Thứ Hai, 5 tháng 4, 2010

Đọc báo thấy bài này đáng chú ý, liên hệ tới Việt Nam quê hương một thời của tôi, xin chép lại để mai mốt đọc lại kỹ hơn.



" Ngọc Lan/Người Việt



TERAMPA, Indonesia - Ngày thứ ba của chuyến hành trình về bến tự do là ngày chúng tôi di chuyển bằng nhiều phương tiện, xe, máy bay, tàu tốc hành và... đi bộ. Con đường, càng đến gần đảo xưa, càng thôi thúc. Lòng người miên man, nhiều tâm trạng, nhiều cảm xúc, nhiều câu chuyện bất ngờ không có trong dự tính, đã diễn ra.



Tấm lòng thuyền nhân



Trong bữa ăn sáng ở khách sạn đẹp nhất mà đoàn người được ở trong suốt chuyến đi, các thuyền nhân Letung, Kuku, Galang xưa lại chia sẻ những nỗi niềm ôm ấp suốt bao năm qua.



“Tôi mong chờ chuyến đi này nhiều năm lắm rồi đó!” Anh Vinh ở Arizona, một người Việt gốc Hoa, nói thêm lần nữa sự nôn nao của mình. Anh Vinh trở về, “không chỉ tìm lại kỷ niệm xưa, mà muốn làm một điều gì đó thật cụ thể như một sự đền ơn đáp nghĩa với mảnh đất đã cưu mang mình.”



Cô Phi - người phụ nữ nhỏ nhắn, dịu dàng tâm sự, “Tôi cũng vậy, chờ đợi biết bao lâu rồi. Tôi rất mừng là trong chuyến đi này mình có ghé thăm trường học ở Galang. Phải làm một điều gì đó để người dân bản xứ đừng nghĩ chúng mình là bội bạc.”



Vợ chồng anh Thi, chị Hương, vợ chồng chú Duật, cô Hương, chú Ðức đều cùng chung suy nghĩ. Có lẽ cũng chính vì điều đó nên khi nghe chú Trần Ðông - trưởng đoàn - nói ý định lần này về thăm Galang sẽ mua tặng cho trường học nơi đó hai máy phát điện, cả đoàn đều nhiệt tình hưởng ứng.



Chú Ðức, một bác sĩ Biệt Ðộng Quân năm xưa, hiện đang ở Florida, góp $500. Vợ chồng anh Quế Chi, chị Nguyệt Hương ở Canada đã gởi trước $500 cho trưởng đoàn từ khi mới đến, còn lại các thành viên trong nhóm, người $100, $200, cùng chung tay “làm một điều gì thật cụ thể để người dân nơi đây đừng nghĩ chúng ta là kẻ bội bạc.”



Phi trường Matak



Mười một giờ, chúng tôi, ngoài nhóm người gặp nhau từ ngày đầu ở Singapore về đây, còn có thêm 12 thành viên mới đến từ Malaysia, chuẩn bị hành lý ra sân bay đến đảo Matak. Các thành viên mới, phần lớn là thuyền nhân xưa từng ở Bidong bên Malaysia, đã tham gia chuyến “Về bến tự do” trước nhóm Galang và muốn tiếp tục đến những trại tị nạn ở Indonesia.



Buổi sáng trên đảo Tajung Pinang cũng một màu xám xịt cùng những cơn mưa xối xả. Ðứng trước khách sạn, từ trên cao nhìn xuống bên đường, một chiếc xe có tủ kiếng như những chiếc xe bán bánh mì, bên cạnh là những người chạy xe ôm chờ khách, cạnh bên nữa là một quán nước lợp tôn dưới một tàn cây lớn, những chiếc ghế nhựa, chiếc tủ nhỏ bày thuốc lá, những chiếc xe Honda gắn máy cứ vùn vụt lướt qua, lại cảm thấy giống quá và nhớ quá, Việt Nam!



Ðến giờ, lướt qua những cơn mưa, chiếc xe van nhỏ đưa chúng tôi đến một sân bay địa phương. Sân bay có lẽ giống sân bay Buôn Mê Thuột, mỗi ngày chỉ một chuyến đi, một chuyến đến, với chừng trăm hành khách.



Sau hơn một giờ bay, chúng tôi đáp xuống sân bay Matak, một sân bay của một công ty khai thác dầu hỏa do Hoa Kỳ làm chủ. Công ty này cho mượn Matak để hãng hàng không Indonesia chở khách từ các đảo khác sang đây.



Cái nóng bức bắt đầu được cảm nhận. Chưa kịp lên tiếng thở than đã nghe lao xao. Thì ra, một phái đoàn do ông trưởng phòng du lịch một cơ quan thuộc chính quyền địa phương trên đảo dẫn đầu, cùng một số chàng trai và cô gái trong trang phục dân tộc xinh đẹp như những công chúa và hoàng tử, ra tận sân bay trao vòng hoa và tặng quà cho chúng tôi. Bất ngờ, thú vị, cả đoàn đua nhau chụp hình với các công chúa, bởi người ta không dễ gì có dịp xem người mặc trang phục dân tộc như thế.



Ðứng trên bến tàu, nhìn những mái nhà che chắn bằng tôn, chen lẫn vài ngôi nhà đắp đất, xi-măng. Ðây đó, hành khách, người nhẹ nhàng, người khệ nệ hành trang, bước xuống tàu, lại nghe lòng có gì thật lạ! Cũng tàu, cũng biển, cũng bến, cũng bờ, nhưng khác nhiều lắm trong lần ra đi mấy mươi năm về trước và trong chuyến quay ngược hành trình này.



Con tàu đến Terampa



Vừa chui vào trong một chiếc tàu tốc hành với chừng 30 hành khách, nóng bức và khát cháy, chưa kịp nghĩ liệu mình có bị say sóng hay không thì chú Trần Ðông, trưởng đoàn, gọi tôi qua chiếc tàu nhỏ khác. Tôi ngồi ngay phía trước, sau lưng tài công, mới có thể quan sát được rõ ràng cảnh vật trước mắt.



Ngồi bên này tàu, nhìn sang chiếc tàu lớn khi nãy, tôi trông thấy nhà báo Ðinh Quang Anh Thái ngồi lẫn trong đám hành lý trong khoang tàu. Dường như chú đang mang một tâm trạng gì đó, khang khác.



Tàu khởi hành.



Lao vùn vụt.



Lại có cảm giác như nó phóng lên cao rồi rơi xuống chạm đáy, rồi lại bị tung lên.



Ngồi ngay phía ngoài không sợ mình bị bay xuống nước, chỉ lo ống kính máy chụp hình va vào thành tàu khi con tàu lượn cua, hay có mưa bất chợt làm ướt máy ảnh thì không biết làm sao trong những ngày sắp tới. Cuối cùng, máy ảnh an toàn, ống kính an toàn nhưng mắt tôi có lẽ không an toàn, bởi cặp kiếng đã... bay vèo xuống biển.



Chú Trần Ðông, người vượt biên suốt 10 năm ròng rã với không biết bao nhiêu chuyến đi trước khi đến bến tự do, nói, “Hôm nay thời tiết tốt do trời mát, biển hơi sóng thôi.”



“Hồi đó đi vượt biên cũng đi như vậy hả chú?” Tôi hỏi.



“Ðâu có, mình đang đi bằng tàu tốc hành. Hồi đi vượt biên, một chiếc tàu 9, 10 thước có cả mấy chục người chạy bằng máy dầu, còn tàu cao tốc chạy bằng máy xăng, nếu may mắn biển êm thì không có gì, còn nếu biển sóng quá, tàu bị hư hết, chết máy thì phải lênh đênh trên biển.”



Có lẽ thấy chưa đủ đối với một người chưa từng vượt biên như tôi, chú Ðông nói tiếp, “Ðối với hầu hết người đi vượt biên thì họ không có kinh nghiệm về biển. Cứ đến ngày đi thì họ cứ lên tàu mà đi thôi. Khi ra ngoài khơi thì sóng gió bão bùng. Tàu hư máy, chết máy thì cứ phó mặc cho số phận.”



Tôi nhìn sang chiếc tàu chở nhà báo Ðinh Quang Anh Thái. Phía xa xa, giữa biển mênh mông đen kịt, trông chiếc tàu nhỏ nhoi quá. Ngày xưa, bao chiếc tàu thô sơ hơn thế đã liều mình ra đi.



Sóng nhồi.



Con tàu nhồi.



Và tôi thấy mình trồi lên sụp xuống sau những con sóng.



Sau hơn 30 phút phơi mình cùng nắng gió trên con tàu cao tốc, tôi là kẻ đầu tiên bước lên bờ của đảo Terampa, nơi có một phái đoàn khác đang chào đón. Một ông đại diện quan chức địa phương bắt tay tôi và nói một tràng gì đó chỉ mình ông hiểu. Tôi cũng đáp lại một tràng mà tôi và ổng cùng không hiểu. Chỉ biết ổng cười và tôi cười, nụ cười thân thiện. Nụ cười chào đón mà theo lời chú Ðông, “những lần trước không có.”



Cả đoàn đi theo con phố nhỏ vào xóm đảo. Nhà báo Ðinh Quang Anh Thái bỗng quay sang nói với tôi, “Ngày 22 tháng 4 năm 1984, tôi rời Việt Nam, ngày 5 tháng 5 năm 1984, đúng 5 giờ rưỡi chiều, tàu tôi vào đây, đúng đảo này, Terampa, một vòng xoay lạ lùng. I don't know.” Ngay khi đó, tôi hiểu ngay vẻ “khang khác” mà tôi bắt gặp nơi nhà báo dạn dày kinh nghiệm này.



“Vậy đây là lần đầu tiên chú về đây phải không?”



Chú Thái gật đầu, rồi lại nói, “I don't know.” Chú trả lời như vậy khi tôi hỏi cảm xúc. “I don't know,” chú nhắc lại, thật nhỏ, trong những cái lắc đầu nhẹ, mắt nhìn xa xăm.



Im lặng, tôi để chú chìm trong những xúc động của riêng mình. Một thoáng bất chợt, tôi nhìn thấy trên gương mặt đen sạm vì nắng, vì gió, vì dấu ấn thời gian của người đàn ông đã trải qua không biết bao nhiêu gian nan trong cuộc đời, hai dòng nước mắt lăn dài.



Ký ức ùa về.



Khốc liệt và đau thương.



Cũng một buổi chiều gần tròn 26 năm.



Quay đi, che giấu sự xúc động, tôi lại nghe anh Quế Chi chỉ về phía cầu tàu, nơi có những con tàu đang neo bến, “Tháng 4 năm 1983, tàu tôi cũng đã đến đó.”



“Vậy ra anh cũng đến đây!” Tôi ngạc nhiên.



Anh Chi cười hiền lành, “Ừ, tàu tôi đến nhưng họ không cho lên bờ, bởi vì Cao Ủy Liên Hiệp Quốc ghé. Tôi ở đó hai ngày thì được chỉ sang đảo Kuku.” Nói rồi, anh quay sang, đưa tay chỉ tôi một ngôi nhà sơn trắng, có lẽ là một bưu điện, nói tiếp, “Khi đó, tôi nhờ một người dẫn lên bờ, bán một chỉ vàng và vào đó đánh điện tín về nhà báo tin đã đến.” Anh Chi cảm thấy vui lắm khi bắt gặp lại những dấu tích ngày xưa. Ai ngờ, quay ngoắt một vòng hơn phần tư thế kỷ.



Sau khi nhận phòng nơi nhà nghỉ bình dân nơi xóm đảo, nhiều người ngỡ ngàng: không có vòi sen, không có bồn rửa mặt, không có nước nóng, chỉ có một bể chứa nước và một cái ca múc nước tắm.



Chú Thái cùng anh em chú Hạnh, chú Ðức, cô Phi và tôi đi dạo trên đảo. Nhiều hình ảnh thú vị đã được thu nhận. Những em bé nhỏ xíu trong trang phục người Hồi Giáo chạy xe đạp vòng quanh xóm, những cái ăng-ten parabol thiệt lớn đặt trong những con hẻm thiệt nhỏ bên cạnh những căn nhà cũng rộng bằng cái parabol, những thanh niên đá banh trên mảnh đất lớn trong cái nắng cháy da, những nụ cười thân thiện của những người dân bản xứ lướt qua, những quán ăn nghèo nàn thường bắt gặp nơi xóm lao động ở Việt Nam, những hàng bán thịt xiên nướng nghi ngút khói than, những chiếc xe đẩy như xe mì gõ, cháo huyết ở Sài Gòn, những người đàn ông ngồi trên xe ôm vắt vẻo chờ khách, những ngôi nhà đủ hình thù, dáng vẻ và chất liệu, cả một cái cầu tiêu lộ thiên như cầu cá tra nằm lẫn trong vô vàn những cái có thể gọi tên và không biết gọi tên, cũng được thu vào ống kính.



Ðặt chân đến đây rồi càng không biết như thế nào về chữ ngôi nhà và sự lam lũ. Cùng một thế giới, cùng một loài người, nhưng giống nhau và cũng khác nhau nhiều lắm. Có điều, trên vẻ mặt dù đen, dù trắng, dù sang trọng hay cơ hàn, chỉ cần nhìn nụ cười đủ biết họ có hạnh phúc hay không.



Ði lang thang ra cầu tàu, mặc cho xe cứ chạy qua chạy lại, chúng tôi tựa vào thành cầu nghe nhà báo Ðinh Quang Anh Thái kể về chuyến vượt biên dài 16 ngày của mình trước khi quyết định đục tàu để được lên bờ Terampa. Sau sáu ngày ở Terampa, mọi người trên tàu được đưa sang đảo Galang. Chưa được hưởng không khí tự do, Ðinh Quang Anh Thái bị cảnh sát Indonesia đến bắt và đánh liền bởi một “thằng” trên tàu nó hận mình nên tố mình là... cộng sản ngay khi mình vừa bước lên đảo. “Con người khốn nạn lắm, nhưng con người cũng cao cả lắm.” Tôi nghe và cảm nhận thật rõ ràng điều đó qua những câu chuyện và những điều chứng kiến trong hành trình này.



Ðể mỗi nửa đêm, lại thức dậy, viết xuống, và viết tiếp, những câu chuyện còn mãi với ngàn sau.".




(Nguoi Viet, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=110903&z=3)



Mời đọc thêm:



Hành trình tìm lại dấu tích thuyền nhân

http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/?id=9533221



Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/9723171

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến