính bao bọc xung quanh nhưng hiện tại vẫn còn để trống trước hở sau, xung quanh mộ và xác cá chỉ được trùm bạt nhựa”.



Ngày 21 tháng 2 năm 2010, ngư dân đánh cá biển thấy xác một con cá voi đang trôi dạt. Khoảng 10 chiếc tàu đánh cá xúm lại kéo xác cá voi về khu vực bờ biển xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Chủ đích của ngư dân là chôn lấp, đợi 3 năm sau khi đã phân hủy hết thịt da, họ sẽ lấy bộ xương lập miếu thờ, theo truyền thống đã có từ đầu thế kỷ thứ 19.



Ngư dân tin rằng cá voi giúp đỡ ngư dân khi gặp giông bão trên biển. Cho nên, mỗi chuyến ra khơi, ngư dân miền Nam thường thờ cúng cá ông ngay trên tàu, cầu mong sự linh thiêng của thần cá ông giúp chuyến ra khơi thành công suôn sẻ.



Khi xác cá voi được kéo về cửa biển Cái Cùng (xã Vĩnh Thịnh), hàng chục ngàn người hiếu kỳ và gia đình ngư dân từ nhiều tỉnh phía Nam đã tới cúng vái, góp tiền chôn cất. Nhưng thấy có thể kiếm được nhiều tiền, nhà cầm quyền tỉnh Bạc Liêu buộc xây dựng “lồng kính” lộ thiên cho xác cá voi để bán vé, thay vì chôn xuống đất.



Vì rắc hóa chất, khử mùi sơ sài trong khi cái nhà xây làm “nhà kiếng” thì đến nay vẫn còn trống trước hở sau, mùi hôi thối làm hại sức khỏe cư dân chung quanh.



“Hiện nay, mặc dù xác cá voi đã phân hủy hơn 50% và được Sở Y Tế, Sở TN-MT tỉnh Bạc Liêu thường xuyên xử lý bằng hóa chất, song không hiệu quả vì xác cá voi quá lớn. Hơn 200 triệu đồng do người dân đóng góp vào việc xây dựng mộ, nhà kính bao che xác cá voi đã không phát huy được tác dụng, thậm chí đang phản tác dụng.” Báo Thanh Niên viết.



Theo tờ Người Lao Ðộng “Nhiều khả năng kế hoạch chôn cá voi trong lồng kính sẽ không thực hiện được do không bảo quản tốt bộ xương cá voi ngay từ đầu. Một số xương sườn của cá bắt đầu gãy, không còn nguyên vẹn như ban đầu. Ban trị sự lăng ông Duyên Hải, đơn vị trực tiếp quản lý xác cá voi (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) đã xác nhận không còn khả năng quản lý vì tình trạng phân hủy thân cá ngày càng nhanh.”



Từ miền Trung đến miền Nam và trên một số hải đảo, lăng cá ông đã được xây dựng mỗi khi cá voi chết dạt vào bờ."




(Nguoi Viet, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=111264&z=2)

Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/9967021

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến