Thứ Năm, 18 tháng 2, 2010

Đọc báo thấy tin này đáng chú ý, liên hệ tới Việt Nam quê hương một thời của tôi, xin chép lại để mai mốt đọc lại kỹ hơn.



" Trần Tiến Dũng/Người Việt



Bắt đầu từ ngày 20 Tháng Chạp các quán nhậu ở Sài Gònvào mùa bội thu. Những ngày ấy chỉ cần nhìn vào bãi giữ xe là đã phát dội, dân nhậu ở đâu ra không biết mà cứ theo màu bia, mùi rượu mà ùa về, phải mất hơn một chục phút tôi mới tìm được một chỗ đá chống nghiêng chiếc xe gắn máy cà tàng của mình giữa một rừng xe đủ loại.



Trong túi quần, cái điện thoại di động của tôi liên tục reo, móc ra chưa kịp “a lô” đã nghe tiếng của thằng bạn và thú thiệt không nhận ra tiếng thằng nào, “Mày tới đâu rồi, hả, hả, hả, trời ơi mày nói gì tao nghe không được, lên lầu nghe, hả, tao nói lên lầu...”



Ngày nay ở Sài Gòn, nhậu trong những ngày Tết là loại đi nhậu chẳng cần biết nhậu với ai, cứ có tụ, có 'alô' có xếp được lịch là 'ok' nhậu. Từ công sở cho đến doanh nghiệp, từ dân làm ăn phất lên vùn vụt đến dân phá sản trốn nợ, từ nhà mô phạm cho đến văn nghệ sĩ... hễ nói nhậu là ngầm hiểu đó là một nội dung nhậu “chủ chốt” được “nhất trí ” từ chính sách “chế độ ta” toàn diện nhậu.



Tôi bước vào quán, toàn cảnh ăn nhậu trong giờ cao điểm của cái quán này là không thể tả, không thể so sánh với bất cứ chỗ tụ họp đông người nào. Không dám nói đến hành vi và cử động của những người ở đây, chỉ cần lọt vào vũng tiếng ồn ở quán nhậu thì ai đó hoặc là bỏ chạy hoặc là cùng rống lên vui thú nổ trời. Không riêng gì Sài Gòn, quán nhậu bất kể sang hay hèn, ở khắp Việt Nam ngày nay luôn là một dạng “chuồng trại” được rào bằng bia rượu và các em phục vụ.



Bàn chúng tôi nhậu có 8 người, 3 đàn bà 5 đàn ông. “Nội dung” chúng tôi nhậu là tất niên của một nhóm làm báo. Bàn phía bên tay phải liền kề cũng gồm ba đàn ông, ba bà vợ, sáu đứa con trai gái đầy đủ, đứa bé nhất có lẽ là một cô gái tuổi học lớp Tám, còn lý do nhậu của họ, họp mặt nhóm bạn gia đình. Xa hơn một chút là những dãy bàn nhậu dài, đông kín người, đó là người của một cơ quan chính quyền nào đó, xa hơn chút nữa có cái sân khấu nhỏ, trên đó có gắn dòng chữ: “Liên hoan tất niên khối... bệnh viện...”



Chúng tôi nhậu tráng miệng bằng bia heineken chai, sau đó thức uống chính là rượu vodka Nga. Các món nhậu gồm gỏi cóc khô cá sặc, heo rừng hấp gừng, bê thui rồi sau cùng là cơm trắng, hột vịt luộc dầm nước mắm mặn và rau cải luộc bốn mùa gồm bông bầu, đậu bắp, rau dền,...



Nếu có ai hỏi rằng nhậu gì mà món nhậu giống như món ăn cơm vậy thì người đó hẳn nên biết rằng uống bia rượu quốc tế, nhậu bằng mồi từ những món ăn như ăn cơm đang là phong cách nhậu thịnh hành của tầng lớp trung lưu thời nay ở Việt Nam.



Ở quán của chúng tôi đang nhậu, đa phần khách là cán bộ, công tư chức, nhưng nếu có ai thấy lạ là tiền ở đâu mà họ khui bia như mở vòi nước, kêu mồi phục vụ bưng không kịp thì người đó chắc là ở “cõi trên” mới xuống hoặc ở nước ngoài mới về. Vấn đề chính của cán bộ, công chức nhậu ở VN không phải là tiền ở đâu có mà uống bia loại gì, rượu ngoại xuất xứ từ nước nào, mồi đặc sản là gì.



Thống kê cho thấy lượng tiêu thụ bia rượu bình quân đầu người ở Việt Nam thuộc vào hàng cao nhất thế giới và riêng về mồi nhậu thì bao gồm tất cả các loại cây, con (trừ cây xăng và con bù lon ra tất cả các lại khác đều có thể làm mồi tuốt tuồn tuột.)



Một anh bạn nhà thơ kiêm nhà báo viết lung tung kiếm tiền nhuận bút, trước tiên để nhậu sau đó mới nhín cho vợ đi chợ, nói: “Trước tôi có biết một tay nhà báo già, Tết ghé nhậu với chúc Tết nhà ông, mở tủ lạnh ra thấy túi thấy bịch tùm lum. Nhìn là biết đồ ăn thừa từ các bữa nhậu tất niên được ông túm đem về để dành cho vợ con ăn Tết. Bây giờ ông chết rồi, vợ con ra sao cũng không rõ.”



Khi chúng tôi, gồm cả đàn bà và đàn ông, mỗi người uống hết ba chai bia, và cùng chia nhau hết một chai vodka thì có người đứng lên xin kiếu. Anh bạn nhà báo ngồi cạnh tôi nhìn nữ phóng viên xin kiếu về trước hỏi: “Ði khách chỗ khác hở em?” Cô bạn này nói: “Khổ thân em thế đấy anh ạ!” Vào cái lúc mà những bàn chung quanh chúng tôi đang vào cao điểm điệp khúc “vô, vô, vô” mà bàn chúng tôi mất tay nhậu thiệt chẳng ra làm sao!



Trong không khí ăn nhậu chùng xuống của bàn mình, tôi để ý lắng nghe bàn bên cạnh. Một giọng đàn ông nói: “Tao với mày vô trăm phần trăm cái đi, chúc mầy và gia đình đi Mỹ thắng lợi. ” Có một giọng đàn ông khác nói: “Bỏ cái giọng đảng viên của mầy đi, thằng T. nó đi Mỹ diện đoàn tụ gia đình mà chúc thắng lợi cái đ. gì.”



Tôi rời bàn nhậu sớm hơn dự định vì lời nhắc của một nhạc sĩ kiêm nhà báo chuyên đề âm nhạc. Anh nói: “Lịch từ giờ đến giao thừa của anh em mình còn dầy lắm nghen anh.” Mà quả thật, trốn được chuyện nhậu tất niên và tân niên ở Việt Nam ngày nay là chuyện cực khó. Nói không phải để biện hộ, nhưng chuyện tìm niềm vui trong bia rượu ngày Tết với không ít người cũng là cách để lắp đầy sự thất vọng ê chề trước thực trạng xã hội và đất nước này!”.




(Nguoi Viet, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=108499&z=1)

Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/7927041

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến