"Ngày 19 tháng 2 năm 2010, hệ thống cáp treo ở Chùa Hương bị mất điện suốt 45 phút đã làm hàng trăm người, trong đó có nhiều trẻ em, phải ngồi lơ lửng trên không (cách mặt đất cả trăm mét) trong âu lo, sợ hãi.
Cho đến chiều ngày hôm sau, hệ thống cáp treo này vẫn chưa hoạt động trở lại.
Ðây không phải là lần đầu tiên hệ thống cáp treo ở một số địa điểm du lịch tại Việt Nam gặp trục trặc mà đã từng xảy ra nhiều lần. Bên trên đó là vấn đề an toàn cho khách đã không được coi trọng, theo một bài báo của tờ Thanh Niên.
Ít nhất, tại Việt Nam, hiện có 8 hệ thống cáp treo dẫn vào một số địa điểm du lịch như chùa Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Hương (Hà Tây, nay là Hà Nội mở rộng), Bà Nà-Suối Mơ (Quảng Nam-Ðà Nẵng), Ðà Lạt, Hòn Tre-Phú Quí - Vinapearl (Nha Trang), Tà Cú (Bình Thuận), Núi Lớn-Núi Nhỏ (Vũng Tàu), núi Bà Ðen (Tây Ninh).
Khi cáp treo mất điện
Nhờ có điện lại khoảng 1 giờ sau, những người bị kẹt trên cáp treo ở chùa Hương mới thoát nạn. Tuy nhiên, điện lại mất trở lại. Theo lời Lê Văn Sang, chủ tịch UBND huyện Mỹ Ðức (cơ quan quản trị kinh doanh du lịch Chùa Hương), nói với báo Thanh Niên về “sự cố” mất điện thì “lưới điện quốc gia trục trặc làm cháy biến thế điện, làm cháy thiết bị cầu dao của lưới điện cáp treo Chùa Hương”.
Vì phải chờ mua cầu dao điện mới nên cáp treo không hoạt động.
Từ năm 2006, hệ thống cáp treo Chùa Hương được đưa vào hoạt động với 45 cabin đi qua 3 nhà ga (Thiên Trù, Giải Oan và Hương Tích). Tổng chiều dài toàn tuyến cáp là 1.2 km. Mỗi cabin chở được 6 hành khách và mỗi giờ hệ thống này vận chuyển được chừng 1,000 khách. Ðây là lần đầu tiên hành khách bị treo trên không do mất điện ở hệ thống cáp treo Chùa Hương. “Bình thường, nếu mất điện nguồn thì sau 5 phút, máy phát điện tự hành của trạm điện cáp treo sẽ hoạt động ngay để tiếp tục cung cấp điện, đảm bảo cho việc vận hành của các cabin đang chở khách trên cao. Nhưng trong sự cố này, do chập cầu chì, xung đột điện phóng vào làm cháy automat nên máy phát điện tự hành cũng bó tay” - ông Sang phân tích.
Ông Sang cho biết thêm, tuy điện lưới quốc gia đã được cấp lại cho khu vực Chùa Hương, nhưng lưới điện cáp ngầm ngay tại trạm biến áp bị hở điện nên máy phát điện tự hành dự trữ cũng không thể hoạt động được vì không đảm bảo an toàn. Do cáp treo tê liệt, nên du khách lên thăm động Hương Tích phải hành hương bằng đường bộ trong ngày 20 tháng 2. Vì vậy mà đẻ ra mọi nỗi chen lấn, xô đẩy, nhiều du khách còn bị móc mất tiền, mất máy ảnh hay điện thoại...” theo bản tin tờ Người Lao Ðộng 20 tháng 2 năm 2010.
Không phải lần đầu...
Theo báo Thanh Niên, các hệ thống cáp treo du lịch từng có nhiều “sự cố” tại Việt Nam. Ngày 19 tháng 3 năm 2008, tại hệ thống cáp treo tuyến Giải Oan - Hoa Yên khu vực chùa Yên Tử (Quảng Ninh) đã xảy ra “sự cố” khiến tuyến cáp treo này phải ngưng hoạt động khi cầu chì của hệ thống chống sét của cáp treo bị chập, cháy. Tờ Thanh Niên thuật lời ông Phạm Gia Lượng, phó cục trưởng Cục An Toàn Lao Ðộng (Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội) nói, trước đây, “tại hệ thống cáp treo núi Bà Ðen (Tây Ninh) đã xảy ra 2 sự cố liên quan đến cửa cabin. Theo ông Lượng, do việc đóng mở cabin của hệ thống cáp treo công nghệ của Trung Quốc không thật sự chắc chắn nên một người dân vì u buồn chuyện gì đó trong cuộc sống đã mở cửa cabin nhảy xuống đất. Vụ thứ 2, khi cháu bé tựa người vào cửa cabin, cửa đã bật mở và cháu bé rơi xuống đất. Rất may, không có thương vong xảy ra trong cả hai sự cố này. Tuy nhiên, người ta đã phải sửa lỗi kỹ thuật bằng cách lắp thêm hệ thống dây xích an toàn tại khu vực cửa cabin cáp treo”.
Hệ thống cáp treo cần phải đạt các yêu cầu bảo đảm an toàn tối đa vì liên quan đến sức khỏe và sinh mạng của con người. Biết là vậy, nhưng trên thực tế, điều này đã không được đặt lên hàng đầu, theo sự tiết lộ trên tờ Thanh Niên.
Theo ông Phạm Gia Lượng, “mặc dù, từ trước đến nay, ở Việt Nam mới chỉ xảy ra một vài sự cố nhỏ liên quan đến cáp treo nhưng nguy cơ xảy ra sự cố, mất an toàn khi vận hành cáp treo như cửa cabin bất ngờ bật mở hất du khách xuống đất, đứt cáp, rơi cabin, cabin bị treo giữa các trạm ga... vẫn luôn hiện hữu. Ông Lượng cho rằng, hiện chúng ta chưa chủ động, chưa sẵn sàng trong việc đánh giá tiêu chuẩn an toàn của các hệ thống cáp treo do các nước sản xuất với công nghệ khác nhau.”
“Cáp treo đã có mặt ở Việt Nam khoảng 7-8 năm nhưng chúng ta còn hạn chế trong việc chủ động về kỹ thuật để đảm bảo an toàn, cơ quan kiểm soát đánh giá chưa sẵn sàng”, ông Lượng nói với báo Thanh Niên.
Thêm vào đó, vẫn theo lời ông Lượng, “hệ thống cáp treo hiện có ở Việt Nam được xây dựng theo những công nghệ và tiêu chuẩn khác nhau, trong đó nếu theo tiêu chuẩn Châu Âu thì yên tâm, còn nếu theo tiêu chuẩn của một số nước khác thì vẫn còn những quan ngại nhất định. Việc thực hiện quy trình vận hành an toàn cũng là điều phải nghĩ tới khi mà theo quy định, cứ có gió cấp 5 - cấp 6 là phải ngừng hoạt động cáp treo, nhưng trên thực tế, vì lợi nhuận kinh tế, người ta vẫn cho chạy cáp treo.”
Theo báo Người Lao Ðộng, vì cáp treo không hoạt động “tình trạng cò mồi, chèo kéo khách khiến hàng ngàn người đi trẩy hội Chùa Hương chen lấn, xô đẩy nhau, ùn tắc kéo dài. Hôm 20 tháng 2, con đường độc đạo dẫn lên động Hương Tích và một số địa điểm khác của Chùa Hương đã rơi vào tình trạng tắc nghẽn. Mới khoảng 8 giờ nhưng số lượng người hành hương đến dâng lễ ở động Hương Tích đã lên tới khoảng 5,000 người. Tất cả xếp thành hàng kéo dài hơn 300m dọc theo con đường duy nhất dẫn lên núi Ðại Binh, nơi có động Hương Tích, chùa Thiên Trù, chùa Giải Oan và chùa Thiên Bồng. Tuy nhiên, do đường lên núi hẹp, lại vướng phải hàng trăm cửa hàng bán bánh kẹo, đồ lưu niệm, các loại thảo dược... nên lối đi bị cản trở và xảy ra tình trạng dồn ứ.
Nhiều du khách bất chấp nguy hiểm trèo lên các vách núi để tìm cách len lỏi qua đám đông. Mãi đến gần 14 giờ, ban tổ chức mới yêu cầu các du khách hành hương tạm thời không lên núi để lực lượng an ninh giải tỏa hàng chục ngàn người đang kẹt cứng phía trên.”
Trong động Hương Tích, “hàng trăm lượt người tranh nhau hứng những giọt nước rơi xuống từ những mẩu thạch nhũ với hy vọng được may mắn cả năm đã khiến nhiều du khách bị té ngã. Bên ngoài, tình trạng xả rác bừa bãi diễn ra công khai dù ban tổ chức liên tục kêu gọi người dân ý thức. Trên bến Ðục và bến Yến, tình trạng ‘cò’ lái đò lôi kéo khách đi đò và ăn uống cũng diễn ra công khai, bất chấp sự có mặt của lực lượng công an.”
Cáp treo hay không cáp treo, hành hương cầu phước dịp đầu Xuân ở những địa điểm nổi tiếng tại Việt Nam không có gì thoải mái.
Báo Tiền Phong mô tả quang cảnh hành hương trên núi Yên Tử ngày 20 tháng 2 năm 2010 là “hỗn loạn” và “rất phản cảm”.”
(Nguoi Viet, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=108662&z=2 )
Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/8044571
0 nhận xét:
Đăng nhận xét