Thạch Thảo
Tết chưa đến, chưa qua mà sao thấy nhớ đến nao lòng. Chắc tại gió chướng từ sông cái lành lạnh lùa vào, bông so đũa nở trắng cành, khóm hoa ô mui vàng rực ngoài biền lá … và tôi bổng thèm nồi cháo cá bống kèo có đủ cả nhà quây quần trên bộ ván ngựa đặt gần góc bếp!
Năm nào chuẩn bị đón Tết chị em tôi cũng túi bụi, lăng xăng. Chị Ba khéo tay, chọn mấy cành cây mắm dáng đẹp, cắt hàng trăm bông mai vàng bằng giấy rồi dùng chỉ kết thành chậu mai. Không có cúc, hồng, vạn thọ, chị cắt giấy, lấy đầu đũa uốn từng cánh một, thức trắng mấy đêm làm bình bông thật đẹp đặt trên bàn thờ. Chị Tư dọn dẹp bếp núc, chất đầy kệ củi đước và không quên làm những quặn giấy nhọn dài úp lên đầu chai mỡ, chai giấm, nước mắm… che bụi cho chúng. Tôi vụng về nhưng được cái lẹ làng, đem hết nồi, nêu, soong, chảo ra sàn lãn chùi sạch lọ. Ngán nhất là bộ lư đồng, phải cẩn thận, tỉ mỉ chùi sáng bóng từng góc kẽ, hổng thôi bị má mắng “ăn thiệt làm dối”!
Tết quê nhà nhà đều có mứt gừng, cốm gạo. Khá giả hơn thì thêm mứt bí, mứt dừa. Trước ngày đưa ông Táo về trời, cả xóm rủ nhau đi thổi cốm. Tờ mờ sáng đến chạng vạng, không khí ở lò thổi cốm luôn “hừng hực”. Cả trăm người lớn, trẻ con cứ rôm rả chuyện dài, chuyện ngắn, chuyện nhỏ, chuyện to về năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến. Cốm gạo thổi xong đem về ngào với đường phèn, ngọt thanh, giòn khúm. Tôi có tật chộn rộn, hay theo sát má, giả đò canh chừng lửa đặng xin mấy miếng cốm vụn!
Trưa 30 Tết, mấy chị em xúm nhau phụ má gói bánh tét. Tôi có “gan lì”, quen thả cá, chài tôm, bắt cua, câu lịch … chứ làm gì cột được một khoanh bánh tét, thế nên được giao “nhiệm vụ” ra rừng mắm vác chục gốc cây khô tổ chảng đem về nấu bánh. Đêm. Gió lồng lộng lùa vào chái bếp. Bên ánh lửa bập bùng, tôi co ro ngồi sát má thức canh nồi bánh tét. Má kể tôi nghe hồi nhỏ má mồ côi, đến thời con gái lấy chồng, rồi tảo tần nuôi con… Đột nhiên, má phát một cái vào mông tôi, rồi bảo: “ Không sửa được cái tính, cái nết lí la lí lắc như đực rựa thì đừng mơ lấy chồng nghe con”! …
Chuẩn bị đón Tết xôm tụ với đủ bông hoa, bánh mứt để dành đón khách hàng xóm láng giềng. Tết không có quần áo mới, không tính chuyện đi chơi. Tết vẫn ở nhà canh chừng nước ròng, nước lớn. Đó là “cơ hội” bắt được nhiều cá, tép nhất trong năm, hy vọng kiếm được nhiều tiền chạy gạo. Ăn để mà sống! Từ 5 – 6 giờ chiều, anh Hai với chị Tư đi chài ở đập xa. Tôi vác chài, má xách thùng ra đập gần nhà. Con nước rong ngày Tết thuỷ triều dâng cao. Nước từ sông Gành Hào cuồn cuộn chảy qua đập Thầy Ký, liếm qua bờ đê, chui qua ống bọng, bò qua lỗ mọi. Lũ cá kèo với tép chắc rủ nhau đi chơi tết, bỏ láng, bỏ kênh nườm nượp lội nước ngược dòng tìm ra sông lớn. Nhờ vậy anh em tôi “trúng mánh”, quăng chài độ nửa tiếng đồng hồ đã đầy thùng. Ba ở nhà đặt đó, 10 – 15 phút đổ một lần. Cá, tép nhiều quá cỡ, chúng nhắm mắt nhắm mũi chui đầy vào cái đó, khiến lắm lúc ba vừa dỡ đó lên, đó bị bung đít. Tiếc hùi hụi! Không đủ khạp chứa cá kèo, mà rọng trong lu thì cá tróc nhớt chết liền, ba phải đào hố, lót cao su để rọng. Tép tươi thương lái mua không hết, má luộc phơi khô. Tôi tranh thủ lựa tôm thẻ trà trộn trong mấy cần xé tép, lột vỏ làm tôm lụi để dành nướng ăn cho đã.
Nước lớn rồi ròng, đó là lúc tôi hí ha hí hửng trở về nhà. Chị ba cũng vừa nấu xong nồi cháo cá. Trong căn nhà lá chật hẹp, bên ánh đèn dầu lờ mờ, cả nhà xúm lại nồi cháo đặc sệt cá, đặt giữa bộ ván ngựa. Ấm áp lạ lùng! Ăn xong, ngủ chưa đầy giấc, 3 – 4 giờ sáng lại lục đục thức dậy xách lồng đèn, mặc áo mưa trở ra đập (trời không hề mưa, mặc cho đỡ lạnh). Dẫu rất cẩn thận, sợ áo ướt, gió thổi mạnh lạnh thấu xương nhưng tôi vẫn không tránh khỏi mấy lần giải chài bị mất trớn, người nhảy đùng xuống nước. Run cầm cập! …
20 cái Tết lặng lẽ đi qua trong trí nhớ cuộc đời. Duy chỉ có Tết quê năm cũ, dẫu xa rồi mà vẫn vẹn nguyên giữa thẳm sâu nỗi lòng người con xa xứ!
Xem đầy đủ bài viết tại http://www.metinfo.vn/blog/?p=5147
0 nhận xét:
Đăng nhận xét